Kanwa: F-15J sẽ có ưu thế hơn J-11 khi Trung-Nhật xảy ra không chiến

28/03/2013 08:41
Việt Dũng
(GDVN) - Báo Canada tiếp tục được dịp so sánh tính năng, thông số kỹ thuật, vũ khí, ưu thế giữa máy bay chiến đấu thế hệ thứ ba của hai bên Trung-Nhật.
Máy bay chiến đấu F-15J của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản.
Máy bay chiến đấu F-15J của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản.

Tờ “Kanwa Defense Review” Canada số tháng 4 (xuất bản trước) đăng bài viết nhan đề “F-15J quyết đấu Su-27SK/J-11”. Bài viết đã phân tích kết quả không chiến có thể xảy ra giữa các loại máy bay chiến đấu chủ lực Su-27SK/J-11 của Trung Quốc với máy bay chiến đấu F-15J của Nhật Bản.

Sau khi so sánh thực lực của hai bên, bài viết cho rằng, máy bay chiến đấu của mỗi bên đều có sở trường riêng, kết quả không chiến của hai bên rất có thể tùy thuộc vào kinh nghiệm và huấn luyện, trên phương diện này thì phía Nhật Bản chiếm ưu thế nhất định.

Theo bài viết, máy bay tuần tra Y-12 của Trung Quốc nhiều lần xâm nhập khu vực đảo Senkaku, máy bay chiến đấu F-15J đã phải nhiều lần bay lên chặn lại.

Cứ mãi như thế, F-15 phải chăng sẽ đụng độ và xảy ra xung đột với máy bay chiến đấu Su-27SK/J-11 của Trung Quốc? Một khi xảy ra hành động “cướp cò”, liệu ai sẽ thắng ai? Bài viết cho rằng, do có nhiều nhân tố không xác định, nên tương đối khó khi đánh giá kết quả thực sự.

Về lý thuyết, khả năng hoàn toàn nghiêng về một bên là không lớn. Không quân một nước mạnh hay yếu tùy thuộc vào trang bị, chỉ huy, huấn luyện, chiến thuật và kinh nghiệm, trong đó kinh nghiệm và huấn luyện là quan trọng nhất.

Bài viết cho rằng, rất khó dự đoán được kết quả quyết đấu giữa máy bay chiến đấu chủ lực của hai bên Trung Quốc và Nhật Bản, nhưng có thể tiến hành so sánh một số phương diện dưới đây.

Máy bay chiến đấu J-11 của Không quân Trung Quốc
Máy bay chiến đấu J-11 của Không quân Trung Quốc

1. Đây là so sánh sức mạnh chưa từng có về mặt quốc tế, điểm khác với cuộc không chiến giữa máy bay chiến đấu của các nước Ả-rập với máy bay chiến đấu F-15 của Không quân Israel trước đây là, không quân hai nước Trung Quốc và Nhật Bản đều trang bị máy bay chiến đấu cùng một thế hệ.

Lúc ban đầu thiết kế Su-27, nhà thiết kế được yêu cầu các chỉ số về tính năng cơ động phải vượt máy bay F-15.

Cuộc chiến có quy mô tương đối lớn giữa máy bay chiến đấu thế hệ thứ ba của Âu-Mỹ và Nga đã diễn ra trong cuộc xung đột Kosovo, Không quân Nam Tư sử dụng máy bay chiến đấu MiG-29 ứng chiến, đã xảy ra cuộc chiến giữa 2 máy bay MiG-29 và 2 máy bay F-15, sau đó cả hai máy bay MiG-29 đã bị bắn rơi.

Nhưng, cuộc chiến tranh này không thể được coi là trận không chiến mang tính phổ biến giữa các loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ ba của Mỹ-Nga, khoảng cách sức mạnh thực sự không lớn lắm, đằng sau máy bay F-15 còn có sự hỗ trợ mạnh mẽ của máy bay cảnh báo sớm.

Nam Tư hầu như đã chiến đấu một cách đơn độc. Hơn nữa, máy bay MiG-29 thuộc loại Su-27 phiên bản cỡ nhỏ, có tính cơ động và chức năng radar kém hơn nhiều máy bay Su-27.

Máy bay chiến đấu Su-27SK của Không quân Trung Quốc, mua của Nga
Máy bay chiến đấu Su-27SK của Không quân Trung Quốc, mua của Nga

2. Không quân Trung Quốc và Nhật Bản chưa từng giao chiến đã hơn 50 năm, kinh nghiệm là con số không.

Về huấn luyện, Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản đương nhiên tiến hành theo kiểu NATO, thời gian huấn luyện bay mỗi tháng ít nhất là từ 15 tiếng trở lên, còn lực lượng máy bay chiến đấu Su-27 của Trung Quốc mấy năm trước được công bố là có thời gian huấn luyện tăng gấp đôi so với lực lượng thông thường. Đặc biệt là, thời gian huấn luyện hàng năm của lực lượng tinh nhuệ đạt tiêu chuẩn NATO.

Nhưng, máy bay F-15 của Nhật Bản hàng năm đều triển khai diễn tập hiệp đồng với quân Mỹ. Nhật Bản chiếm ưu thế về các phương diện như kinh nghiệm diễn tập, sẵn sàng chiến đấu thực tế.

Trình độ huấn luyện của Không quân Trung Quốc vẫn còn khoảng cách so với Nhật Bản và Âu-Mỹ, đặc biệt là khả năng tác chiến liên hợp/hiệp đồng, sử dụng liên kết dữ liệu.

Su-27 "xịn" do Nga chế tạo
Su-27 "xịn" do Nga chế tạo


3. Hai bên Trung Quốc và Nhật Bản đều đã tiến hành cải tiến công nghệ đối với F-15 và J-11, đặc biệt là hệ thống vũ khí. J-11A có thể sử dụng tên lửa không đối không tầm trung RVV-AE, một bộ phận J-11A còn có thể sử dụng tên lửa không đối không tiên tiến PL-8, PL-12.

F-15J cải tiến đổi sang sử dụng radar APG-63, có thể sử dụng tên lửa không đối không tầm trung AAM-4B do Nhật Bản tự sản xuất. Phiên bản cải tiến mới nhất có thể sử dụng tên lửa không đối không tầm ngắn AAM-5 do Nhật Bản tự sản xuất, có tính cơ động cao tương đương AIM-9X. Những vũ khí này chưa từng trải qua chiến đấu thực tế, vũ khí Trung Quốc có thể cũng làm nên chuyện, nhưng cũng có thể vô dụng.

Máy bay cảnh báo sớm E-2C của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản, do Mỹ chế tạo.
Máy bay cảnh báo sớm E-2C của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản, do Mỹ chế tạo.

Nhưng, bài viết cho rằng, một điểm quan trọng nhất là, Su-27 và F-15 chưa từng giao chiến. So sánh chỉ là bàn việc quân trên giấy.

Su-27 là loại máy bay lớn nhất trong các loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ ba, mặt có lợi ở chỗ nó rất có sức mạnh. Lượng tải đạn của Su-27 là 8 tấn, còn lượng tải đạn của F-15 là 7,3 tấn. Nhưng, khả năng tàng hình của Su-27 không bằng F-15.

Thời gian hoạt động trên không cũng là chỉ số đo tính năng của máy bay, dự trữ dầu trong máy bay F-15J là 6.100 kg, của Su-27SK là 9.000 kg. Vì vậy, trong thời gian hoạt động ở trên không, nếu treo ngoài tương đương, thì Su-27 chiếm ưu thế.

Tốc lộ leo cao của Su-27 cao hơn F-15, Su-27 đang duy trì kỷ lục thế giới. Tốc độ tối đa cũng chiếm ưu thế, tức là có thể thoát ra khỏi chiến trường một cách nhanh chóng. Về khả năng đuổi theo, Su-27 cũng chiếm ưu thế.

Trong không chiến, một loại công nghệ rất quan trọng đương nhiên là radar. Về vấn đề này, Nga, Trung Quốc thường lạc hậu so với Âu-Mỹ. Thông thường cho thấy, radar kiểu Mỹ tốt hơn radar Nga về độ chính xác khi dò tìm, khả năng chống gây nhiễu, tính tương thích, tốc độ tính toán.

Radar APG-63 của F-15 có thể đồng thời dò tìm 14 mục tiêu trên không, đồng thời tấn công 6 mục tiêu trong số đó. Còn radar H001 của Su-27SK có thể đồng thời dò tìm 10 mục tiêu, đồng thời tấn công 2 mục tiêu trong số đó. Còn về khoảng cách dò tìm, hai loại radar này đều vượt 100 km.

Máy bay cảnh báo sớm KJ-2000 của Trung Quốc
Máy bay cảnh báo sớm KJ-2000 của Trung Quốc

Về radar của máy bay cảnh báo sớm, máy bay KJ-2000/200 của Trung Quốc sử dụng radar mảng pha, số lượng mục tiêu dò tìm phải cao hơn E-2C, như vậy ít nhiều triệt tiêu được điểm yếu về số lượng dò tìm mục tiêu của máy bay Su-27/J-11.

Nhưng, góc quét của máy bay cảnh báo sớm Trung Quốc có thể không bằng E-2C. Hơn nữa, hai loại máy bay cảnh báo sớm của Không quân Trung Quốc đều đang sử dụng mang tính thử nghiệm, kinh nghiệm sử dụng không bằng Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản - phía Nhật đã trang bị máy bay cảnh báo sớm từ thập niên 1980.

Tiếp theo là vũ khí tên lửa không đối không. Công nghệ của Nga về mặt này được xác nhận là lạc hậu so với Mỹ trong các cuộc chiến thực tế trước dây. Cho dù là vũ khí tên lửa cùng thế hệ thì cũng như vậy, đặc biệt là tên lửa không đối không tầm trung.

Nhật Bản chỉ có 44 quả tên lửa AIM-120B sử dụng để thử nghiệm; trang bị số lượng lớn trên thực tế là tên lửa tầm trung AAM-4 (Type 99) do họ tự sản xuất.

So sánh trên có thể phát hiện, về tên lửa không đối không tầm ngắn, Nhật Bản chiếm ưu thế về thông số kỹ thuật, Type 04 (AAM-5) là tên lửa tầm ngắn tiên tiến được phát triển cuối thập niên 2000, còn tên lửa PL-8 là phiên bản Trung Quốc của tên lửa Python-3 do Israel sản xuất vào thập niên 1980, vẫn còn đang áp dụng thiết bị tìm mục tiêu hồng ngoại kiểu bị động truyền thống.

Máy bay cảnh báo sớm KJ-200 của Trung Quốc
Máy bay cảnh báo sớm KJ-200 của Trung Quốc

Về tính cơ động, Type 04 của Nhật Bản cũng tốt hơn nhiều, được cho là có khả năng tương đương AIM-9X. Nhưng, đặc điểm chung của tên lửa không đối không của Nga và Trung Quốc là kích cỡ tương đối lớn, nhiên liệu nhiều hơn, vì vậy tốc độ phóng, tầm phóng đều tương đối xa, khả năng chống gây nhiễu tương đối thấp.

Bài viết cho rằng, so sánh như trên có thể thấy được, công nghệ máy bay chiến đấu thế hệ thứ ba của Nga-Trung, Mỹ-Nhật mỗi bên có sở trường, điểm mạnh riêng, trong đó Su-27 và F-15 là kẻ thù cũ, tốt nhất vĩnh viễn không nên đối đầu.

Việt Dũng