Hậu Ukraine, Nga tìm cách bán khí đốt cho Trung Quốc 30 năm

11/04/2014 09:44
Hồng Thủy
(GDVN) - Chính cuộc khủng hoảng Ukraine đã làm tăng tầm quan trọng của mối quan hệ với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Nga bên ngoài Liên minh châu Âu
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Bưu điện Hoa Nam ngày 11/4 đưa tin, khủng hoảng Ukraine có thể tạo động lực cho một thỏa thuận cung cấp khí đốt của Nga cho Trung Quốc trong 30 năm.

Tổng thống Vladimir Putin có nhiều khả năng ký hợp đồng cung cấp khí đốt cho Trung Quốc bởi cuộc khủng hoảng Ukraine đã buộc Moscow tìm kiếm thị trường mới ngoài châu Âu.

Ông Putin và Tập Cận Bình sẽ đưa ra quyết định cuối cùng tại Bắc Kinh vào tháng tới. Từ Trung Quốc, một Phó Thủ tướng Nga hôm Thứ Tư nói rằng ông hy vọng một thỏa thuận sẽ được ký trong tháng tới.

Chính cuộc khủng hoảng Ukraine đã làm tăng tầm quan trọng của mối quan hệ với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Nga bên ngoài Liên minh châu Âu. Bắc Kinh cũng là thành viên duy nhất trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc không phủ quyết việc Nga sáp nhập Crimea.
Đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang châu Âu qua Ukraine.
Đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang châu Âu qua Ukraine.
Cho đến khi một đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang Trung Quốc được xây dựng, Moscow có một vài thị trường xuất khẩu khí đốt bên ngoài châu Âu. Nga có thể dễ bị trừng phạt kinh tế và đối mặt với sự cạnh tranh từ lĩnh vực xuất khẩu khí đốt đá phiến sét từ Mỹ.

Ildar Davletshin, một nhà phân tích dầu khí tại Renaissance Capital cho biết từ Moscow, Trung Quốc cũng cẫn hợp đồng này vì tiếp tục sử dụng than đang trở thành vấn đề hóc búa đối với các khu vực phát triển nhất của quốc gia này.

Giám đốc điều hành Gazprom Alexey Miller đã gặp Chủ tịch Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc CNPC tại Bắc Kinh hôm Thứ Tư để thảo luận các điều kiện của thỏa thuận. 2 bên dự kiến sẽ ký kết hợp đồng càng sớm càng tốt trong khi các cuộc đàm phán về giá cung cấp khí đốt từ Siberia sang Trung Quốc đang tiến triển.

Hồng Thủy