Hai nhà báo bị đánh dã man: "Nơi chúng tôi tác nghiệp không hề bị cấm"

09/05/2012 11:23
Thảo Lăng
(GDVN) - Tại cuộc họp báo chiều 23-4 (trước vụ cưỡng chế 1 ngày), lãnh đạo tỉnh Hưng Yên đã thông báo là báo chí được tới những nơi không phải là hiện trường vụ cưỡng chế để tác nghiệp.

Việc 2 nhà báo của Đài Tiếng nói Việt Nam bị lực lượng công an hành hung khi đang tác nghiệp ở Văn Giang - Hưng Yên đang dấy lên nhiều luồng ý kiến khác nhau. Trong đó, không ít ý kiến cho rằng vị trí tác nghiệp của các nhà báo là vị trí bị cấm.

Tuy nhiên, trao đổi với Giáo dục Việt Nam, nhà báo Nguyễn Ngọc Năm, Bí thư chi bộ, Trưởng phòng Thời sự, Đài Tiếng nói Việt Nam cho biết: “Nơi mà chúng tôi đứng không phải khu vực cấm. Bởi vì đó là khu vực nhà văn hóa xã Thuận Quang, huyện Văn Giang.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Năm (bên trái) và nhà báo Hán Phi Long (bên phải) đã bị những người mặc sắc phục công an hành hung ở Văn Giang - Hưng Yên khi đang tác nghiệp ngày 24/4/2012. (Ảnh: Người lao động)
Nhà báo Nguyễn Ngọc Năm (bên trái) và nhà báo Hán Phi Long (bên phải) đã bị những người mặc sắc phục công an hành hung ở Văn Giang - Hưng Yên khi đang tác nghiệp ngày 24/4/2012. (Ảnh: Người lao động)

Nhà văn hóa này nằm ở khu vực tiếp giáp với nghĩa trang xã Thuận Quang và là nơi ngăn cách lực lượng cưỡng chế đang dàn quân làm nhiệm vụ với bên kia là một số người dân huyện Văn Giang.

Sau một thời gian quan sát, tôi và anh Hán Phi Long tách nhau ra. Tôi đứng bên trong hành lang của nhà văn hóa, còn anh Long đi ra phía ngoài khu vực tường bao của nhà văn hóa. Ở tất cả các vị trí trên đều không có biển cấm hay bất kỳ dấu hiệu nào thể hiện đây là khu vực cấm".

Được biết, tại cuộc họp báo chiều 23/4 (trước vụ cưỡng chế 1 ngày), lãnh đạo tỉnh Hưng Yên đã thông báo là báo chí được tới những nơi không phải là hiện trường vụ cưỡng chế để tác nghiệp.

CẬN CẢNH VỤ HÀNH HUNG DÃ MAN HAI NHÀ BÁO TẠI VĂN GIANG QUA ẢNH

Trả lời báo chí, bà Nguyễn Lan Hương, Trưởng ban Thư ký biên tập, Đài Tiếng nói Việt Nam cũng khẳng định: “Hai nhà báo đã thực hiện đúng quy định và tác nghiệp ở những nơi không phải là hiện trường vụ cưỡng chế để tác nghiệp”.

Bà Hương cho biết thêm, ngày 3/5, Trung tâm Tin – VOV đã có văn bản gửi Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên đề nghị làm rõ vụ việc. Bên cạnh đó Liên Chi hội nhà báo VOV đã có văn bản gửi Hội Nhà báo Việt Nam. Ngày 8/5, VOV đã có văn bản gửi Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin và truyền thông về vụ việc này.
 
“Sự việc xảy ra đã nửa tháng nhưng đến nay Công an tỉnh Hưng Yên vẫn chưa có một động tác nào cả việc trả lời hay chưa trả lời” – bà Hương nói.

Hình ảnh nhà báo bị đánh được cắt ra từ clip dài hơn 1 phút.
Hình ảnh nhà báo bị đánh được cắt ra từ clip dài hơn 1 phút.
Theo lời ông Năm, trong bản tường trình, ông đã yêu cầu ông Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên trả lời những vấn đề sau: Thứ nhất, yêu cầu lãnh đạo công an Tỉnh Hưng Yên có một cuộc làm việc riêng với lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam về vấn đề trên; thứ hai, chỉ rõ ai là người ra lệnh đánh phóng viên, những ai thực thi lệnh này, họ bị xử lý, kỷ luật như thế nào? Công an Tỉnh Hưng Yên phải có trách nhiệm bồi thường tổn hại sức khỏe, tinh thần cho các nhà báo bị hành hung.
Báo cáo trước Thủ tướng sáng 2/5, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Khắc Hào đánh giá, cuộc cưỡng chế "đảm bảo an toàn, không ai bị thương". Ông này cũng cho rằng, "các phần tử chống đối trong và ngoài nước" đã "dàn dựng clip giả để vu khống, bôi nhọ chính quyền", nhưng không nói cụ thể clip nào.
Ông Hào cũng cho rằng, vụ cưỡng chế Văn Giang "các cơ quan thông tấn, báo chí chính thức đưa tin tuyên truyền ít, phản ứng chậm", trong khi các mạng xã hội "phản ứng nhanh, đưa tin liên tục".
Nói về suy nghĩ của mình xung quanh sự việc bị hành hung, ông Năm tâm sự: Tôi cảm thấy bị tổn hại tinh thần nặng nề. Tôi và những đồng nghiệp của mình đang hoạt động một cách công khai, trên lãnh thổ Việt Nam, là cơ quan ngôn luận của Đảng và Nhà nước nhưng lại bị chính những người có trách nhiệm bảo vệ Pháp luật, bảo vệ Nhà nước hành hung.

CẬN CẢNH VỤ HÀNH HUNG DÃ MAN HAI NHÀ BÁO TẠI VĂN GIANG QUA ẢNH
Một công dân bình thường ở Việt Nam có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, và nhà báo là những người truyền tải những tiếng nói của công chúng thì càng cần được bảo vệ. Hơn nữa, trong hoàn cảnh chúng tôi không có bất kỳ thứ vũ khí nào trong tay, họ hoàn toàn có thể để chúng tôi xuất trình giấy tờ. Nhưng họ đã không làm thế, thậm chí ngay cả khi chúng tôi xưng là nhà báo, vẫn bị hành hung dã man trước mặt hàng trăm người.
Như đã đưa tin, ngày 24/4/2012, khi đang đứng quan sát tình hình vụ cưỡng chế ở Văn Giang, Hưng Yên, 2 nhà báo của Đài Tiếng nói Việt Nam là Nguyễn Ngọc Năm (44 tuổi, Bí thư chi bộ, Trưởng phòng Thời sự) và Hán Phi Long (33 tuổi) đã bị một nhóm người mặc sắc phục công an dùng gậy gộc hành hung.

Mặc dù đã xưng mình là nhà báo đang thực hiện nhiệm vụ nhưng nhóm người này vẫn tiếp tục đánh hội đồng và dùng còng số 8 còng tay ông Năm đưa về trụ sở Viện kiểm sát nhân dân huyện Văn Giang.

Tại đây, cơ quan chức năng đã tiến hành lấy lời khai của ông Năm 2 lần và có 2 bác sĩ tới thăm khám vết thương. Tổng số thời gian ông bị giam giữ là 8 tiếng. Theo lời ông Năm, khoảng 17h cùng ngày, một số người tự xưng là đại diện Công an huyện Văn Giang đã đứng ra xin lỗi và thả 2 nhà báo.

Từ đó tới nay, ông Năm đã gửi 2 bản tường trình sự việc tới Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên. Ngày 3/5, Trung tâm Tin - VOV đã có văn bản gửi Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên yêu cầu làm rõ sự việc. Tuy nhiên, đơn vị này vẫn chưa có bất kỳ hồi âm nào.

Thảo Lăng