Hà Nội sẽ xây dựng thêm nhiều cầu cạn để chống ùn tắc giao thông

20/02/2013 07:48
PV
(GDVN) - Trong cuộc họp giao ban báo chí tại Thành ủy Hà Nội vào chiều 19/1, ông Nguyễn Xuân Tân – Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, trong những tháng tiếp theo cho đến hết năm 2013 sẽ có hàng loạt công trình phục vụ đời sống dân sinh, thực hiện mục tiêu chống ùn tắc giao thông sẽ được tiếp tục đẩy nhanh tiến độ, đồng thời cũng rà soát triển khai nhiều hạng mục công trình mới.

Cụ thể, triển khai 12 công trình xây dựng cơ bản: cầu vượt đường Chùa Bộc – Thái Hà, Nguyễn Chí Thanh – đường Láng; Lê Văn Lương – đường Láng; nút Nam Hồng – Bắc Thăng Long – Nội Bài; cầu Yến Vĩ; cầu vượt đường Trần Khát Chân – Đại Cồ Việt; cầu vượt đường Nguyễn Chí Thanh – Kim Mã (nút Daewoo)...

Hoàn thành dứt điểm các dự án giao thông quan trọng như: quốc lộ 32 đoạn Cầu Diễn – Nhổn, hợp phần vành đai 2 thuộc dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội, đường Cát Linh – La Thành – Thái Hà – Láng (đã thông xe), đường Văn Cao – Tây Hồ, đường Kim Mã – Trần Phú…

Tiếp tục triển khai các công trình cầu vượt kết cấu thép lắp ghép tại các nút giao có mật độ giao thông cao như: cầu vượt nút giao Trần Khát Chân – Đại Cồ Việt, nút giao Nguyễn Chí Thanh – Liễu Giai – Kim Mã… nghiên cứu phương án xây dựng cầu vượt tại nút giao Chùa Bộc – Phạm Ngọc Thạch (dự án cầu vượt và dự án cải tạo mở rộng cầu Trung Tự kết hợp chỉnh trang tuyến Phạm Ngọc Thạch đoạn từ cầu Trung Tự đến nút giao Lương Đình Của); xây dựng cầu vượt tại nút giao Nguyễn Văn Cừ - Nguyễn Sơn…

Các cầu vượt hoàn thành đã góp phần không nhỏ vào việc chồng ùn tắc giao thông nội đô.
Các cầu vượt hoàn thành đã góp phần không nhỏ vào việc chồng ùn tắc giao thông nội đô.

Đối với việc phát triển vận tải hành khách công cộng, ông Tân cho biết, Sở GTVT Hà Nội sẽ phối hợp với Vụ Vận tải – Bộ GTVT để triển khai hiệu quả việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình xe, tránh tình trạng lắp đối phó hoặc có lắp nhưng không sử dụng; Xẩy dựng hoàn chỉnh tuyến buýt nhanh Kim Mã – Hà Đông.

Trong cuộc họp chiều qua, rất nhiều câu hỏi có tính thời sự trọng điểm liên quan tới các dự án đã được đặt ra cho vị Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội: Tổng số tiền đầu tư cho các dự án này là bao nhiêu? Cùng một  thời điểm có nhiều dự án được triển khai đồng loạt, không chỉ có cầu vượt, mà còn có cả cầu đi bộ, đường sắt trên cao, tàu điện ngầm… thì tình hình ùn tắc sẽ rất căng thẳng, vậy Sở GTVT có dự đoán được tình trạng ùn tắc để có hướng xử lý không?

Ông Nguyễn Xuân Tân cho hay: “Ở đây nếu nói về tổng tiền đầu tư thì khó, vì không làm kế hoạch, không cân đối được nguồn thu nên không biết chi kiểu gì, mà chúng tôi chỉ biết sẽ triển khai những phần việc như vậy. Ngân sách thành phố nhiều thì mới làm được, còn nếu ngân sách không có thì rất khó, nhưng tôi khẳng định là những chương trình mục tiêu như xây dựng cơ bản, giảm ùn tắc giao thông, an toàn giao thông luôn được thành phố ưu tiên vì hạ tầng là một trong hai khâu quan trọng để đột phá.

Đối với lo ngại về tình hình giao thông bị ảnh hưởng do thi công các công trình thì khi làm dự án phải sử dụng lòng đường, vỉa hè nên cũng cản trở giao thông, tuy nhiên các điểm khó thì đã triển khai nhiều như nút Chùa Bộc – Thái Hà hoặc Huỳnh Thúc Kháng, Láng Hạ - Lê Văn Lương. Còn lại các nút Đại Đồ Việt hay nút Deawoo thì tình trạng ùn tắc không đáng ngại".

Đối với dự án xây dựng tuyến xe buýt nhanh (BRT) đoạn Kim Mã – Hà Đông đã triển khai, người dân chưa rõ lộ trình của dự án khi nào hoàn thành, hoạt động như thế nào, vé xe có dùng chung được với các tuyến hiện tại không? Mức độ liên thông và phối hợp với các tuyến khác thế nào?

Ông Nguyễn Xuân Tân cho biết: “Hiện nay mới hoàn chỉnh được giai đoạn 1 về hoàn chỉnh hồ sơ hạ tầng cũng như các đơn vị đấu thầu tham gia thi công, đồng thời cũng đang trao đổi với phía đối tác để họ đầu tư cho 35 xe hoạt động tại tuyến này. Còn vé xe buýt mức độ liên thông đến đâu, sau này cải tạo thế nào để liên thông nhiều tuyến thì thuộc dự án do JAICA tài trợ thí điểm từ ga Hàng Cỏ đến Ngọc Hồi (Văn Điển) và đương nhiên loại vé này sẽ áp dụng trước sau đó mới chuyển sang BRT, bởi vì thực tế là chỉ hơn nhau cái đầu đọc. Tiến độ dự án hoàn thành khi nào thì phụ thuộc vào sự trao đổi giữa thành phố và nhà đầu tư”.

PV