Hôi của, tranh ăn – thói xấu bắt nguồn từ đâu?

10/12/2013 06:00
Tác giả: TS. Dương Xuân Thành
(GDVN) - Dạo này nhân có nghị quyết về đổi mới toàn diện nền giáo dục, nhiều ý kiến nói về dạy chữ, dạy người, dạy kỹ năng sống,.. tóm lại là từ nay phải dạy rất nhiều thứ cho người Việt trẻ. Chỉ có điều chưa có nghiên cứu nào chỉ đích danh cái xấu của người Việt bắt nguồn từ đâu và vì sao lại như vậy?

Xin tạm đặt tên cho hai bức ảnh đăng trên trang Vitalk (FPT Online – 18/10/2013) là: “Hôi của trên đường” và “Tranh ăn trong tiệc”.

Người xưa dùng cụm từ “nam, phụ, lão, ấu” (đàn ông, đàn bà, người già, trẻ con) để chỉ tất cả mọi người. Nhìn vào hai bức ảnh chỉ thấy “nam – phụ” không thấy “lão - ấu”, dù đó chỉ là một sự ngẫu nhiên không cố ý của tác giả, âu cũng là điều may mắn bởi nếu có cả “lão - ấu” thì không còn gì để nói. 

Người viết không “vơ đũa cả nắm” mà chỉ muốn nêu lên một kết luận được nhiều học giả có uy tín trên thế giới tán thành, rằng con người là sinh vật tham lam nhất, tàn bạo nhất trong các loài động vật và cũng ngu xuẩn nhất hành tinh xét trên tiêu chí bảo vệ môi trường sống của chính mình.

Chuyện hôi của chẳng phải chỉ xảy ra ở Việt Nam, khi Hoa Kỳ, Philippines gặp bão, khi London bị đốt phá cũng đầy rẫy kẻ hôi của. Có thống kê còn cho thấy Pháp là nước mà tỷ lệ ăn cắp chiếm từ 1-2% dân số [1]. 

“Dân gian” và “Quan tham” là hai tầng lớp người trong xã hội, cũng có thể xem như hai mặt đối lập trong mối liên hệ biện chứng của mỗi sự vật. Sự đấu tranh giữa hai loại người này sẽ có tác dụng biến đổi xã hội, vấn đề là ở nước ta hiện nay, có vẻ như cuộc đấu tranh này đang biến đổi xã hội theo chiều hướng tiêu cực?

Một bàn tay không thể che trời nhưng một triệu bàn tay thì việc che trời là hoàn toàn có thể. Mà cũng nên nhớ một triệu bàn tay nghĩa là chỉ mới có 500.000 người, chỉ chiếm chưa đầy 1/4  đội ngũ 2.146.738 công chức, viên chức theo thống kê năm 2012 [2]. Còn nếu nói theo Đại biểu QH Chu Sơn Hà: Nếu con số 30% số công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp về” là đúng, thì tương ứng sẽ có 700.000 công chức làm việc không hiệu quả, lãng phí hàng năm sẽ là 17.000 tỷ [3].

Lấy được vài lon hay vài chục lon bia bất quá cũng chỉ được vài trăm ngàn đồng, dư luận bất bình là phải, cảm thấy xấu hổ lây cũng là phải. Chỉ có điều sao mà “ném đá” ghê thế? Phải chăng “ném” vào đối tượng này không sợ chuyện “nhạy cảm”, càng “băm bổ” càng chứng tỏ mình là người thanh cao? 

Mất một con chó, có thể kéo cả làng săn đuổi, đánh chết bọn trộm chó. Mất cả trăm tỷ, nghìn tỷ thì đấy là việc của người khác. Sao chỉ dám phỉ báng những người nhất thời hồ đồ với mấy lon bia mà không dám dùng các từ “bom tấn” ấy với những kẻ  “đang hôi” của tất cả chúng ta? Với đồng lương công chức, chúng lấy đâu ra hàng trăm cây vàng, lấy đâu ra biệt thự, xe hơi, lấy đâu ra tiền mua nhà cho “bồ nhí”? 

Lại nữa hơn một năm đã trôi qua, nghi vấn chuyển giá, trốn thuế của những Coca – Cola, Adidas, Metro... vấn đang là một ẩn số. Hàng chục năm không nộp một đồng thuế doanh nghiệp nào, chúng đang hàng ngày bòn rút sức lao động và tài nguyên thiên nhiên đất nước ta, chúng thực sự cũng chính là những kẻ “hôi của” trên mồ hôi của người Việt, lẽ ra phải có một chiến dịch “ném đá”, tẩy chay để những kẻ tham lam có học ấy biết “ăn bẩn” tất không thể sống lâu.

Còn “quan tham” tất sẽ sinh ra “dân gian” vì đó là hai mặt đối lập không tách rời nhau, chỉ khi không còn “quan tham” thì mới hết “dân gian”, nhưng điều này ai cũng biết là không tưởng. Vậy thì điều mà chúng ta mong muốn là bớt quan tham đi, ít quan tham đương nhiên sẽ nhiều “quan liêm” và hệ quả logic là dân sẽ bớt “gian” đi. 

Nếu ai đó nghĩ rằng bằng cách lên án thật mạnh sẽ làm chạm đến lòng tự trọng của những người “hôi của”, ‘tranh ăn”,  sẽ góp phần làm tăng phẩm giá người Việt thì đó là một sự nhầm lẫn. Nhà nước có thiếu gì chế tài răn đe tội phạm, bảo vệ pháp luật sao người vô tội vẫn bị tù oan, sao kẻ tham nhũng vẫn nhà cao cửa rộng?

Lời dạy của Cụ Hồ: “vì lợi ích trăm năm phải trồng người” được đóng khung treo trên tường không biết mấy mươi năm rồi? Ngày xưa, khoa học chưa phát triển, tốc độ diễn biến các sự kiện chậm hơn bây giờ, ngày nay thời gian dường như trôi nhanh hơn. Không phải đợi đến trăm năm, các hạt mầm xấu xí đã gieo sau năm 1969 đã cho ngay mùa trái đắng  hôm nay.

Nếu có trách, hãy trách tất cả chúng ta, không trừ một ai. Không nói đến những kẻ có sức mà lại thiếu tâm, người có tâm mà không dám gắng sức, không dám hy sinh, chỉ chờ hạ cánh an toàn thì cũng chỉ làm hại dân, hại nước mà thôi. Chẳng có cây nến nào tỏa sáng cho đời mà lại không tự đốt cháy bản thân mình, chân lý ấy thật là đơn giản.

Việc xuất hiện ngày càng nhiều “người Việt xấu xí” không phải do đặc tính di truyền, cũng không  phải lỗi tự thân vì con người ta vốn “nhân chi sơ, tính bản thiện”. Dường như chính sách giáo dục, truyền thông nhiều năm qua đã góp phần không nhỏ làm lệch lạc nhân cách một bộ phận người Việt, kích thích những ham muốn tầm thường.

Nếu không kiên quyết chữa tận gốc ngay bây giờ thì căn bệnh “xấu xí” sẽ còn lan nhanh chẳng kém bất kỳ đại dịch nào khác. Xin đừng mơ tưởng nó sẽ chỉ dừng ở mức tranh ăn, hôi của mà sẽ là cướp phá, bạo lực, điều đã và đang xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới.
Tài liệu tham khảo:

[1]http://www.ohsawa.com.vn/index.php?option=com_ăn-cắp-là-bệnh-lý-và-thuốc-chữa-trị-bệnh-ăn-cắp?&Itemid=57
[2]http://www.nguoiduatin.vn/tang-20-cong-chuc-sau-5-nam-gian-bien-che-a115831.html 
[3]http://laodong.com.vn/chinh-tri/lang-phi-17000-ti-dong-vi-30-so-cong-chuc-cap-o-di-ve-157774.bld 
Tác giả: TS. Dương Xuân Thành