Hà Nội: Phương án chi 74 tỷ đồng xây bến xe mới ở Pháp Vân bị phản đối

28/07/2013 06:09
Ngọc Quang
(GDVN) - Sở GTVT Hà Nội vừa mới trình phương án làm bến xe tạm tại ngã ba Pháp Vân, nhưng ngay lập tức bị phản đối.

Sở GTVT Hà Nội lập quy hoạch bến xe mới dựa trên sự đồng ý của ông Nguyễn Thế Thảo - Chủ tịch UBND TP Hà Nội.

Sau 18 ngày tiến hành lập quy hoạch, đơn vị thực hiện là Tổng Công ty Tư vấn Thiết kế giao thông vận tải (TEDI) đã trình phương án thiết kế bến xe loại 1 với diện tích sử dụng 2,8 héc-ta (vị trí là đảo giao thông hiện tại kết nối giữa đường Pháp Vân – Cầu Giẽ với đường vành đai 3), tổng mức đầu tư 73-74 tỷ đồng (chưa kể các phương án kèm theo làm đường phía ngoài bến xe để phục vụ xe ra vào bến).

Khu vực Sở GTVT trình phương án làm "bến xe tạm" ngốn tới 74 tỷ đồng.
Khu vực Sở GTVT trình phương án làm "bến xe tạm" ngốn tới 74 tỷ đồng.

Theo phương án thiết kế của TEDI, bến xe gồm 3 cửa ra vào ở 3 hướng. Trong đó có một cửa ra mở thẳng ra đường Pháp Vân – Cầu Giẽ (tuyến đường đang được khai thác tốc độ cao, đã có dự án nâng cấp thành cao tốc). Một cửa khác dành cho xe khách, ô tô con, xe máy ra vào bến hướng thẳng ra ngã 3 giao cắt giữa tuyến Pháp Vân – Cầu Giẽ và đường Vành đai 3, một điểm ùn tắc thường xuyên hiện nay.

Tuy nhiên, tại cuộc họp do Sở GTVT Hà Nội tổ chức để lấy ý kiến vào sáng 25/7, ông Khuất Việt Hùng - Quyền Vụ trưởng Vận tải (Bộ GTVT) đánh giá: “Đây là vị trí này quá nhạy cảm về giao thông, nếu bến tồn tại 7 năm, tức là đến 2020 như đề xuất của Sở GTVT thì nên chọn vị trí khác vì “thời gian tồn tại của bến dài như vậy không thể gọi là ngắn hạn, cấp bách. Việc mở cổng bến ra đường cao tốc không bao giờ được”.

Đại diện Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội cho rằng, Pháp Vân là cửa ngõ quan trọng nhất của Hà Nội. Khách đến Hà Nội mà chứng kiến ngay cảnh nhếch nhác của bến xe, về cảm quan là không ổn, do đó nên tìm vị trí khác.

Trong cuộc họp, nhiều ý kiến đề nghị xác định vai trò của bến xe Nước Ngầm – Giáp Bát (2 bến xe dự tính vẫn còn thừa năng lực đón khoảng 1.000 xe/ngày), cũng nằm phía Nam, cạnh bến tạm này. Thậm chí, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư còn đặt câu hỏi: “Vấn đề bức xúc cho xe khách hiện nay như thế nào phải được làm rõ, để ai hỏi còn có cái mà trả lời”.

Ngoài ra, theo thống kê thì tổng công suất thiết kế các bến xe khách liên tỉnh của Hà Nội hiện nay được xác định là trên 5.000 lượt xe/ngày. Tổng lượng xe khách đăng ký khai thác khoảng trên 3.600 xe/ngày, thừa hơn 1.000 lượt. Vậy tại sao Hà Nội cho phép làm bến xe mới? Báo Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục cập nhật các thông tin tiếp theo.

Ngọc Quang