Hải quân Ấn Độ sẽ nhận được tàu sân bay vào tháng 11/2013

30/01/2013 08:01
Việt Dũng (nguồn báo Hoàn Cầu)
(GDVN) - Phía Nga đã đổi xong tất cả vật liệu cách nhiệt nồi hơi trên tàu sân bay, dự kiến chạy thử cuối cùng vào tháng 5 và bàn giao vào tháng 11/2013.
Tàu sân bay Vikramaditya
Tàu sân bay Vikramaditya

Tờ “Hoàn Cầu” Trung Quốc vừa có bài viết dẫn nguồn mạng tin tức tổ hợp công nghiệp quân sự Nga ngày 28/1, cho biết, người phát ngôn Hải quân Ấn Độ chứng thực, tàu sân bay Vikramaditya được Nga cải tạo cho Ấn Độ có kế hoạch khôi phục chạy thử nghiệm thu vào tháng 5/2013, sau đó sẽ trang bị cho Hải quân Ấn Độ vào cuối năm 2013.

Trước đó có tin cho biết, tàu sân bay Vikramaditya ban đầu có kế hoạch bàn giao cho Hải quân Ấn Độ vào ngày 9/12/2012, nhưng đợt chạy thử trên biển vào tháng 9/2012 đã xảy ra sự cố, 3 trong 8 nồi hơi của thiết bị động lực đã bị tê liệt, buộc phải đẩy lùi bàn giao.

Theo nguồn tin của tờ “Jane’s Defense Weekly”, doanh nghiệp chế tạo cơ khí phương Bắc Nga phụ trách công tác tu sửa đã hoàn thành công việc đổi tất cả vật liệu cách nhiệt nồi hơi trên tàu sân bay, hy vọng có thể khôi phục chạy thử tàu sân bay trên biển giai đoạn cuối cùng vào tháng 5/2013.

Ngày 15/1, Tham mưu trưởng Hải quân Ấn Độ, ông Đô đốc D.K. Joshi cho biết, tàu sân bay Vikramaditya sẽ được bàn giao, biên chế vào tháng 11/2013. 

Việc thử nghiệm cất/hạ cánh máy bay chiến đấu hải quân MiG-29K đã hoàn thành trước khi xảy ra sự cố nồi hơi động cơ của tàu sân bay Vikramaditya
Việc thử nghiệm cất/hạ cánh máy bay chiến đấu hải quân MiG-29K đã hoàn thành trước khi xảy ra sự cố nồi hơi động cơ của tàu sân bay Vikramaditya

Căn cứ vào tin tức do tầng lớp lãnh đạo Hải quân Ấn Độ tiết lộ, trước khi nồi hơi xảy ra sự cố, tàu sân bay Vikramaditya đã chạy thử trên biển 90 ngày với 11.000 hải lý, đã hoàn thành cất/hạ cánh thử máy bay chiến đấu hải quân MiG-29K, chỉ có thử nghiệm thiết bị động lực còn chưa kết thúc.

Căn cứ vào thỏa thuận liên chính phủ Nga-Ấn ký tháng 1/2004, Nga chuyển nhượng tàu sân bay Gorshkov cho Ấn Độ, điều kiện là do doanh nghiệp Nga tiến hành cải tạo hiện đại hóa đối với tàu sân bay cũ, trang bị máy bay chiến đấu hải quân do Nga chế tạo.

Hợp đồng ban đầu do công ty Rosoboronexport Nga và Bộ Quốc phòng Ấn Độ ký kết, quy định phía Ấn Độ bỏ ra 974 triệu USD chi phí cải tạo tàu sân bay và 530 triệu USD chi phí mua 16 máy bay chiến đấu MiG-29K và máy bay trực thăng Ka-31, Ka-27, có kế hoạch bàn giao vào ngày 15/8/2008.

Nhưng, trong quá trình cải tạo sau đó, phía Nga phát hiện, lượng công việc và chi phí cho cải tạo tàu sân bay cũ phải lớn hơn nhiều so với dự kiến ban đầu.

Sau khi trải qua quá trình đàm phán lâu dài, hai bên đã đạt được thỏa thuận, chi phí mà Ấn Độ phải bỏ ra để cải tạo tàu sân bay đã tăng vọt lên tới 2,33 tỷ USD.

Công tác chạy thử cuối cùng tàu sân bay Vikramaditya sẽ được tiến hành vào tháng 5 tới
Công tác chạy thử cuối cùng tàu sân bay Vikramaditya sẽ được tiến hành vào tháng 5 tới

Được biết, sau khi chính thức biên chế, tàu sân bay Vikramaditye sẽ trở thành tàu chiến mặt nước lớn nhất của Hải quân Ấn Độ, dự kiến sẽ hoạt động trong khoảng 30 năm.

Đồng thời, Ấn Độ đã bắt đầu chế tạo tàu sân bay nội địa tại nhà máy đóng tàu Cochin, có kế hoạch đưa vào hoạt động vào năm 2014-2015. Hải quân Ấn Độ có kế hoạch lâu dài trang bị tổng cộng nhiều nhất là 6 tàu sân bay.
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Việt Dũng (nguồn báo Hoàn Cầu)