Hiệu trưởng đừng biến Thông tư 20 của Bộ Giáo dục thành “con ngáo ộp”

05/07/2019 07:28
Phan Tuyết
(GDVN) - Hiệu trưởng “mù mờ” thì Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT đích thị là một công cụ để giúp hiệu trưởng “hù dọa” giáo viên một cách tích cực nhất.

Ngày 22 tháng 8 năm 2018 Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT.

Thông tư này quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông, hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 10 năm 2018.

Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT về chuẩn nghề nghiệp giáo viên (Ảnh tác giả)
Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT về chuẩn nghề nghiệp giáo viên (Ảnh tác giả)

Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT thay thế Quyết định số 14/2007/QĐ-BGDĐT ngày 04 tháng 5 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên tiểu học và Thông tư số 30/2009/TT-BGDĐT ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở, giáo viên trung học phổ thông.

Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT có 05 tiêu chuẩn, mỗi tiêu chuẩn có 03 mức đánh giá theo các cấp độ là: Đạt- Khá- Tốt.

Cụ thể, các tiêu chuẩn quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông như sau:

Tiêu chuẩn 1. Phẩm chất nhà giáo ( Điều 4).

Tiêu chuẩn 2. Phát triển chuyên môn, nghiệp vụ ( Điều 5)

Tiêu chuẩn 3. Xây dựng môi trường giáo dục. ( Điều 6)

Tiêu chuẩn 4. Phát triển mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội ( Điều 7)

Tiêu chuẩn 5. Sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc, ứng dụng công nghệ  thông tin, khai thác và sử dụng thiết bị công nghệ trong dạy học, giáo dục ( Điều 8).

Để hướng dẫn thực hiện Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐTngày 01/10/2018 Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành công văn số 4530 về việc hướng dẫn thực hiện Thông tư số  20/2018/TT-BGDĐ quy định rất rõ ràng.

a) Mức đạt: Sử dụng được các phần mềm ứng dụng cơ bản, thiết bị công nghệ trong dạy học, giáo dục và quản lý học sinh theo quy định; hoàn thành các khóa đào tạo, bồi dưỡng, khai thác và ứng dụng công nghệ thông tin và các thiết bị công nghệ trong dạy học, giáo dục theo quy định;

b) Mức khá: Ứng dụng công nghệ thông tin và học liệu số trong hoạt động dạy học, giáo dục; cập nhật và sử dụng hiệu quả các phần mềm; khai thác và sử dụng thiết bị công nghệ trong hoạt động dạy học, giáo dục;

c) Mức tốt: Hướng dẫn, hỗ trợ đồng nghiệp nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin; khai thác và sử dụng thiết bị công nghệ trong hoạt động dạy học, giáo dục tộc.

Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, để đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông chỉ có 02 văn bản quy phạm pháp luật nói trên.

Hiệu trưởng đừng biến Thông tư 20 của Bộ Giáo dục thành “con ngáo ộp” ảnh 2
Giáo viên nhiều địa phương lại nháo nhào đăng kí thi các loại chứng chỉ

Mặc dù quy định việc đánh giá giáo viên trong Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT khá nhẹ nhàng, nhưng một số địa phương lại cố gắng biến Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT trở thành “con ngáo ộp” mà bất cứ giáo viên nào cũng thấy ngán.

Hiệu trưởng “mù mờ” thì Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT đích thị là một công cụ để giúp hiệu trưởng “hù dọa” giáo viên một cách tích cực nhất.

Trong 05 tiêu chuẩn quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông, điều khiến giáo viên “sợ” nhất có lẽ là Tiêu chuẩn 5 - tiêu chuẩn quy định về việc sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc, ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác và sử dụng thiết bị công nghệ trong dạy học, giáo dục.

Sau khi Thông tư  số 20/2018/TT-BGDĐT ban hành và có hiệu lực, việc đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên của năm học 2018-2019  là một “cực hình” bởi nhiều địa phương đã “sáng tạo kinh điển” để yêu cầu giáo viên đưa ra các minh chứng rất kinh hãi khi đánh giá.

Đơn cử, để xây dựng hệ thống minh chứng đánh giá, Phòng Giáo dục một huyện ở miền Tây Nam bộ đã xây dựng hệ thống minh chứng đánh giá giáo viên theo tiêu chuẩn 5 rất “kì quặc” như sau:

Minh chứng để được xếp mức Đạt: Có chứng chỉ Tin học đạt trình độ A hoặc chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản.

Minh chứng để được xếp mức Khá : Có chứng chỉ Tin học đạt trình độ B hoặc chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản, hoặc  có bằng Cao đẳng Tin học.

Minh chứng để được xếp mức Tốt: Có bằng Đại học Tin học (?)

Như vậy, với hệ thống minh chứng này, để được đánh giá mức “Khá” thì giáo viên phải “ bò ra” tìm kiếm chứng chỉ B hoặc chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản.

Và, muốn phấn đấu lên mức “Tốt”  thì phải bỏ ra 5 năm nữa để đi học kiếm cái bằng Đại học Tin học. Đây có thể coi như là minh chứng “ không tưởng”, thậm chí “hoang đường”.

 Hiệu trưởng ơi, đừng tiếp tay “hù dọa” giáo viên nữa

Hiệu trưởng đừng biến Thông tư 20 của Bộ Giáo dục thành “con ngáo ộp” ảnh 3
Đã có yêu cầu chương trình, chuẩn giáo viên dạy ở trung tâm ngoại ngữ, tin học

Chính từ việc tự do biến tấu đủ mọi kiểu minh chứng nên nhiều hiệu trưởng đã có công cụ hù dọa, o ép giáo viên cũng theo kiểu “ngáo ộp”

Chia sẻ với chúng tôi, nhiều thầy, cô giáo than thở :

“Đã có chứng chỉ A tin học nhưng giờ hiệu trưởng lại bắt đi “kiếm” chứng chỉ Ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản hoặc chứng chỉ Ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao vì chứng chỉ A tin học không được  rồi, và chỉ có chứng chỉ A tin học thì sẽ “vướng” chuẩn nghề nghiệp giáo viên”.

“Vừa mới tốn 2,4 triệu đồng để có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, chứng chỉ có rồi nhưng vẫn chưa được “nâng hạng chức danh".

Nay, lại phải tốn thêm 2 triệu đồng nữa để có được chứng chỉ Ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản hoặc chứng chỉ Ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao nữa thì đuối lắm, mà không đi thì lại lo…Rồi đây không biết còn lòi ra cái chứng chỉ gì nữa? ”

Ngày 21/6/2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành thông tư liên tịch xác định rõ chứng chỉ Ứng dụng công nghệ thông tin sẽ là chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin mới trong hệ thống giáo dục quốc dân, thay thế cho chứng chỉ A/B/C trước đây cần được cải tiến để phù hợp với sự phát triển của xã hội.

Có 2 cấp độ chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành là:

Chứng chỉ Ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản

Chứng chỉ Ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao

Chứng chỉ Ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản có chương trình đào tạo gần như tương đương với chứng chỉ A trước đây nhưng được bổ sung thêm nhiều kiến thức chuyên sâu về máy tính và thao tác nền tảng trong Tin học.

Vậy cớ sao khi giáo viên đã có chứng chỉ A, đã thao tác tốt và có các kỹ năng thuần thục trong việc Ứng dụng công nghệ thông tin và học liệu số trong hoạt động dạy học, giáo dục; cập nhật và sử dụng hiệu quả các phần mềm; khai thác và sử dụng thiết bị công nghệ trong hoạt động dạy học, giáo dục lại còn bắt đi “kiếm” chứng chỉ để làm gì nữa?

Hiệu trưởng hãy dừng lại việc  tiếp tay “hù dọa” giáo viên để họ bớt đi việc không lo dạy dỗ chỉ lo kiếm tìm chứng chỉ.

Hiệu trưởng nên tận tâm giúp đỡ để giáo viên an yên cống hiến cho sự nghiệp giáo dục thì sự nghiệp trồng người mới mong có quả ngọt.

Phan Tuyết