Hải quân Mỹ nghiên cứu phát triển người máy dập lửa kiểu mới

27/10/2012 09:07
Đông Bình (nguồn Navytimes, Telegraph)
(GDVN) - Người máy ASH hoàn toàn tự chủ, có thể tự tìm kiếm địa điểm cháy trên tàu và tự quyết định áp dụng phương pháp nào để dập lửa.
Người máy dập lửa ASH, Hải quân Mỹ
Người máy dập lửa ASH, Hải quân Mỹ

Trang mạng “Thời báo Hải quân” Mỹ vừa cho biết, người máy hải quân hoàn toàn tự chủ (ASH), do Cục Nghiên cứu Hải quân Mỹ (ONR) rót vốn, Học viện Công nghệ Virginia Mỹ (Virginia Tech) phụ trách nghiên cứu phát triển, sẽ giúp cho các nhân viên kiểm soát thiệt hại trên tàu chiến của Hải quân Mỹ loại bỏ những tai họa ngầm hỏa hoạn trên tàu. Người máy (robot) này được lập trình để biết di chuyển như thế nào trên một con tàu cụ thể.

Người máy ASH sẽ có thể hiểu được tín hiệu động tác tay của nhân viên trên tàu, xác định vị trí địa điểm xảy ra hỏa hoạn, tiếp cận ngọn lửa ở phía trước, đánh giá sự nguy hiểm của ngọn lửa, xác định những hành động cần thiết và sử dụng thiết bị dập lửa để dập tắt mồi lửa.

Tiến sĩ Brian Lattimer của Virginia Tech cho biết, người máy ASH sẽ trang bị bộ cảm biến đặc biệt và máy quay (camera) hồng ngoại, những thiết bị này có thể giúp cho người máy ASH nhìn qua khói, quan sát tình hình trước mặt và có thể làm việc ở khu vực có tầm nhìn thấp.

Các nhân viên nghiên cứu cho biết, sự xuất hiện của người máy ASH hoàn toàn không có nghĩa là sẽ hoàn toàn thay thế cho nhân viên cứu hỏa/phòng cháy chữa cháy trên tàu.

Trên một số phương diện, nhân viên cứu hỏa có thể phát huy vai trò đặc biệt của họ. Thiết lập người máy ASH hoàn toàn là để giảm thương vong cho nhân viên, triển khai công tác cứu giúp ở những nơi nguy hiểm mà con người không thể can thiệp.

Khi xảy ra cháy, ở trong môi trường khói bụi và nhiệt độ cao, con người thường phải hạ thấp người gần mặt đất mới có thể bảo đảm an toàn, trong khi đó người máy ASH có ngoại hình gần như con người, có thể thích ứng với các kết cấu kiến trúc như bậc tam cấp, cửa khoang trên tàu (lối đi hẹp), ngoài ra người máy này còn có thể điều khiển tàu và duy trì cân bằng cho bản thân nó trong quá trình tàu chạy.

Khi tiến hành dập lửa, để các thiết bị điện của bộ cảm biến không bị tan chảy, người máy ASH sẽ còn mặc áo phòng cháy tương tự như nhân viên cứu hỏa.

Hiện nay, nửa thân dưới của người máy ASH đã hoàn thành và có thể thực hiện chức năng đi lại, nửa thân trên dự kiến sẽ hoàn thành trước cuối tháng 11.

Các nhân viên nghiên cứu sẽ tiến hành công tác kiểm tra có liên quan đối với người máy ASH trên tàu vận tải đổ bộ USS Shadwell (nghỉ hưu) vào đầu năm 2013. Con tàu này hiện đang neo đậu ở cảng Mobile, Alaska.

Tom McKenna, Giám đốc chương trình người máy, Cục Nghiên cứu Hải quân Mỹ cho biết, mục tiêu lâu dài là phải trang bị ít nhất 1 người máy ASH trên mỗi chiếc tàu chiến Hải quân Mỹ, nhưng hiện còn chưa thể xác định được loại tàu chiến cụ thể nào sẽ được trang bị trước người máy này và vào lúc nào.

Người máy ASH có thể tự tìm kiếm địa điểm cháy trên tàu và tự quyết định áp dụng phương pháp nào để dập lửa.

Trong thời gian người máy dập lửa, con người có thể phát ra chỉ thị cho người máy bằng tín hiệu động tác tay, như dùng ngón tay chỉ vào khu vực bị hỏa hoạn hoặc vẫy cánh tay để cho người máy ngừng tiến lên, tức là chỉ thông qua mệnh lệnh mơ hồ là có thể tiến hành công tác chỉ thị đối với người máy ASH, không cần nói chính xác địa điểm xảy ra cụ thể của hỏa hoạn.

Sau khi phát hiện ra tình hình hỏa hoạn, người máy ASH sẽ trước tiên sử dụng máy dập lửa để dập lửa, sau đó sẽ sử dụng ống phun nước cầm tay (được nhân viên cứu hỏa sử dụng) để dập tắt những ngọn lửa còn sót lại. Ngoài ra, người máy ASH sẽ còn trang bị túi nhồi bọt dập lửa.

Tiến sĩ Brian Lattimer, nhà nghiên cứu ở Virginia Tech cho biết, người máy ASH cuối cùng sẽ có thể hoàn thành mọi công việc của con người, từ công việc quét dọn sàn tàu đến các hoạt động phục vụ nghỉ ngơi như bưng rượu, lấy một cốc bia đều có thể do người máy thực hiện.

Công nghệ sử dụng ở người máy ASH hầu hết đến từ người máy CHARLI-2 do Phòng thí nghiệm người máy và cơ khí, Học viện Công nghệ Virginia thiết kế, phát triển.

Người máy CHARLI-2 là người máy kiểu tự chủ toàn bộ đầu tiên, mục đích thiết kế chế tạo người máy này là để nghiên cứu người máy sử dụng hai chân đi lại như thế nào. Người máy này đã liên tục giành được 2 giải nhất trong cuộc thi cúp thế giới bóng đá người máy thế giới năm 2011 và 2012.

Người máy tự chủ Charli-2 của Học viện Công nghệ Virginia
Người máy tự chủ Charli-2 của Học viện Công nghệ Virginia
Đông Bình (nguồn Navytimes, Telegraph)