Indonesia tăng cường triển khai quân sự ở Biển Đông đối phó bất trắc

28/04/2014 09:57
Đông Bình
(GDVN) - Indonesia thực hiện chính sách "phi chiến tranh" ở Biển Đông và hy vọng Trung Quốc làm như vậy, song vẫn phải có lực lượng sẵn sàng chiến đấu.
Tổng tham mưu trưởng quân đội Indonesia Moeldoko
Tổng tham mưu trưởng quân đội Indonesia Moeldoko

Tờ "Tin tức Tham khảo" Trung Quốc ngày 27 tháng 4 dẫn tờ "Nhật báo Phố Wall" Mỹ ngày 25 tháng 4 đăng bài viết của Tổng tham mưu trưởng quân đội Indonesia Moeldoko. Bài viết cho rằng, Biển Đông đã trở thành một tiêu điểm tranh chấp trên biển ở châu Á. Ngoài Trung Quốc, bốn bên khác còn có Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam - những nước này đều là thành viên của ASEAN.

Tuy bản thân ASEAN hoàn toàn không phải là một bên tranh chấp, nhưng tổ chức này hy vọng có thể tiến hành giải quyết hòa bình tranh chấp, không để ảnh hưởng đến tự do hàng hải quốc tế.

Theo bài báo, đây là điểm quan trọng trong lập trường của Indonesia. Indonesia hoàn toàn không phải là một bên tranh chấp. Nhưng, một khi Trung Quốc giải thích về "đường chín đoạn" (đường lưỡi bò) gây ra xung đột ở Biển Đông, Indonesia cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Chủ trương bản đồ "đường lưỡi bò" của Trung Quốc là muốn đưa ra yêu sách chủ quyền (bất hợp pháp) đối với hầu hết vùng biển trong 35.000 km2 Biển Đông. Xét đến tầm quan trọng về kinh tế và chiến lược của vùng biển này, điều này đã trở thành vấn đề quốc tế cần cấp bách giải quyết, thậm chí ngay cả Mỹ cũng có liên quan.

Tàu hộ vệ của Hải quân Indonesia
Tàu hộ vệ của Hải quân Indonesia

Theo bài viết, điều làm cho Indonesia cảm thấy chán nản là, trong "đường chín đoạn" do Trung Quốc vẽ bậy ra gồm cả một phần của quần đảo Natuna, tức là gồm cả một phần lãnh thổ của tỉnh Riau, Indonesia.

Trung Quốc cũng đã in bừa hình bản đồ "đường chín đoạn" vào trong hộ chiếu mới của công dân họ. Quần đảo bị ảnh hưởng nằm ở phía tây bắc của bờ biển Borneo.

Tác giả bài viết cho rằng, Quân đội Indonesia quyết định tăng cường lực lượng cho Natuna. Indonesia còn muốn chuẩn bị tốt máy bay chiến đấu để đề phòng sự leo thang tình hình vùng biển quan trọng thế giới này dẫn đến các sự cố bất trắc.

Theo bài viết, Indonesia giống với các khu vực khác, quân đội đều phải tiến hành chuẩn bị tốt cho các sự kiện ngẫu nhiên. Nhưng, Indonesia hy vọng, các nhà lãnh đạo chính trị và ngoại giao khu vực này có khả năng đàm phán giải quyết vấn đề trong tình hình không sử dụng hoặc không đe dọa sử dụng vũ lực.

Nói cách khác, Indonesia đi theo chính sách "không chiến tranh" ở Biển Đông và khu vực châu Á-Thái Bình Dương rộng lớn hơn.

Máy bay chiến đấu Su-30MK2 của Không quân Indonesia
Máy bay chiến đấu Su-30MK2 của Không quân Indonesia

Bài viết cho rằng, đối với Trung Quốc, hành vi của họ ở Biển Đông sẽ cho thấy ý đồ rộng lớn hơn của họ - với tính chất một nước lớn trỗi dậy. Trung Quốc áp dụng chính sách "không chiến tranh" sẽ làm cho các nước láng giềng của họ tin tưởng, Trung Quốc thực sự kiên trì phát triển hòa bình.

Nhưng, nếu Trung Quốc có ý đồ thực hiện chính sách cứng rắn, tiến hành phô trương sức mạnh quân sự để làm thay đổi hiện trạng thì họ sẽ thu được hiệu quả trái ngược.

Đông Bình