"Hoa Đông sớm muộn sẽ lặp lại vụ máy bay đâm nhau như ở Biển Đông"

02/12/2013 13:40
Hồng Thủy
(GDVN) - Vasily Kashin nhận định, không sớm thì muộn những hành động này sẽ dẫn đến sự cố không ai mong muốn, đó là lặp lại thảm kịch đối đầu giữa Trung Quốc với Mỹ, Nhật Bản ở Hoa Đông như vụ máy bay trinh sát EP-3 Mỹ đâm rơi chiến đấu cơ J-8 II Trung Quốc trên Biển Đông năm 2001.
Chiến đấu cơ J-8 Trung Quốc "chế lại" từ Mig 21 của Nga, một chiếc đã bị rơi khi máy bay trinh sát EP-3 của Mỹ tông vào năm 2001 trên Biển Đông. Sự kiện này có thể lặp lại ở Hoa Đông.
Chiến đấu cơ J-8 Trung Quốc "chế lại" từ Mig 21 của Nga, một chiếc đã bị rơi khi máy bay trinh sát EP-3 của Mỹ tông vào năm 2001 trên Biển Đông. Sự kiện này có thể lặp lại ở Hoa Đông.
Tờ The Voice of Russia bản tiếng Trung Quốc ngày 1/12 đăng bài phân tích của chuyên gia Trung tâm Phân tích chiến lược và kỹ thuật Nga, Vasily Kashin nhận định, chắc chắn Mỹ, Nhật Bản sẽ tiếp tục điều chiến đấu cơ, máy bay quân sự qua lại khu nhận diện phòng không ADIZ ở Hoa Đông mà không thông báo cho Bắc Kinh, vấn đề còn lại là Trung Quốc sẽ phản ứng như thế nào mới là vấn đề đáng quan tâm. Sau khi Mỹ điều động 2 máy bay ném bom B-52 đi qua Hoa Đông không báo trước cho Bắc Kinh, Nhật Bản cũng làm điều tương tự, nhưng Trung Quốc chỉ lên tiếng cho biết không quân nước này đã nắm được các hoạt động của đối phương. Thứ Năm tuần trước, Bắc Kinh tuyên bố điều một nhóm chiến đấu cơ Su-30 và J-11 cất cánh khẩn cấp "rượt theo" 12 máy bay quân sự Mỹ và Nhật Bản, nhưng chưa rõ từ nay về sau Bắc Kinh sẽ tiếp tục phản ứng ra sao với các động thái tương tự. Hiển nhiên nếu Bắc Kinh chỉ dừng lại ở cảnh cáo và các tuyên bố chính trị thì điều đó cho thấy Trung Quốc không thể dùng thực lực của mình để nói chuyện. Và cái gọi là khu nhận diện phòng không của Bắc Kinh tự lập ra sẽ đánh thẳng vào uy tín của Trung Quốc, không những chính sách đối ngoại bị tổn hại mà ngay cả uy tín của giới chức lãnh đạo cấp cao Bắc Kinh trong con mắt cộng đồng quốc tế cũng sẽ suy giảm. Và một điểm rất rõ ràng là nếu Trung Quốc đối đầu vũ trang với Nhật Bản thì chắc chắn không tránh khỏi một trận giao tranh với Mỹ, mà điều này chắc chắn không phải "lợi ích" của Bắc Kinh.
Chuyên gia Nga Vasily Kashin, bên trái.
Chuyên gia Nga Vasily Kashin, bên trái.
Thực lực quân sự của Nhật Bản mặc dù không lớn, nhưng xét ở góc độ vũ khí trang bị cũng như kỹ chiến thuật của người lính thì Tokyo được xem như ở tốp đầu. Ở Hoa Đông với khoảng cách không quá xa, Nhật Bản có ưu thế rất lớn. Đối với Trung Quốc, Vasily Kashin cho rằng dùng hành động quân sự cục bộ để thể hiện ưu thế đồng thời xác định quyền chủ quyền lãnh thổ của mình sẽ tương đối phức tạp, trong khi nếu Bắc Kinh quyết định lựa chọn hành động quân sự quy mô lớn thì hậu quả không thể lường hết được. Chuyên gia Nga nhận định, có lẽ khả năng diễn biến cục diện Hoa Đông tới đây sẽ là Trung Quốc phái các chiến đấu cơ tới các vùng biển Bắc Kinh tranh chấp với láng giềng, đồng thời ra uy bằng cách phái chiến đấu cơ ngăn chặn, bay theo các máy bay quân sự nước ngoài đi vào khu vực ADIZ ở Hoa Đông nhằm uy hiếp tinh thần đối phương. Nhiều khả năng Bắc Kinh không sử dụng vũ khí, nhưng mộ khi đã động đến nó sẽ xảy ra các tình huống đáng sợ.
Mỹ đã lập tức điều 2 máy bay ném bom B-52 đi qua Hoa Đông không thông báo trước cho Trung Quốc để phản đối cái gọi là khu nhận diện phòng không Bắc Kinh đơn phương áp đặt.
Mỹ đã lập tức điều 2 máy bay ném bom B-52 đi qua Hoa Đông không thông báo trước cho Trung Quốc để phản đối cái gọi là khu nhận diện phòng không Bắc Kinh đơn phương áp đặt.
Vasily Kashin nhận định, không sớm thì muộn những hành động này sẽ dẫn đến sự cố không ai mong muốn, đó là lặp lại thảm kịch đối đầu giữa Trung Quốc với Mỹ, Nhật Bản ở Hoa Đông như vụ máy bay trinh sát EP-3 Mỹ đâm rơi chiến đấu cơ J-8 II Trung Quốc trên Biển Đông năm 2001. Một khi xảy ra vụ đối đầu máy bay quân sự trên biển Hoa Đông sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng giữa Trung Quốc với Mỹ, Nhật Bản. Học giả Nga nhận định, có lẽ Nội các Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trước sau gì rồi cũng sẽ cảm thấy "mệt mỏi" trong cuộc đọ sức tinh thần với Bắc Kinh và cuối cùng cũng phải thừa nhận "có tranh chấp" ở Senkaku và lựa chọn thái độ "xuống nước" với Trung Quốc. Ông Vasily Kashin cho rằng, Trung Quốc tự tin họ có năng lực đề xướng chính trị và đến lúc Bắc Kinh cho là cần thiết họ có thể khống chế các tình huống xung đột hoặc căng thẳng. Có một điều đáng chú ý theo chuyên gia này, tính năng kỹ chiến thuật một số loại máy bay tiêm kích không quân Trung Quốc lại tỏ ra rất có ưu thế trong các màn "cân não" với đối phương như Su-27, Su-37 và J-11B. Kết luận bài phân tích, Vasily Kashin cho rằng nếu Trung Quốc không có một kế hoạch chi tiết để giành thắng lợi trong cuộc chiến "cân não" này, Bắc Kinh chắc chắn sẽ không thiết lập ADIZ ở Hoa Đông.
Hồng Thủy