Khả năng phát triển UAV của Mỹ đứng đầu thế giới, TQ đang đầu tư mạnh

19/05/2013 08:09
Việt Dũng
(GDVN) - Trung Quốc bắt đầu dùng UAV thăm dò và tuần tra biên giới bờ biển quốc gia ở 11 tỉnh, đang triển khai 100 UAV cất hạ cánh thẳng đứng tới chiến trường.
Máy bay vũ trang không người lái Predator Mỹ
Máy bay vũ trang không người lái Predator Mỹ

Gần đây, tờ nguyệt san "Quốc phòng" Mỹ đăng bài viết nhan đề "Nhu cầu máy bay không người lái toàn thế giới tăng vọt" cho rằng, trên thị trường toàn cầu hiện nay đã có 4.000 loại máy bay không người lái (UAV) đang tiêu thụ.

Mỹ vẫn sẽ là khách hàng máy bay không người lái lớn nhất, chiếm 45% thị trường toàn cầu. Nhưng, sự tăng trưởng trong chế tạo và mua sắm máy bay không người lái không hề giới hạn ở phương Tây. Trung Quốc đầu tư cho máy bay không người lái thậm chí vượt Mỹ về số lượng.

Báo Mỹ cho rằng, quân đội Mỹ có lẽ là người sở hữu và người sử dụng máy bay không người lái gây chú ý nhất, nhưng tuyệt đối không phải là khách hàng duy nhất của loại thiết bị bay gây tranh cãi này. Việc sử dụng thành công máy bay không người lái ở Iraq và Afghanistan được chú ý hết sức.

Với sự thúc đẩy đó, ngoài châu Nam Cực, các nước trên các châu lục của Trái đất đều đang chế tạo hoặc gấp rút muốn mua sắm máy bay không người lái.

Báo Mỹ dẫn lời Derek Maple, nhà phân tích hàng đầu của Công ty nghiên cứu và phân tích công nghiệp IHS cho rằng, trong 5 năm qua, nhu cầu máy bay không người lái của toàn thế giới hàng năm tăng trưởng với tốc độ hai con số, nhu cầu của khách hàng Mỹ chiếm 2/3 trên thị trường.

Derek Maple nói, thị trường máy bay không người lái Mỹ trong 5 năm tới sẽ co lại, nhưng chắc chắn về sau sẽ tiếp tục hồi phục, biết đâu còn vượt quy mô hiện nay. Mỹ vẫn sẽ là khách hàng máy bay không người lái lớn nhất, chiếm 45% thị trường toàn cầu. Maple cho biết, nhu cầu trang bị trên không tầm cao và trung bình của Không quân Mỹ sẽ chiếm 50% nhu cầu của Mỹ.

Máy bay do thám không người lái Global Hawk do Mỹ chế tạo, Nhật Bản và Hàn Quốc đều muốn mua
Máy bay do thám không người lái Global Hawk do Mỹ chế tạo, Nhật Bản và Hàn Quốc đều muốn mua

Bài viết tiết lộ, chi tiêu quốc phòng trên phương diện máy bay không người lái của thế giới dự kiến sẽ vượt 13,4 tỷ USD vào cuối năm 2013. Chi tiêu cho hệ thống không người lái của Bộ Quốc phòng Mỹ là 6,5 tỷ USD, chiếm gần 1 nửa. Bắc Phi, châu Âu và châu Á là thị trường lớn nhất của hệ thống không người lái, đặc biệt là máy bay không người lái.

Theo một báo cáo nghiên cứu của Hiệp hội hệ thống máy bay không người lái quốc tế, trong tổng chi tiêu quốc phòng của hệ thống không người lái, máy bay không người lái chiếm 90%. Chi tiêu máy bay không người lái toàn cầu năm 2013 sẽ vượt 11 tỷ USD, chi tiêu hệ thống trên mặt đất và trên biển là 2,4 tỷ USD.

Bài viết cho rằng, tăng trưởng chế tạo và mua sắm máy bay không người lái hoàn toàn không giới hạn ở phương Tây. Việc đầu tư của Trung Quốc đối với máy bay không người lái thậm chí vượt qua Mỹ về lượng. Maple nói, đến năm 2014, nhu cầu của Trung Quốc đối với người máy công nghiệp (robot) dự kiến sẽ đạt 32.000 chiếc, trở thành khách hàng công nghệ robot lớn nhất thế giới.

Trung Quốc có kế hoạch bắt đầu dùng máy bay không người lái thăm dò và tuần tra biên giới, bờ biển ở 11 tỉnh. Lục quân Trung Quốc đang đưa 100 máy bay không người lái cất hạ cánh thẳng đứng vào chiến trường.

Maple cho rằng: "Trung Quốc đã đẩy nhanh nghiên cứu chế tạo hệ thống không người lái, tốc độ nhanh hơn bất cứ nước nào khác, có thể vượt phương Tây về công nghệ và tính năng. Trung Quốc sử dụng máy bay không người lái cho nhiệm vụ an ninh-tình báo đã có thời gian vài năm. Trong tương lai có thể trang bị vũ khí và dùng để xuất khẩu".

Máy bay chiến đấu không người lái X-47B sẽ trang bị cho tàu sân bay Mỹ
Máy bay chiến đấu không người lái X-47B sẽ trang bị cho tàu sân bay Mỹ

Theo báo Mỹ, đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đã cho biết có nhu cầu vài loại máy bay không người lái, nhất là trong vài tuần gần đây, đối thủ của họ là CHDCND Triều Tiên liên tục phát đi những ngôn từ hiếu chiến. Hai nước cần máy bay không người lái trên không tầm trung và cao. Hàn Quốc còn muốn mua sắm máy bay hoạt động ở tầm cao để theo dõi khu vực biên giới giữa họ với CHDCND Triều Tiên.

Mặc dù CHDCND Triều Tiên là một quốc gia bị cô lập, không thể nghiên cứu chế tạo được hoặc mua sắm loại máy bay này, nhưng họ đã cho biết mong muốn sở hữu máy bay không người lái chiến thuật hạng trung và máy bay không người lái có thể mang theo bom.

Ở Nam Á, Ấn Độ và Pakistan đã triển khai chạy đua vũ trang về máy bay không người lái. Maple cho rằng, Ấn Độ luôn dựa vào Israel để có được máy bay không người lái, nhưng gần đây gia tăng phát triển khả năng tự chế tạo máy bay không người lái. Hiện nay, họ đang sử dụng một loại máy bay không người lái tầm cao trung bình và bay dài, ngoài ra còn một vài loại đang nghiên cứu chế tạo.

Pakistan, một nước ở phía tây bắc Ấn Độ, là nơi máy bay không người lái Mỹ thường xuyên tấn công các phần tử cực đoan Hồi giáo, họ tìm cách sở hữu hệ thống không người lái chiến thuật tầm cao trung bình, có thể bắt tay với Trung Quốc phát triển loại trang bị này.

Máy bay vũ trang không người lái Dực Long Trung Quốc, giống hệt máy bay không người lái Predator của Mỹ.
Máy bay vũ trang không người lái Dực Long Trung Quốc, giống hệt máy bay không người lái Predator của Mỹ.
Việt Dũng