Kế lạ gửi Bộ trưởng Thăng: Thu 300.000 đồng mỗi lần trông xe

30/03/2012 10:29
Thảo Lăng
(GDVN) - Ông Đỗ Quốc Bình cho rằng, taxi là nạn nhân của việc Bộ Tài chính không phân biệt được đâu là phương tiện kinh doanh, đâu là phương tiện không kinh doanh.

Ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội trong cuộc trao đổi với phóng viên Giáo dục Việt Nam đã bày tỏ rất nhiều ý kiến trái chiều với đề xuất vừa qua của Bộ Giao thông Vận tải dự kiến áp dụng từ tháng 6/ 2012.

Không nên coi taxi là phương tiện cá nhân

Bàn về đề xuất vừa qua của Bộ GTVT về phí hạn chế phương tiện cá nhân và phí ô tô vào nội thành giờ cao điểm, ông Bình cho rằng, Bộ Giao thông Vận tải đã có nhiều đề xuất liên quan tới vấn đề quản lý giao thông.

Tuy nhiên, việc thu phí trước đây là lưu hành (nay gọi là phí hạn chế phương tiện cá nhân) đều không nhận được sự đồng tình từ phía người dân. Bởi vì, đề xuất này làm ảnh hưởng đến nhiều phương tiện cá nhân, đặc biệt là taxi khi tham gia chở khách công cộng.

Ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội
Ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội

Giải thích rõ hơn về điều này, ông Bình nói,  hiện nay,  taxi ở Việt Nam đã chịu quá nhiều loại phí rồi. Trước tiên là phí trước bạ của Bộ Tài chính là 5% (đó là giá phí của xe cá nhân), trong khi xe kinh doanh chỉ phải nộp 2 % thuế này. Thuế trước bạ đối với taxi là 20%.

Có nghĩa là với một chiếc xe taxi với giá trung bình khoảng 400 triệu đồng thì thuế trước bạ lên tới 80 triệu đồng. Cách đây không lâu, taxi phải chịu thêm một loại phí nữa là bảo trì đường mất 2 triệu/năm. Bây giờ dự kiến lại thu thêm phí hạn chế phương tiện cá nhân khoảng 20 triệu/năm.

“Tôi tính chi phí cho một chiếc taxi hiện nay không trả dưới 80 triệu đồng tiền các loại phí trong 1 năm”, ông Bình khẳng định.

Ông Bình nhấn mạnh thêm: "Ở đây, tôi cho rằng, Bộ tài chính không phân biệt được phương tiện kinh doanh và phương tiện không kinh doanh thì mới thu phí của taxi giống như thu phí với ô tô cá nhân".

Bởi vì rõ ràng, taxi là phương tiện kinh doanh. Năm 2010, taxi chở khoảng 80 triệu lượt khách. Năm 2011, con số này tăng lên hơn 100 triệu lượt mà số lượng xe chỉ có 100 nghìn xe.

Trong khi, nếu để chở hết số khách nói trên thì số xe thực có phải lên tới 500 nghìn ô tô. Do đó, áp dụng mức thu phí với taxi giống xe cá nhân là không phù hợp, không công bằng.

Trước ý kiến cho rằng, hiện nay lượng taxi chiếm phần lớn số xe ô tô lưu thông trong các thành phố lớn, là tác nhân không nhỏ gây ùn tắc giao thông, ông Đỗ Quốc Bình cho rằng, hiện nay tổng số ô tô ở Hà Nội là 500.000 ô tô, trong đó taxi chiếm 15.000, do đó tỉ lệ không cao.

"Với việc vận chuyển được hàng trăm ngàn lượt khách/năm, đồng thời giải quyết việc làm cho hàng nghìn người như vậy, lẽ ra nhà nước cần phải có các chính sách ưu tiên cho taxi mới hợp lý.

Và tiền thuế đối với taxi theo quan điểm của tôi là đã đánh vào tiền xăng dầu là đủ", ông Bình quả quyết.

Tại sao không tăng phí điểm đỗ xe lên 10 lần để giảm ùn tắc?

"Nếu nói đề xuất này không hiệu quả trong việc giảm thiểu ùn tắc thì không đúng. Nhưng theo tôi, có giảm thì cũng chỉ giảm được một phần nhỏ, không thể chấm dứt ùn tắc.

Và ở đây có một chút nhầm lẫn, hạn chế phương tiện cá nhân đơn thuần là chưa đúng, phải nói là hạn chế các phương tiện cá nhân lưu thông thì mới có thể giảm được ùn tắc.

Bởi vì ùn tắc giao thông của xe lưu hành trên đường liên quan đến phương tiện, mật độ và nhiều yếu tố khác.

Theo ông Bình, trong hoàn cảnh này, giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân là không hiệu quả. Cách giải quyết thì rất nhiều và giải quyết nhất thiết phải bắt đầu từ nguyên nhân. Một trong những nguyên nhân chính gây ùn tắc là việc đỗ phương tiện dưới lòng đường.


Do đó, thứ nhất là có thể áp dụng biện pháp thu phí đối với các điểm đỗ xe. Thu phí các khu vực khác nhau thì nên chia ra nhiều giá vé. Chúng ta đừng thu 2.000 đồng/xe nữa, mà hãy thu 20 đến 30.000 đồng/xe.

Giá đỗ xe của ô tô ở những vị trí trọng điểm, chúng ta có thể tăng lên 300 ngàn/xe …Với giá đỗ xe cao như vậy, người ta sẽ ngại đỗ xe và có thể đi phương tiện khác rẻ tiền hơn. Thu tiền đỗ xe càng cao thì càng khả quan trong việc giải quyết ùn tắc.

Về vấn đề ùn tắc, cần xác định là ùn tắc thông tuyến hay thường xuyên, căn cứ vào đó tìm cách giải quyết hợp lý nhất. Lượng xe ở Hà Nội rất lớn, nhưng không phải chỗ nào cũng ùn tắc. Và Bộ Giao thông Vận tải nên xây dựng một kế hoạch, lộ trình để giải quyết các vấn đề. Không nên làm nhân dân choáng váng như vậy.

Thảo Lăng