Học giả Úc: Philippines có lợi thế khi kiện đường lưỡi bò ở Biển Đông

28/09/2013 13:30
Hồng Thủy
(GDVN) - "Philippines sẽ có thể trình bày lập luận của mình vào nội dung chính của vụ kiện ngay sau khi các rào cản pháp lý được khắc phục. Nếu tôi đang ở vào vị trí của Philippines bây giờ tôi sẽ hạnh phúc hơn so với trường hợp tôi ở vị trí của Trung Quốc", Schofield cho biết.
Học giả Ian Storey từ Singapore.
Học giả Ian Storey từ Singapore.
Reuters ngày 28/9 đưa tin, trong tuần này người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez nói với Reuters rằng Manila vẫn tích cực thúc đẩy các hành động làm rõ yêu sách và quyền lợi của các bên tranh chấp trên Biển Đông và điều này có lợi cho khu vực cũng như cộng đồng quốc tế nói chung. Manila đang chuẩn bị lập luận để chứng minh rằng đường chín đoạn, hay còn gọi là đường lưỡi bò là hoàn toàn trái với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Chính phủ Philippines đang tích cực kìm kiếm những giải thích về các giới hạn lãnh thổ theo các quy phạm pháp luật trong UNCLOS của các đảo, đá, bãi cát ngầm, bãi cạn như Scarborough, một phần nỗ lực khẳng định yêu sách chủ quyền của Philippines trong phạm vi 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế. Philippines đã thuê luật sư Paul Reichler từ trung tâm luật Foley Hoag ở Washington, giáo sư luật Philippe Sands, Alan Boyle và Bernard Oxman từ trường luật đại học Miami tư vấn cho mình trong vụ kiện Trung Quốc áp dụng và giải thích sai UNCLOS trên Biển Đông với đường lưỡi bò phi pháp, vi phạm trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp của các nước ven Biển Đông, trong đó có Philippines. Các chuyên gia pháp lý độc lập đặt dưới sự điều phối chung của luật sư Francis Jardeleza của Philippines được cho là rất giỏi trong lĩnh vực Luật Biển vốn dĩ phức tạp.
Luật sư Paul Reichler được Philippines thuê tư vấn trong vụ kiện đường lưỡi bò phi pháp.
Luật sư Paul Reichler được Philippines thuê tư vấn trong vụ kiện đường lưỡi bò phi pháp.
Động thái của Philippines tập hợp đội ngũ pháp lý quốc tế để hỗ trợ vụ kiện chưa từng có theo UNCLOS, bỏ qua mọi áp lực đang ngày càng gia tăng từ Bắc Kinh nhằm ngăn chặn vụ kiện được một nhà quan sát ASEAN xem như một "cuộc chiến ủy nhiệm" trên Biển Đông. Kết quả của vụ kiện, phán quyết của tòa án có thể sẽ không được thực hiện, theo các chuyên gia pháp lý, nhưng nó lại rất có trọng lượng về mặt chính trị, ngoại giao. Storey, một học giả thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore nhận xét, Philippines đã dồn một lượng lớn nguồn vốn chính trị trong ván cờ pháp lý này và họ muốn đảm bảo nó sẽ thành công mà không phụ thuộc vào chi phí. Khi đã khởi kiện, nếu Philippines đưa ra các chứng lý ít thuyết phục sẽ rất nguy hiểm, Bắc Kinh sẽ được đà theo đuổi yêu sách (phi lý) của họ ở Biển Đông, thậm chí Trung Quốc sẽ còn hung hăng hơn những năm vừa qua. Mỹ, Nhật Bản, Việt Nam đang đặc biệt quan tâm theo dõi diễn biến của vụ kiện, theo Reuters. Ngoài ra các nước châu Âu, Nga, Ấn Độ và Hàn Quốc cũng đang theo dõi những động thái trên tuyến đường hàng hải trọng yếu và vùng biển giàu tài nguyên này.
Giáo sư Clive Schofield.
Giáo sư Clive Schofield.
Tuy nhiên một học giả về Luật Biển, Clive Schofield, giáo sư tại đại học Wollongong, Úc rất lạc quan về vụ kiện của Philippines. Ông cho rằng vụ kiện này có thể tiến triển nhanh hơn cả dự kiến của Manila là mất 3 đến 4 năm khi Philippines đệ đơn khởi kiện từ tháng Giêng năm nay. "Philippines sẽ có thể trình bày lập luận của mình vào nội dung chính của vụ kiện ngay sau khi các rào cản pháp lý được khắc phục. Nếu tôi đang ở vào vị trí của Philippines bây giờ tôi sẽ hạnh phúc hơn so với trường hợp tôi ở vị trí của Trung Quốc", Schofield cho biết. Schofield cho rằng Hội đồng Trọng tài 5 thành viên được thành lập bởi Tòa án Quốc tế về Luật Biển để thụ lý vụ kiện là không có gì để chê trách, đồng thời hy vọng vụ kiện sẽ không bị ảnh hưởng bởi các vấn đề chính trị. Học giả Storey nhận xét thêm, nếu một phán quyết thuận lợi với Philippines được đưa ra, Maila sẽ tự tin hơn trong hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí tại các khu vực tranh chấp, ví dụ như Bãi Cỏ Rong (nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, hiện đang là đối tượng Trung Quốc, Đài Loan, Philippines cùng tuyên bố "chủ quyền").

Hồng Thủy