Hồi ức ghê rợn của “huyền thoại đua xe” Sài thành

16/03/2012 15:01
Theo Ngọc Lài/Đời sống và Pháp luật
Khi nói đến niềm đam mê tốc độ, tôi được nghe kể về người đàn ông thân hình nhỏ thó - “tay đua huyền thoại một thuở”: Mã Kim So.
Muôn nẻo đường đời
Khi nói đến niềm đam mê tốc độ, tôi được nghe kể về người đàn ông thân hình nhỏ thó nhưng đã “gom” về mình hơn 30 giải thưởng trong các giải đua môtô chuyên nghiệp với niềm tự hào vào khâm phục. Đặc biệt hơn, tại đây, ông đã cho tôi sống lại cái thời những tiệm sửa xe máy phải sống chết với nghề bằng các cuộc đua đường phố đầy hiểm nguy, may rủi. Qua hồi ức của người đàn ông 49 tuổi này, tôi như thấy lại cảnh những thanh niên lưng trần, quần tụt, nằm xòe trên yên xe 67 phóng bạt mạng lao vun vút trên những cung đường giữa những buổi trưa trời nắng gắt. Ông chính là “tay đua huyền thoại một thuở”: Mã Kim So.


"... Giới trẻ bây giờ bốc đồng quá. Thích là cứ xách xe ra đường tụ tập mà đua...".
"... Giới trẻ bây giờ bốc đồng quá. Thích là cứ xách xe ra đường tụ tập mà đua...".

Kỷ niệm cuộc đua “đòi” danh dự

Mã Kim So sinh năm 1963, tại Bạc Liêu, mẹ ông mất sớm nên ông chỉ sống với cha và 7 người anh em khác. Năm 10 tuổi, ông được cha dẫn tới nhà cô ruột sống nhờ. Với mục đích giúp cháu có nghề nuôi thân, bà dẫn ông đến lò sửa xe của người cháu họ và nhờ người này dạy ông sửa xe gắn máy. Ông nhớ đó là tiệm Tân Hải của thầy Âu Lạc Tân ở Bạc Liêu.
Lúc mới vào học nghề, cậu nhóc họ Mã đã khiến các bậc đàn anh phải trố mắt thán phục khi thấy cậu lao vun vút trên đường dù chân chưa chạm cần số và phải ngồi trên khung xe mà chạy. Sau mỗi lần thử xe cho khách, ông càng thêm hiểu về những chú ngựa sắt và điều khiển chúng một cách tự tin hơn. Ông nhớ lần đầu ông được có cảm giác “bay” là khi ông chạy thử chiếc xe Đam do Nhật sản xuất. Sau cái lần được “bay” ấy, Mã Kim So hiểu rằng niềm đam mê thần tốc sẽ ăn sâu vào máu ông. Mã Kim So đã thầm nhủ, ông sẽ là người giữ ngôi đầu các cuộc đua xe cho lò Tân Hải.
Thời điểm đó, tại Bạc Liêu có hai tiệm sửa xe nổi tiếng và Tân Hải là một trong số đó. Để khẳng định tên tuổi và đẳng cấp của mình, hai lò thường xuyên tổ chức những cuộc đua chạy, tức đua tự do trên đường phố và không sử dụng bất cứ một biện pháp an toàn tối thiểu nào. Thế nhưng, sau những lần đưa các con cưng của mình vào các cuộc đua tranh tốc độ, lò Tân Hải luôn phải ăn trái đắng của thất bại. Điều đó đồng nghĩa với uy tín của Tân Hải sẽ giảm sút. Thầy Âu Lập Tân buồn bã lo lắng vì chén cơm của mình có thể bị ảnh hưởng trong tương lai.
Trong những ngày nặng nề đó, cậu nhóc Mã Kim So nhỏ thó chợt hiện lên trong tâm trí ông với những lần thử xe bạt mạng, táo bạo, liều lĩnh nhưng rất có nghề. Sau những lần thử tài cậu học trò nhỏ, Âu Lập Tân đã quyết định đặt niềm tin vào Mã Kim So và ném cậu nhóc vào cuộc đấu tốc độ đầy may rủi. Kể về việc này, ông cho biết: “Lần đua mang tính sinh tử và trách nhiệm vì miếng cơm manh áo vì danh dự của cả lò Tân Hải. Khi đó tôi chỉ khoảng 15, 16 tuổi. Và trong lần đầu thi đấu theo kiểu tự do, bạt mạng trên đường phố đó, Mã Kim So đã khiến đối thủ phải có những phen kinh khiếp khi đương đầu với một tên nhóc chưa tên tuổi nhưng đầy bản lĩnh và rất tinh quái. Sau hơn 1, 2 cây số giỡn mặt với tử thần ông đã “đòi” lại danh dự và ngôi đầu cho lò Tân Hải.
Hồi ức ghê rợn đường đua “chay” tử thần

Cũng xin được nói một chút về ông chủ Tân Hải, tức ông Âu Lập Tân. Hồi đó, nhận thấy, Sài thành mới là miền đất hứa cho sự nghiệp chăm lo ngựa sắt và cả nghiệp đua tốc độ, Âu Lập Tân quyết định khăn gói, dắt díu đệ tử lên Sài Gòn lập nghiệp.
Lên Sài Gòn, sau những tháng ngày long đong, cuối cùng thầy trò Âu Lập Tân được ông Nguyễn Quốc Hùng – Giám đốc nhà hát Trần Hữu Trang nhận làm người đỡ đầu. Tiệm của Âu Lập Tân sửa xe máy được mở. Tuy nhiên, vì mới mở ở đất Sài thành, tiệm không tránh khỏi những cạnh tranh không lành mạnh và vô cùng khốc liệt. Mã Kim So nhớ lại thời ấy, lò của thầy trò ông phải đối mặt với các đàn anh “tiếng tăm” như Lý “già”, Ba Long, Trọng Nghĩa, trong đó lò xe Trọng Nghĩa ở Cầu Kho được mệnh danh là “ông hoàng” của các lò sửa xe thời bấy giờ. Lò này có tay đua Trọng Nghĩa tiếng tăm lẫy lừng, giới lái xe ai cũng ngán ngẩm và rước lấy những cú thua nhục nhã khi phải đối mặt với tay đua này.
Về phần Mã Kim So, sau khi lên Sài thành vì sự tồn tại của cửa tiệm và danh dự của bản thân, ông cũng nhanh chóng gom về cho mình những thành tích nhất định. Mã Kim So với chiếc 67 và những kỹ thuật cùng sự liều lĩnh, lỳ lợm đã làm nhiều lò phải ngậm trái đắng. Vì vậy, So cũng nhanh chóng trở thành cái gai cần nhổ của các bậc đàn anh.
Thông tin về việc này, ông cho biết: “Một lần Trọng Nghĩa sang nhậu cùng chủ tiệm Tân Hải và khi thấy tôi, Nghĩa đã cao giọng khích: “Mày là con nít, dẹp qua một bên có ngon thì đua với nhau một cái, xem ai ngon hơn”.
Để So “biết trên biết dưới”, Nghĩa cho So một tháng “mài” con 67 quen thuộc. Sau một tuần, ông đã hoàn tất việc chuẩn bị nghênh chiến với Trọng Nghĩa. Phía Trọng Nghĩa vì muốn chiếm thế bất ngờ, chỉ một tuần sau ngày đưa ra lời thách đấu đã đến đòi đua ngay vào ngày hôm sau.
Kể về việc này, ông nhớ lại, trưa đó, ông bước vào cuộc đua đường phố mà về sau đã làm nên tên tuổi và gây chấn động giới đua xe lúc bấy giờ. Mã Kim So và Trọng Nghĩa hẹn nhau tại xa lộ Mai Thiên Lãnh (Bình Dương), với yêu cầu chạy 1, 2 km và 4 bẻ của trong tư thế nằm dài trên yên xe, vào, trả số hoàn toàn bằng tay, người mặc duy nhất một chiếc quần đùi. Ông cho biết, trong lần đua đó ông đã sử dụng hết những tuyệt kỹ của mình như: Chẻ gió (hướng thẳng xe vào đầu xe tải đang chạy rồi đột ngột lượn ra), cắt cua, qua mặt…đầy táo bạo đậm chất gan lỳ. Ông đã đánh bại đàn anh Trọng Nghĩa và đường hoàng lên ngôi đầu trong giới đua xe đường phố lúc bấy giờ.
Niềm đau và những cảnh báo từ “tay đua huyền thoại”
Năm nay, Mã Kim So cận kề tuổi ngũ tuần và những kỉ niệm về đường đua đã xa dần theo năm tháng. Nhưng ông không thể nào quên những mất mát trên những đường đua. Ông không thể nào quên cái chết thương tâm của hai người bạn đua, cũng như bản thân ông đã từng đổ máu vì vô cùng nguy hiểm này.
Ông cho biết chỉ trong hai năm, ông liên tiếp mất đi hai người bạn thân khi họ đang điều khiển xe đã khiến tinh thần của ông gần như sụp đổ. Riêng bản thân ông khi thi đấu cũng bị tai nạn nát cả mặt, rách cả môi. May thay, ông vẫn sống. Nhưng những vết sẹo và những mất mát kia vẫn như một nỗi đau khắc mãi vào tâm khảm để nhắc nhở những ngày tháng “hành nghề” xót xa và lắm đau thương. Chỉ vài năm sau cái chết của bạn, ông từ giã “sự nghiệp”.
Trả lời chúng tôi về việc có gì khác nhau giữa cuộc đua của ông với những ngày tham gia đường đua chuyên nghiệp và việc giới trẻ tụ tập đua xe trái phép ngày nay, ông cho biết: “Ngày xưa tôi đua là đua vì bát cơm manh áo, là đua vì danh dự, thương hiệu lò xe của mình. Giới trẻ bây giờ bốc đồng quá. Thích là cứ xách xe ra đường tụ tập mà đua. Làm như vậy chẳng khác nào đùa giỡn với tính mạng của mình của người khác. Đó không phải là niềm đam mê tốc độ chân chính mà chỉ là những phút bốc đồng tai hại. Nếu đam mê tốc độ thực sự thì hãy vào đường đua thể thao chuyên nghiệp”.
Hiện nay, Mã Kim So là chủ của một tiệm sửa xe ở góc đường Ngô Quyền – Nguyễn Chí Thanh. Mở tiệm, ông đã sử dụng hết những tháng năm gắn bó với xe máy, những kỹ năng, kinh nghiệm cả đời ông học hỏi, tích lũy để ứng dụng vào việc sửa chữa như một niềm đam mê, như một nguồn cảm hứng để ông sống lại những ngày tháng giờ đã là “huyền thoại” có quá nhiều nỗi xót xa của mình.
“Vang danh” xứ người vì…liều!
Sau những tháng năm lao thân trong những cuộc đua đường phố bạt mạng, rủi may, năm 1989, Mã Kim So chính thức giải nghệ “nghề đua chay” để tham gia giải đua chuyên nghiệp. Những kỹ năng ông tích góp được từ những năm tháng bán mạng cho đường đua “chay”, đã giúp Mã Kim So liên tiếp giành những chức vô địch. Ông kể rằng, ông từng được cử đi Malaysia tập huấn. Ông kể; “Khi sang đó tôi chạy dợt thử, các tay đua Malaysia thấy vậy không dám dợt chung. Họ bảo: “Vận động viên Việt Nam đua nhau ghê quá. Người Nhật cũng phải ngả mũ vì khả năng đôn zên, xoáy nòng xe của dân ta” (?). Khi xin phép được xem lại những cúp, những huy chương, những cờ lưu niệm, một vài trong số đó đã cũ kĩ và mục nát theo thời gian, ông nói: “Đang định đi gia cố lại mấy cái cúp này để làm kỉ niệm, mục hết rồi, giờ nói mình ngày xưa đua xe ghê lắm mà chẳng ai tin. Nhưng cũng chẳng thích khoe làm gì, ngày ấy tôi đua xe theo mục đích khác, giới trẻ bây giờ đua khác. Nói ra thì mọi người lại nghĩ mình chẳng hay hò gì”.
Đua xe để khẳng định uy tín “đẳng cấp” nghề sửa xe (?!)
Sài Gòn xưa không như xứ tỉnh lẻ Bạc Liêu, khi chỉ trên một tuyến đường mà các lò sửa xe cứ thi nhau mọc lên nhan nhản. Do vậy, nếu muốn sống và tồn tại, các lò phải khẳng định được tên tuổi và danh tiếng. Và cách duy nhất để có được “thương hiệu” là các lò phải thắng trong các cuộc đua như bán mạng cho đường phố. Đó như một phương cách khẳng định, những chú ngựa sắt qua bàn tay mông má của các lò sửa xe trở thành “những vị thần tốc độ” đáng kinh ngạc. Uy tín vì thế mà tăng trong mắt khách hàng (?!)

Điểm nóng:
Công ty của nữ đại gia tổ chức siêu đám cưới nợ bao nhiêu tiền?

Bản di chúc có chữ "Tuyệt đối bí mật" của Bác Hồ

Chủ tịch TP Hà Nội: Đổi giờ, vẫn tắc! Sự thật về chuyện "con đại gia" tổ chức lễ rước dâu bằng xe trâu

Cụ rùa hồ Gươm lại nổi gần 1 giờ

Bút tích "độc" bằng tranh của Bác Hồ (P1)
Nữ sinh trở dạ trong lớp học muốn trở thành sinh viên đại học Vượt ngục chấn động:Lấy bàn chải đục cửa, trám tường bằng giấy vệ sinh

Theo Ngọc Lài/Đời sống và Pháp luật