“Hỏa lực mồm” – 1 mũi tên nhiều đích và hệ lụy gậy ông đập lưng ông

22/01/2013 13:00
Hồng Thủy
(GDVN) - Màn "hỏa lực mồm" của gần 20 viên học giả đeo lon tướng tá Trung Quốc có thể mang lại cho bản thân họ ít nhiều bổng lộc, việc đưa ra các bài phân tích, bình luận “theo đơn đặt hàng” như vậy có thể giúp họ có thêm thu nhập

Màn "hỏa lực mồm" của gần 20 viên học giả đeo lon tướng tá Trung Quốc có thể mang lại cho bản thân họ ít nhiều bổng lộc, việc đưa ra các bài phân tích, bình luận “theo đơn đặt hàng” như vậy có thể giúp họ có thêm thu nhập cũng như nâng cao, đánh bóng tên tuổi đối với nhóm học giả quân sự là các sĩ quan PLA đã nghỉ hưu, hình ảnh của họ sẽ xuất hiện thường xuyên trên các phương tiện truyền thông. Còn những học giả là tướng – tá đương chức, một khi những “bình luận, phân tích” của họ đánh trúng tâm lý của giới chức lãnh đạo sẽ giúp họ thăng tiến tốt hơn trong sự nghiệp của mình.

Trương Triệu Trung: Mỹ sẽ chạy như thỏ nếu Trung Quốc tấn công Senkaku

Chuẩn đô đốc, tức Thiếu tướng hải quân Trương Triệu Trung là một gương mặt quen thuộc được biết đến như một nhà bình luận quân sự diều hâu và hiếu chiến hàng đầu ở Trung Quốc hiện nay.

Trương Triệu Trung
Trương Triệu Trung

Trương Triệu Trung thường xuyên xuất hiện trên các chương trình bình luận của CCTV7 và các hãng truyền hình khác ở Trung Quốc, Hồng Kông cũng như các bàn tròn giao lưu trực tuyến của các trang báo điện tử.

Trong số các học giả tướng tá của Trung Quốc hiện nay, Trương Triệu Trung nổi lên như một người chống Mỹ cực đoan. Viên Thiếu tướng này luôn đánh giá thấp năng lực quân sự của Mỹ khi phát biểu, “Mỹ sẽ chạy như con thỏ nếu Trung Quốc tiến hành cuộc chiến với Nhật Bản ở nhóm đảo Điếu Ngư (Senkaku)”, Trương Triệu Trung nói trên truyền hình nhà nước ngày 12/8/2012.
Là một Giáo sư hiện đang giảng dạy tại đại học Quốc phòng Trung Quốc và từng nghiên cứu tại học viện Quân sự Hoàng gia Anh, Trương Triệu Chung cũng thường xuyên chê bai khả năng quân sự của các nước láng giềng.

Trong lúc Trung Quốc – Philippines liên tục căng thẳng trên bãi cạn Scarborough năm ngoái, Trương Triệu Trung đã đăng đàn giao lưu
trực tuyến trên tờ Nhân Dân nhật báo Trung Quốc online nhận xét, tàu chiến mạnh nhất của Manila cũng chỉ có 3000 tấn phục vụ từ những năm 1960 do Mỹ thải ra trong khi Trung Quốc có thể triển khai các tàu đổ bộ 18.000 tấn lớp Côn Lôn.
“Nếu có một cuộc đụng độ trên Biển Nam Hải (Biển Đông), khả năng nước ngoài can thiệp vào rất thấp, và bất kỳ cuộc xung đột nào sẽ không kéo dài”, Trương Triệu Trung tự tin dự đoán.

“Hỏa lực mồm” – 1 mũi tên nhiều đích và hệ lụy gậy ông đập lưng ông

Đối với một số nhà nghiên cứu chính sách đối ngoại của Trung Quốc, sự xuất hiện của nhóm học giả diều hâu này là một phần của chiến lược “2 mặt” của Bắc Kinh nhằm gây ảnh hưởng lên các cuộc đàm phán ngoại giao về vấn đề tranh chấp lãnh thổ.

Lực lượng "hỏa lực mồm" Trung Quốc: Trái qua phải, trên xuống dưới là Doãn Trác, Dương Nghị, Kim Nhất Nam, La Viện và Trương Triệu Trung
Lực lượng "hỏa lực mồm" Trung Quốc: Trái qua phải, trên xuống dưới là Doãn Trác, Dương Nghị, Kim Nhất Nam, La Viện và Trương Triệu Trung

Với các quốc gia láng giềng đang có tranh chấp với Trung Quốc, dường như họ đang được gửi một thông điệp rằng Trung Quốc đang trỗi dậy có thể sẵn sàng sử dụng vũ lực từ những phân tích, bình luận công khai của nhóm học giả diều hâu này. Trong khi đó, thông điệp của nhóm học giả quân sự Trung Quốc dường như lại xung đột với “cam kết trỗi dậy hòa bình” của cánh lãnh đạo dân sự cấp cao ở Bắc Kinh.

Việc Bắc Kinh thực hiện kế sách xây dựng đội học giả "hỏa lực mồm" này là một mũi tên nhằm vào nhiều đích, trong đó 2 mục đích đầu tiên và nổi bật nhất đó là tuyên truyền về cái gọi là "chủ quyền" của Trung Quốc trên Biển Hoa Đông, Biển Đông tập trung vào thế hệ trẻ ở nước này thông qua mạng internet. Trong bối cảnh không có cái gì được gọi là "chứng cứ" trưng ra để chứng minh cho tuyên bố "chủ quyền" ấy thì với chiến thuật "nói lắm thành quen" kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan là một chiêu tuyên truyền hiệu quả.
Mục đích thứ 2 là tạo ra luồng dư luận lấn át về mặt truyền thông để đe dọa đối phương. Điều này đặc biệt nổi bật qua 2 sự kiện, tranh chấp bãi cạn Scarborough với Philippines từ hồi tháng 4 năm ngoái
và tranh chấp Senkaku với Nhật Bản bùng phát từ tháng 9/2012. Chưa bao giờ người ta ghi nhận dàn "hỏa lực mồm" của Trung Quốc lại "nhả đạn" đồng loạt đến thế, giới học giả diều hâu Trung Quốc không tiếc lời mạt sát và đe dọa các bên liên quan.
Ngoài ra, một số nhà quan sát chính trị Trung Quốc cho rằng "dàn hỏa lực" này còn góp phần phân tán sự chú ý của dư luận bên trong Trung Quốc trước những vấn đề đối nội gây nhiều bức xúc như nạn tham nhũng, bất bình đẳng xã hội, đền bù giải phóng mặt bằng tại các đô thị lớn, khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng và môi trường ô nhiễm. Thay vì để người dân biểu tình phản ứng trước những vấn đề bức xúc trong nước, hệ thống tuyên truyền của Trung Quốc đã kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan gây nên những cuộc biểu tình chống Nhật Bản lan rộng khắp cả nước.
Tuy nhiên khi dàn "hỏa lực mồm" này càng phát huy bao nhiêu, "nhả đạn" bao nhiêu thì càng làm cho công luận  quốc tế thấy rõ bản chất thực sự của cái gọi là "trỗi dậy hòa bình" của Bắc Kinh ở đây bấy nhiêu. Các quốc gia láng giềng của Trung Quốc cảm thấy hết sức quan ngại, và chính Trung Quốc đã đẩy những quốc gia này xích lại gần nhau cùng đối phó với mối uy hiếp từ Trung Quốc cũng như việc thúc đẩy tiến trình Mỹ quay trở lại châu Á - Thái Bình Dương trở nên nhanh và mạnh hơn.
Hồng Thủy