Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật: 0917.84.9911

Hành động in “đường lưỡi bò” vào hộ chiếu là cực kỳ thâm hiểm

25/11/2012 07:27
Hồng Chính Quang
(GDVN) - "Chúng ta cũng phải có đối sách làm sao để vừa giữ được chủ quyền thiêng liêng, các quyền hợp pháp của chúng ta trên biển. Đồng thời vẫn phải đảm bảo quan hệ hữu nghị. Đó là điều rất khó mà các nhà lãnh đạo phải tính toán. Dân tộc này cần phải có một sự nỗ lực, đoàn kết thống nhất".
LTS: Liên quan đến việc Trung Quốc vừa ngang nhiên thực hiện in đường chủ quyền lưỡi bò lên hộ chiếu kiểu mới cho công dân của nước này, chiều 24/11, phóng viên báo Giáo dục Việt Nam đã có buổi trao đổi với TS. Trần Công Trục – nguyên Trưởng ban Biên giới của Chính phủ về vấn đề này. 

TS. Trần Công Trục – nguyên Trưởng ban Biên giới của Chính phủ (Ảnh: Tuấn Phùng)
TS. Trần Công Trục – nguyên Trưởng ban Biên giới của Chính phủ  (Ảnh: Tuấn Phùng)

Một bước đi có sự tính toán rất kỹ của Trung Quốc

PV: Ông đánh giá như thế nào về việc Trung Quốc cho in “đường lưỡi bò” vào hộ chiếu cho công dân của họ?
TS. Trần Công Trục: Vừa qua, Trung Quốc đã gây xôn xao về việc in đường lưỡi bò trong hộ chiếu để cấp cho công dân của họ khi đi sang các nước khác. Về mặt ngoại giao, Bộ Ngoại giao của Việt Nam và các nước khác trên thế giới như Philippines, Brunei và Malaysia đã lên tiếng phản đối ở những mức độ khác nhau. 
Nhưng ở đây, khi nhìn vào bản chất của vấn đề thì đây là hành vi nằm trong kế hoạch đã được tính toán từ trước của họ nhằm mục đích hợp thức hóa “đường lưỡi bò”. Họ đã từng làm rất nhiều biện pháp trong đó có cả dùng vũ lực, tuyên truyền, giáo dục, chính trị, ngoại giao.

Lần này, họ đưa vào một tài liệu pháp lý hết sức quan trọng và phổ biến trong quan hệ quốc tế là hộ chiếu công dân. Điều này thể hiện quyết tâm tranh giành và chiếm toàn bộ Biển Đông của Trung Quốc. Bằng rất nhiều thủ thuật thì đưa “đường lưỡi bò” vào hộ chiếu công dân Trung Quốc với mục đích khẳng định mạnh mẽ một cách chính thức về mặt pháp lý. 

Không chỉ vậy, âm mưu của họ nham hiểm ở chỗ, khi công dân Trung Quốc sang các nước khác mà hải quan các nước trên thế giới không chú ý đến sự bất hợp pháp này mà đóng dấu đồng ý cho xuất, nhập cảnh vào hộ chiếu đó thì ngay lập tức Trung Quốc sẽ lấy đó làm chứng cứ để chứng minh cho việc các nước khác thừa nhận trên thực tế rằng “đường lưỡi bò” là hợp pháp. Trong khi đó, yêu sách về “đường lưỡi bò” là hết sức phi lý. Đó là hành động mới cực kỳ nguy hiểm và còn hơn cả các hành động những lần trước đó. 

Đoàn khách du lịch Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai chiều 23-11, trong số này có bốn hộ chiếu bị đóng dấu hủy vì có đường lưỡi bò
Đoàn khách du lịch Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai chiều 23-11, trong số này có bốn hộ chiếu bị đóng dấu hủy vì có đường lưỡi bò

Họ muốn làm mọi cách để giành được sự công nhận trên thực tế của các nước trên thế giới đối với “đường lưỡi bò”. Còn với các nước có liên quan đến Biển Đông như Việt Nam, Philippines, Malaysia… trong quan hệ ngoại giao, đóng dấu đồng ý cho công dân Trung Quốc xuất, nhập cảnh bằng hộ chiếu này mà không có bất kỳ sự phản đối nào thì lại càng nguy hiểm hơn. Bởi vì đó là sự công nhận “đường lưỡi bò”.

Đây là bước đi có sự tính toán rất kỹ của Trung Quốc. Trước đây, họ đã có những hành động nhằm hợp thức hóa “đường lưỡi bò” nhưng lần này họ làm quyết liệt hơn. 

PV: Chúng ta đã chứng kiến nhiều sự gây hấn của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, từ việc “rêu rao” mời thầu khai thác dầu cho đến việc “âm thầm” tuồn bản đồ giả vào Việt Nam và bây giờ là in đường lưỡi bò vào hộ chiếu công dân Trung Quốc. Ông đánh giá như thế nào về sự chuyển hướng này?

TS. Trần Công Trục: Như tôi đã nói thì đây là một bước đi mới đã được họ tính toán hết sức công phu trong việc muốn giành lấy sự công nhận trên thực tế của các nước khác trên thế giới về yêu sách của họ. Việc họ đưa yêu sách “đường lưỡi bò” vào công hàm thì chỉ là một chiều từ Trung Quốc tới các nước và các nước trong đó có Việt Nam có thể phản đối được. Bây giờ họ làm như thế này để chính quyền các nước khác nếu không chú ý mà đóng dấu cho xuất nhập cảnh thì mặc nhiên đó là một sự thừa nhận. Và đây là chiều thứ hai từ các nước tới Trung Quốc. Đó là một thâm ý của Trung Quốc.

Tôi không ngạc nhiên về hành động này của Trung Quốc và cho rằng Trung Quốc sẽ còn làm những việc khác nữa nhằm giành giật sự công nhận trên thực tế của các nước đối với yêu sách về đường lưỡi bò của họ.

Điều đáng ngạc nhiên là trong thời gian gần đây, do bị quốc tế phản ứng mạnh về yêu sách của mình, Trung Quốc đã nói là bày tỏ sự quan ngại sâu sắc trước các phản ứng của các nước khác. Nhiều người đã nhầm tưởng mà cho rằng cách nói của Trung Quốc có vẻ mềm mỏng hơn đồng thời hi vọng Trung Quốc có cái nhìn cầu thị trong vấn đề Biển Đông. Bản thân chúng ta cũng có hi vọng chính đáng như vậy để Trung Quốc có thể thay đổi yêu sách này hoặc từ bỏ nó.

Nhưng khi tôi đọc kỹ các phát biểu từ phía Trung Quốc thì chắc chắn là không có bất kỳ sự thay đổi nào như hi vọng cả. Bởi vì Trung Quốc nói rằng họ đưa yêu sách “đường lưỡi bò” ra để đàm phán – một yêu sách hoàn toàn không dựa trên bất kỳ một cơ sở pháp lý nào để buộc các bên phải chấp nhận khi muốn đàm phán với Trung Quốc. Nếu đàm phán không được thì các bên phải cùng nhau hợp tác, khai thác trong khu vực “đường lưỡi bò” phi lý đó. Đây là điều hết sức nguy hiểm và họ đang muốn làm điều này.

Vừa qua Trung Quốc muốn trì hoãn việc đàm phán COC với các nước ASEAN và tìm cách gạt vấn đề đó ra khỏi Hội nghị của các nước ASEAN vì Trung Quốc đang ở thế yếu khi yêu sách của họ đang bị các nước phê phán mạnh mẽ. Họ muốn khi ngồi vào bàn đàm phán thì các nước đã công nhận trên thực tế về “đường lưỡi bò”. Đó là điều ta phải lưu ý và không nên ảo tưởng bởi tất cả những phát biểu rất lắt léo, nhẹ nhàng mà thực ra không có gì thay đổi về bản chất của họ cả. 

Hành động của Trung Quốc đúng hơn bất kỳ một luận điệu nào

PV: Cuối tháng 10/2012, các quan chức cấp cao ASEAN và Trung Quốc cam kết giải quyết hòa bình các tranh chấp trên biển và tích cực thúc đẩy tiến triển của Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông trong cuộc họp tại Pattaya, Thái Lan. Nhưng thực tế, chỉ chưa đầy 1 tháng sau, Trung Quốc đã cho in “đường lưỡi bò” vào hộ chiếu công dân nước họ. Tất cả những sự việc này cho thấy điều gì, thưa ông?

TS. Trần Công Trục: Tất cả những sự việc này đã là một câu trả lời cho chúng ta về Trung Quốc đúng hơn bất kỳ một luận điệu nào từ Trung Quốc đưa ra trong vấn đề Biển Đông. Rằng Trung Quốc luôn nói một đằng, làm một nẻo. Bên cạnh những luận điệu về “yêu hòa bình”, “muốn hợp tác” với các nước để đánh lừa dư luận, Trung Quốc vẫn có những hành động hết sức mạnh mẽ đi ngược lại so với lời nói đó.

Họ vận dụng tất cả những khả năng của họ nhằm độc chiếm Biển Đông. Ngay trong vấn đề về COC, họ luôn nói là họ sẵn sàng đàm phán nhưng họ lại làm ngược lại và đổ lỗi cho các nước ASEAN không chấp hành các thỏa thuận. Chúng ta đã quá rõ sự lắt léo trong cách hành xử của Trung Quốc.

Tóm lại, chúng ta phải hết sức cảnh giác, không để bị mê hoặc bởi những lời nói có vẻ như “đầy thiện chí” của Trung Quốc. Khi ngồi đàm phán với Trung Quốc, nếu chúng ta không tỉnh táo thì sẽ rất dễ bị lừa. Cụ thể, trong đàm phán COC, nếu mình đồng ý ngồi đàm phán mà không có các điều kiện tiên quyết thì rất có thể mình đã gián tiếp chấp nhận yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Ngay cả vấn đề hợp tác, hai bên cùng khai thác cũng tương tự. Vị trí của khu vực cùng khai thác không có nghĩa là được xuất phát từ một yêu sách hết sức phi lý nhằm chiếm vùng đặc quyền kinh tế của các nước như vậy

PV: Ông đánh giá gì về hành động này của phía Trung Quốc diễn ra ngay khi quốc tế đang nói về thế hệ lãnh đạo thứ 5 của Trung Quốc...

TS. Trần Công Trục: Thế giới nói chung và các nước ASEAN nói riêng đều rất thật tâm hi vọng rằng, những gương mặt mới trong hàng ngũ lãnh đạo của Trung Quốc có thể có những thay đổi trong cách ứng xử với khu vực để tạo sự hòa bình, ổn định. Nhưng hi vọng vẫn chỉ là hi vọng thôi.

Thực tế là, Trung Quốc với bất kỳ một chế độ chính trị nào thì chiến lược tiến ra biển cũng không thay đổi. Trong Đại hội 18 của đảng Cộng sản Trung Quốc vừa qua, ông Hồ Cẩm Đào đã tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ phấn đấu trở thành nước mạnh về biển. Và muốn như vậy thì Trung Quốc không thể chịu lùi trong các chính sách tiến ra biển trong đó Biển Đông là con đường dễ dàng nhất. 

PV: Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cần phải có những hành động như thế nào để vừa giữ được độc lập chủ quyền đất nước, vừa giữ được tình hữu nghị giữa hai quốc gia, thưa ông?

TS. Trần Công Trục: Tôi rất vui mừng và hoan nghênh khi thấy chúng ta đóng dấu hủy các hộ chiếu công dân Trung Quốc có in đường lưỡi bò. Đó là biện pháp hết sức mạnh mẽ mà chúng ta phải làm bằng mọi cách để vô hiệu hóa yêu sách của Trung Quốc về “đường lưỡi bò”. 

Một điều phải lưu ý là hiện nay trong dư luận Trung Quốc và một số các quốc gia khác trên thế giới vẫn chưa hiểu rõ bản chất “đường lưỡi bò” ra làm sao cả. Họ rất mơ hồ mà tưởng rằng yêu sách này cũng như các yêu sách của các nước khác trong khu vực. Và vấn đề ở đây là chúng ta phải làm sao để họ có thể hiểu rõ bản chất hết sức phi lý của yêu sách này. Chúng ta không nên vì bất kỳ lý do nào mà không nói rõ bản chất của yêu sách này.

Chúng ta cũng phải có đối sách làm sao để vừa giữ được chủ quyền thiêng liêng, các quyền hợp pháp của chúng ta trên biển. Đồng thời vẫn phải đảm bảo quan hệ hữu nghị. Đó là điều rất khó mà các nhà lãnh đạo phải tính toán. Dân tộc này cần phải có một sự nỗ lực, đoàn kết thống nhất. 

Trân trọng cảm ơn Tiến sỹ đã trả lời phỏng vấn! 
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Hồng Chính Quang