Khách hàng có quyền khởi kiện vì nước sinh hoạt lẫn dầu thải

16/10/2019 06:00
Nhật Minh
(GDVN) - Khách hàng sử dụng nước có mùi khét hoàn toàn đủ cơ sở để yêu cầu đơn vị cung cấp nước phải bồi thường thiệt hại.

Tại buổi giao báo chí do Thành ủy Hà Nội tổ chức ngày 15/10, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đã thông tin chính thức về việc nước sinh hoạt của người dân tại các khu vực Hà Đông, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm… có mùi khét nồng nặc, có váng dầu.

Theo đó, tại khu vực đầu nguồn tại khe núi tại xã Phú Minh, Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình có dấu hiệu đổ dầu nhớt thải trộm. Chất thải dầu này đã chảy lan ra suối rồi chảy vào hồ Đầm Bài (là hồ chứa nước để cấp cho nhà máy nước sạch sông Đà).

Luật sư Diệp Năng Bình khẳng định người dân hoàn toàn có quyền khởi kiện đơn vị cung cấp nước có lẫn dầu nhớt. Ảnh: Luật sư cung cấp
Luật sư Diệp Năng Bình khẳng định người dân hoàn toàn có quyền khởi kiện đơn vị cung cấp nước có lẫn dầu nhớt. Ảnh: Luật sư cung cấp

Mùi khét mà người dân phản ánh là do chất Styren (chất trong dầu thải-phóng viên) vượt quá giới hạn cho phép gây ra.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật đã giải đáp thắc mắc của nhiều độc giả báo, những người sử dụng nước mùi khét có thể khởi kiện đòi bồi thường.

Luật sư Diệp Năng Bình cho rằng, Công ty cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) biết có dầu thải tràn vào nguồn nước mà vẫn cho sản xuất là hành vi hết sức đáng lên án và cần phải xử lý theo quy định pháp luật.

Việc xử lý như thế nào sẽ phụ thuộc vào mức độ sai phạm và hậu quả xảy ra. Tùy vào hậu quả xảy ra mà hành vi này có thể bị xử lý kỷ luật, bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về khía cạnh người dân tại các quận phải sử dụng nước có chất Styren (chất từ dầu thải – phóng viên) mấy ngày qua, họ hoàn toàn có thể khởi kiện đơn vị bán nước cho họ là Công ty nước sạch Hà Đông và Công ty Viwaco. Hai công ty này mua nước sạch từ Công ty Viwasupco để bán cho người dân.

Phát hiện dầu thải trong nước nhưng không ngăn chặn, không báo cáo
Phát hiện dầu thải trong nước nhưng không ngăn chặn, không báo cáo

Hiện nay, chất lượng nước sinh hoạt phải đảm bảo theo quy định tại Thông tư 41/2018/TT-BYT (Thông tư 41) ban hành Quy chuẩn về chất lượng nước sạch sinh hoạt.

Theo quy định tại Điều 2 Thông tư 41 quy định về kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt, kết quả thử nghiệm các thông số chất lượng nước sạch quy định tại Khoản 2 và 3 Điều 5 của Quy chuẩn ban hành kèm theo Thông tư này phải được đơn vị cấp nước công khai trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày có kết quả trên trang thông tin điện tử của đơn vị cấp nước các nội dung sau:

Tổng số mẫu nước thử nghiệm và các vị trí lấy mẫu; Các thông số và kết quả thử nghiệm cụ thể của từng mẫu nước; Biện pháp và thời gian khắc phục các thông số không đạt Quy chuẩn.

Theo quy định tại Điều 7 Thông tư 41, đơn vị cấp nước chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng nước sạch do đơn vị cung cấp; Lưu trữ và quản lý hồ sơ theo dõi về chất lượng nước sạch; Báo cáo biện pháp khắc phục các sự cố liên quan đến chất lượng nước sạch; Công khai thông tin về chất lượng nước sạch;…

Đã 1 tuần trôi qua, nhưng nước tại hồ Đồng Bãi vẫn bốc mùi khét, không rõ đây là loại dầu thải gì và tác hại ra sao. Ảnh: Báo infonet.
Đã 1 tuần trôi qua, nhưng nước tại hồ Đồng Bãi vẫn bốc mùi khét, không rõ đây là loại dầu thải gì và tác hại ra sao. Ảnh: Báo infonet.

Đại diện Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đã cho biết tại giao ban báo chí Thành ủy là kết quả kiểm tra nước do Trung tâm kiểm soát bệnh tật Sở Y tế Hà Nội đã xác định các mẫu xét nghiệm đều có hàm lượng Styren thuộc nhóm các chỉ tiêu giám sát mức độ C, cao hơn giới hạn cho phép (20mg/l) theo QCVN 01:2009/BYT từ 1,3 đến 3,65 lần.

Các chỉ tiêu giám sát nước độ A: 8/8 mẫu nước đạt quy chuẩn đối với 14/15 chỉ tiêu giám sát. Chỉ tiêu mùi vị là không đạt.

Cơ quan chức năng cũng khẳng định, từ kết quả xác minh, kết quả giám định xác định mùi “khét” có tại trong nguồn nước tại các nhà dân trong toàn bộ khu vực cấp nước của nhà máy tại các quận: Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông, Nam Từ Liêm… là do chất Styren có từ dầu thải gây ra.

Cùng với đó đã có thiệt hại cho khách hàng mua nước từ các công ty này.

Đầu tiên là thiệt hại về tinh thần. Người dân đã hoang mang, lo lắng như thế nào thì ai cũng biết.

Tiếp đó là thiệt hại về kinh tế. Nước này được cơ quan chức năng khuyến cáo rõ ràng là không uống, không nấu ăn.

Người dân nhiều ngày qua đã phải tự đi mua nước đóng bình về để phục vụ sinh hoạt, phải thay bộ lõi lọc cho các máy lọc nước trong gia đình.

Do đó, hoàn toàn đủ cơ sở để yêu cầu đơn vị cung cấp nước phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật đối với toàn bộ những thiệt hại của người dân.

Khách hàng mua nước của công ty nước trực tiếp của công ty nào có quyền khởi kiện đơn vị đó. Cụ thể ở đây là công ty nước sạch Hà Đông và Công ty Viwaco.

Khách hàng khởi kiện cũng là việc văn minh.

Tại giao ban báo chí do Thành ủy Hà Nội tổ chức ngày 15/10, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã 2 lần đặt câu hỏi với đại diện công ty nước sạch Hà Đông và Công ty Viwaco: "Người dân mua nước từ công ty nước sạch Hà Đông và Công ty Viwaco đã sử dụng nước không đảm chất lượng, không có khuyến cáo nào, đã có thiệt hại về kinh tế. Vậy các công ty có chủ động bồi thường cho người dân?".

Tuy nhiên, phóng viên đã không nhận được bất cứ câu trả lời nào.

Nhật Minh