Khổ vì...mỗi nhà một lon

07/02/2019 06:36
Đỗ Quyên
(GDVN) - Hãy chúc nhau những lời chúc đẹp nhất, ngồi trò chuyện bên tách trà, thưởng thức những món bánh kẹo truyền thống…để cho những ngày xuân càng thêm ý nghĩa.

Vào Nam, tôi quen dần với những hình ảnh, cứ sau một ngày đi làm về thì chiều muộn cánh đàn ông thường tụm năm tụm bảy bên bàn để lai rai nhậu (điều này khá hiếm ở các làng quê miền Bắc).  

Ngày thường, không nhậu thì thôi, đã nhậu không ít người lay lắt “tới bến” mới chịu đứng dậy ra về.

Vào những ngày Tết, thói quen này vẫn được duy trì nhưng thường không nhậu ở một nhà cố định mà ít nhất mỗi nhà một lon.

Rượu bia ngày tết, xin đừng quá đà (Ảnh minh họa: vtv.vn).
Rượu bia ngày tết, xin đừng quá đà (Ảnh minh họa: vtv.vn).

Chỉ một lon thôi đã làm biết bao người “sáng đi tươi tỉnh, chiều về ngả nghiêng” gây nên nhiều hậu quả buồn trong những ngày vui xuân.

 Nếu phong tục ngoài Bắc, khách đi chúc Tết thường ngồi uống nước trà, ăn bánh ngọt dăm mười phút là đứng dậy ra về thì phong tục ở một số địa phương phía Nam lại hoàn toàn khác.

Người ta mời nhau cụng li, cũng mồi nhắm như trong một tiệc nhậu.

Đến nhà nào cũng bia rượu, cũng mồi nhắm đề huề.

Ai cũng mời chào, chèo kéo vô cùng nhiệt tình: “làm vài lon cho vui”… có khách cũng từ chối với nhiều lý do như chở vợ con đi, còn đến thăm nhiều nhà hay đang uống thuốc không thể nhậu được nhưng có lẽ gia chủ sợ không nài nỉ nhiều như thế, sẽ bị đánh giá là ít hiếu khách.

Rượu bia ngày tết, xin đừng quá đà

Nên họ thường bỏ qua những lời từ chối, bia, rượu đồ nhắm được bày sẵn trước mặt:“làm một chút rồi đi đâu thì đi, hay không uống nhiều chỉ một lon cũng được…”.

Hầu như chuyện từ chối là vô cùng hy hữu, khách cũng có lý do: năm mới, gia chủ mời không uống sẽ buồn lòng và mất vui.

Đi một mình còn đỡ, chở vợ con đi chúc Tết nhưng chồng thì cứ hết lon này đến lon khác… người uống ít nhất cũng phải một lon trước khi đứng dậy ra về.

Một buổi sáng nếu đi chúc Tết khoảng dăm nhà thì bao tử cũng nhận ít nhất dăm lon.

 Vào nhà nào cũng những điệp khúc ấy vang lên…Nhà uống bia, nhà mời rượu, có lẽ vì uống “thập cẩm” như thế nên các đấng nam nhi thường say rất nhanh.

Gần trưa (hoặc chiều) thường có một nhà được chọn là "bến tập kết" cuối cùng nên các ông thường cho phép mình uống “thả ga tới bến”, không chỉ uống một lon mà lon này chưa hết, lon khác lại được bật lên…

Bia rượu càng ngấm và càng có những hành động, lời nói khác bình thường. Khi say bia rượu, dẫn đến mất kiểm soát vì thế có nhiều chuyện không hay đã xảy ra tại nhà gia chủ trong ngày đầu xuân.

Người nói, người ca hát, người gào thét…phá vỡ cả không gian vốn phải yên bình, vui vẻ.

Tan tiệc, mọi người ra về trong tình trạng say mèm, chạy xe "bốc" hơn nên sự an toàn treo lơ lửng.

Cũng đã có không ít gia đình ăn Tết trong bệnh viện vì tai nạn giao thông.

Có người quên luôn mình đang chở vợ con mà phóng như bay trên đường.

Rượu xuân quá đà… gan, thận gánh họa

Kết thúc một ngày đi chơi Tết, về nhà cũng tầm nửa đêm, phần đông các ông chồng thường “chân nam đá chân chiêu” miệng lảm nhảm đủ điều và nôn thốc nôn tháo khắp nhà…

Chỉ tội các bà vợ phải “nhắm mắt, nín thở” để dọn bãi chiến trường mà các đức lang quân của họ “tặng cho”.

Người vợ biết nhịn thì nuốt cục tức vào trong cho êm ấm cửa nhà. Người không dằn được cơn giận thế là mọi chuyện đều bung bét hết lên.

Để không còn những chuyện làm buồn lòng gia đình mình và gia đình bạn hay hạn chế những hậu quả đáng tiếc vì rượu bia những ngày Tết, khi khách đến thăm nhà, mọi người đừng nên gạn ép “chỉ một lon cho vui”…

Hãy chúc nhau những lời chúc đẹp nhất, ngồi trò chuyện bên tách trà, thưởng thức những món bánh kẹo truyền thống…để cho những ngày xuân càng thêm ý nghĩa.

Đỗ Quyên