Hậu quả kinh tế Trung Quốc phải gánh chịu khi Nhật Bản rút đầu tư

04/03/2013 08:00
Việt Dũng
(GDVN) - Hành động của Trung Quốc sẽ gây ra hậu quả kinh tế, tuy các doanh nghiệp Nhật Bản có lợi nhuận ở Trung Quốc, nhưng họ cũng đem lại cơ hội việc làm cho hàng chục triệu người Trung Quốc...

Nhật Bản đe dọa rút vốn gây sức ép kinh tế đối với Trung Quốc

Báo chí Trung Quốc cho hay, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe từng nói rằng, các hành động của Trung Quốc sẽ gây ra hậu quả khôn lường, gây tổn thương cho quan hệ Trung-Nhật. Ông chỉ ra, Chính phủ Trung Quốc thúc đẩy sách lược kép – tăng trưởng kinh tế và “chủ nghĩa yêu nước” (chống Nhật).

Tăng trưởng kinh tế đòi hỏi Bắc Kinh phải mở rộng nguồn tài nguyên, buộc Trung Quốc phải vươn ra biển. Đồng thời, “chủ nghĩa yêu nước có màu sắc chống Nhật” lan tràn trong các tổ chức giáo dục và xã hội.

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cho rằng, là một phần của chiến lược đoạt lấy tài nguyên, Trung Quốc đang áp dụng các biện pháp uy hiếp và đe dọa, đặc biệt là ở biển Hoa Đông và biển Đông.

Trong giáo dục chủ nghĩa yêu nước, những cơn sóng ngầm chống Nhật cuồn cuộn trong xã hội Trung Quốc làm cho các hành động ngày càng tự tin của Trung Quốc được sự ủng hộ ở trong nước. Nhưng, điều này lại làm cho quan hệ kinh tế Trung-Nhật căng thẳng, từ đó làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.

Ông Shinzo Abe cảnh báo, trong bối cảnh này, một điểm rất quan trọng là để Bắc Kinh nhận thức được họ không thể đoạt được lãnh thổ hoặc lãnh hải của  nước khác hoặc thay đổi quy tắc giao lưu quốc tế. Ông cho biết, Nhật tăng cường ngân sách quốc phòng và tái khẳng định liên minh Nhật-Mỹ là rất quan trọng đối với an ninh khu vực, sự hiện diện của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương rất quan trọng đối với an ninh khu vực.

Ông cảnh báo, các hành động tự tin của Trung Quốc sẽ gây ra hậu quả kinh tế, tuy các doanh nghiệp Nhật Bản có lợi nhuận ở Trung Quốc, nhưng họ cũng đem lại cơ hội việc làm cho hàng chục triệu người Trung Quốc. Abe nói thêm, nếu công việc làm ăn ở Trung Quốc gặp rủi ro, đầu tư của Nhật Bản sẽ bắt đầu giảm mạnh.

Trung Quốc gây căng thẳng ở các vùng biển ở xung quanh như biển Đông, biển Hoa Đông
Trung Quốc gây căng thẳng ở các vùng biển ở xung quanh như biển Đông, biển Hoa Đông
Lời cảnh báo của Shinzo Abe là nhằm tấn công vào mối lo ngại của Chính phủ Trung Quốc đối với sự bất ổn về kinh tế và xã hội, lo ngại bị Mỹ xâm lược bằng quân sự và lo ngại đối với sự hưng thịnh của Nhật Bản.

Về kinh tế, Nhật Bản là một nhà đầu tư trực tiếp vào Trung Quốc, là đối tác thương mại chủ yếu của Trung Quốc. Shinzo Abe nói đầu tư của Nhật Bản đem lại hàng chục triệu việc làm cho người Trung Quốc chưa thể kiểm chứng, nhưng hành động của Trung Quốc rõ ràng ảnh hưởng tới hợp tác kinh tế Trung-Nhật.

Năm 2012, Trung-Nhật căng thẳng cao độ do tranh chấp đảo Senkaku, nhất là khi Nhật Bản quyết định quốc hữu hóa đảo Senkaku. Ở Trung Quốc đã nổ ra các hoạt động biểu tình chống Nhật, nhất là đối với hàng hóa của Nhật Bản.

Tổng kim ngạch thương mại giữa Trung-Nhật trượt dốc 3,9%, là lần đầu tiên giảm kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009 đến nay, mức giảm xuất khẩu hơn 10%. Nhật Bản đầu tư cho Chính phủ Trung Quốc tăng ít, nhưng đã giảm mạnh khi tình hình căng thẳng giữa hai nước vào mùa hè năm 2012 dâng cao.

Một nhân tố khác làm giảm thương mại và đầu tư Trung-Nhật là: Nhu cầu của Nhật Bản giảm tổng thể và sự thay đổi của nhà cung ứng tài nguyên quan trọng (và sự điều chỉnh của thị trường xuất khẩu Nhật Bản). Tuy Tokyo có thể sẽ áp dụng biện pháp, giảm ảnh hưởng xấu từ tranh chấp kinh tế Trung-Nhật, nhưng Nhật Bản sẽ bị tổn thất do quan hệ thương mại bị phá hoại.

Trên thực tế, cho dù Trung Quốc không xảy ra chống đối, thì các doanh nghiệp Nhật Bản đã tỏ ra quan tâm tới việc chuyển cơ sở chế tạo đi khỏi Trung Quốc. Trong bình chọn nơi xuất khẩu trước tiên, giữa Trung Quốc và Mỹ chỉ có khoảng cách 0,6%.

Shinzo Abe còn nhấn mạnh, Nhật Bản cuối cùng quyết định tiếp tục tiến hành thảo luận với Mỹ về Hiệp định quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership, gọi tắt là TPP) – đây là tổ chức thương mại mà báo chí TQ gọi là hiệp định bài trừ Trung Quốc.

Mặc dù Nhật Bản không thể rút tập thể khỏi Trung Quốc, nhưng Nhật Bản nghiêng về xây dựng quan hệ thương mại mạnh hơn với Mỹ và giảm đầu tư vào Trung Quốc, đã gây ảnh hưởng không tốt đến một vấn đề đặc biệt quan tâm của Chính phủ Trung Quốc:

Thông qua việc làm để duy trì sự ổn định xã hội. Giống với Nhật Bản, tăng trưởng xuất khẩu và kinh tế đã thúc đẩy kinh tế Trung Quốc phát triển. Điều này hoàn toàn không có nghĩa là lợi nhuận hoặc năng suất, ngược lại, Bắc Kinh tận dụng tăng trưởng kinh tế liên tục để duy trì việc làm, thông qua cung cấp khoản vay để duy trì kinh doanh của doanh nghiệp.

Trung Quốc đang tích cực thúc đẩy chương trình tàu sân bay của họ
Trung Quốc đang tích cực thúc đẩy chương trình tàu sân bay của họ

Trung Quốc có khuynh hướng sử dụng việc làm để duy trì sự ổn định quốc gia. Chính phủ Trung Quốc và Shinzo Abe đều hiểu rõ điểm này.  Báo chí TQ cho rằng hiện nay, ông Shinzo Abe đang đe dọa lấy tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc làm mục tiêu, từ đó phá hoại sự ổn định quốc gia của Trung Quốc.

Nhật Bản chưa chắc đã thực sự gây ảnh hưởng hoặc gây ra sự biến đổi nhanh chóng quan hệ kinh tế Trung-Nhật, nhưng cùng với việc TPP phát huy hiệu lực và đầu tư của họ vào Đông Nam Á và châu Phi thì Nhật Bản có thể từng bước gây sức ép kinh tế đối với Trung Quốc.

Hải quân Trung Quốc chưa sẵn sàng cho chiến tranh chính diện với Nhật Bản

Cảnh báo quân sự là mối đe dọa trực tiếp hơn đối với Bắc Kinh. Tokyo và Washington đã dần mất kiên nhẫn về các hành động quân sự ngày càng tự tin của Trung Quốc.

Mỹ đang chuyển trọng tâm chiến lược tới châu Á, Trung Quốc coi đó là hành động kiềm chế. Nhật Bản đang tăng cường quan hệ với Nga, Australia, Ấn Độ và Đông Nam Á, điều này bị Trung Quốc coi là chính sách bao vây.

Con đường trỗi dậy của Trung Quốc hoàn toàn không phải đều thuận lợi. Trong bất cứ khi nào, một nước muốn thay đổi hiện trạng với các nước khác thì họ chắc chắn sẽ vấp phải những lực cản và phiền phức. Sự bành trướng trên biển cùng với gián điệp mạng và khả năng tác chiến mạng của Trung Quốc có liên quan chặt chẽ tới chính sách kinh tế và xã hội của họ. Bành trướng trên biển là hành động cụ thể rõ rệt hơn, nhưng sẽ gây ra cạnh tranh nước lớn trước khi Trung Quốc đạt được mục tiêu của họ.

Đối với Nhật Bản, chỉ cần những hoạt động trên biển nhằm vào Senkaku vẫn thuộc lĩnh vực dân sự, thì hoạt động này có thể kiểm soát, nhưng Trung Quốc sử dụng radar ngắm bắn vào tàu chiến Nhật Bản và máy bay Trung Quốc xâm phạm không phận đảo Senkaku thì đây là hành động không thể chấp nhận được. Gần đây có tin cho rằng, một máy bay trinh sát Y-8 Trung Quốc và máy bay chiến đấu F-15 của Nhật Bản chỉ cách nhau có 5 m, gây ra nguy cơ va chạm máy bay như Trung-Mỹ năm 2001.

Đối với Mỹ, như Obama đã nói, tuy Mỹ có thể tha thứ cho các hoạt động gián điệp mạng xảy ra ngẫu nhiên, nhưng quy mô hoạt động này quá lớn, và khi bắt đầu nhằm vào hạ tầng cơ sở của Mỹ thì không thể chấp nhận được – Điều này có thể sẽ phá hoại mạng lưới điện, hệ thống thông tin và các ngành công nghiệp khác của Mỹ.

Nhật Bản và Mỹ đều tuyên bố liên minh phòng thủ Mỹ-Nhật là hòn đá tảng của quan hệ và chính sách khu vực của hai nước. Nhật Bản tiếp tục nới lỏng hạn chế của Hiến pháp đối với hoạt động quân sự, hơn nữa Tokyo đã cam kết với Washington phát huy vai trò lớn hơn về an ninh khu vực.

Sự gia tăng các hoạt động trên biển của Trung Quốc đã gây ra một ấn tượng là: Trung Quốc tin tưởng và có khả năng làm thay đổi cân bằng sức mạnh trên biển ở khu vực. Trung Quốc đã xây dựng một lực lượng hải quân mạnh với sự hậu thuẫn của tên lửa triển khai trên đất liền, hơn nữa vai trò ảnh hưởng quốc tế của họ không ngừng tăng lên.

Chiến lược chống can dự/ngăn chặn khu vực của Trung Quốc đã trở thành vấn đề chính của Nhật Bản và Mỹ. Có chuyên gia cảnh báo, Hải quân Trung Quốc sẽ nhanh chóng vượt Hải quân Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương, họ sử dụng tên lửa “sát thủ tàu sân bay” và tàu chiến có số lượng chiếm ưu thế, đã làm hạn chế khả năng của Hải quân Mỹ.

Trong 10 năm qua, Hải quân Trung Quốc đã tiến hành xây dựng hiện đại hóa quan trọng. Nhưng, họ còn lâu mới sẵn sàng cho cuộc chiến trực diện với Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản, càng chưa nói đến Hải quân Mỹ.

Những nỗ lực hiện đại hóa và chương trình chế tạo tàu chiến của Trung Quốc vẫn chưa xây dựng Hải quân Trung Quốc thành một lực lượng hải quân hàng đầu, hơn nữa họ cũng thiếu thuyền viên hàng đầu. Hải quân hàng đầu phải có tổ chức, lý luận, nguyên tắc và các kinh nghiệm tương ứng.

Vấn đề quan trọng hạn chế Hải quân Trung Quốc hoàn toàn không phải là đóng tàu hoặc tuyển quân của họ, mà là khả năng dụng binh tác chiến thực sự và hành động hạm đội của họ hạn chế.

Tàu chiến của Hải quân TQ
Tàu chiến của Hải quân TQ
Trên thực tế, chỉ có một tiêu chuẩn có thể đánh giá sức mạnh của một lực lượng hải quân, đó là khả năng chiến thắng đối thủ tiềm tàng.

Một phần năng lực hải quân tùy thuộc vào công nghệ và học thuyết của họ, nhưng một phần tương đối tùy thuộc vào kinh nghiệm chiến đấu thực tế. Hải quân Trung Quốc không có nhiều kinh nghiệm tác chiến, cho dù trước đây cũng như vậy. Điều này hạn chế rất lớn khả năng tác chiến có hiệu quả trong môi trường chiến tranh hiện đại rất phức tạp.

Hải quân Trung Quốc có thể sử dụng công nghệ cao và ưu thế số lượng, nhưng họ phải đối mặt với Hải quân Mỹ, lực lượng có kinh nghiệm chiến đấu hàng trăm năm, cùng các tướng lính Hải quân Mỹ được thử thách qua chiến đấu thực tế. Kể cả Hải quân Nhật Bản cũng đã có kinh nghiệm tác chiến và truyền thống tác chiến trên biển hơn 1 thế kỷ. Thiếu kinh nghiệm chiến đấu thực tế đã hạn chế nghiêm trọng khả năng của Hải quân Trung Quốc.

Chính phủ Trung Quốc đang “làm nhẹ” đi việc gia tăng khả năng quân sự và thảo luận về tính xâm lược quân sự của họ. Nhưng, Bắc Kinh không có cách gì để ngăn chặn sự phỏng đoán về điều này. Các hình ảnh và bình luận liên tục xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đã liên tục tiết lộ những hình ảnh có liên quan.

Bắc Kinh hầu như đang trở nên ngày càng hiếu chiến, cho dù họ tuyên bố thực tế không phải như vậy. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho rằng, Trung Quốc đang phô trương sức mạnh, cảnh báo rằng, trước khi tiếp tục tiến hành các hành động mang tính xâm lược, Bắc Kinh cần đánh giá lại cán cân sức mạnh của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Việt Dũng