Không đào tạo được phi công, tàu sân bay Liêu Ninh chỉ là đống sắt vụn

02/12/2012 10:14
Việt Dũng (nguồn báo Thanh niên tham khảo, TQ)
(GDVN) - Trung Quốc có các kiểu loại máy bay hải quân chuẩn bị cho tàu sân bay, nhưng ít có người lái chúng.
Trung Quốc vừa cho máy bay chiến đấu hải quân J-15 cất/hạ cánh thử trên tàu sân bay Liêu Ninh
Trung Quốc vừa cho máy bay chiến đấu hải quân J-15 cất/hạ cánh thử trên tàu sân bay Liêu Ninh

Tờ “Thanh niên tham khảo” Trung Quốc dẫn báo Mỹ cho rằng, máy bay chiến đấu J-15 Trung Quốc vừa tiến hành cất/hạ cánh thử trên tàu sân bay đã gây ra sự chú ý cho dư luận, đồng thời thu hút sự chú ý tới lực lượng hàng không của Không quân Trung Quốc.

Bài viết “Triển vọng chương trình hàng không hải quân Trung Quốc” đã đăng tải trên tờ “China in Brief” của Quỹ Jamestown Mỹ, cho rằng, Hải quân Trung Quốc không chỉ chú trọng phát triển các “phần cứng” như tàu sân bay, máy bay chiến đấu hải quân, mà còn phải coi trọng đào tạo phi công hơn, nếu không điểm yếu về nhân lực sẽ hạn chế nghiêm trọng khả năng của lực lượng hàng không - Hải quân Trung Quốc.

Đào tạo nhân lực mới thuộc những bước đi đầu tiên

Tác giả của bài viết này là Daniel Kostecka, nhà phân tích cao cấp của Hải quân Mỹ, một người theo dõi lâu dài sự phát triển của Hải quân Trung Quốc, đã có nhiều bài bình luận về hiện đại hóa của Hải quân Trung Quốc.

Trong bài viết lần này, Kostecka cho rằng, Trung Quốc nhiệt tình chưa từng có trong việc thúc đẩy sự chuyển đổi từ “hải quân nước vàng” sang “hải quân nước xanh” (hải quân xa bờ), đại diện điển hình nhất chính là phát triển tàu sân bay có thể chở máy bay cánh cố định.

Trước đây, Trung Quốc muốn mua máy bay chiến đấu hải quân Su-33 của Nga, nhưng bị từ chối do số lượng mua quá ít
Trước đây, Trung Quốc muốn mua máy bay chiến đấu hải quân Su-33 của Nga, nhưng bị từ chối do số lượng mua quá ít

Ông nói: “Trải qua vài năm gấp rút thi công, Trung Quốc đã hoàn thành biên chế tàu sân bay Liêu Ninh, con tàu được mua từ Ukraine, đồng thời Trung Quốc còn đang chú ý phát triển tàu sân bay nội địa thực sự”.

Cùng với việc trang bị tàu sân bay cũ và chế tạo tàu sân bay mới, lực lượng hàng không của Hải quân Trung Quốc từng bước có dáng dấp.

“Năm 2006, truyền thông Nga cho biết Hải quân Trung Quốc có kế hoạch mua máy bay chiến đấu hải quân cánh cố định Su-33 của Nga, nhưng đến năm 2009, báo Nga tiết lộ, do Trung Quốc và Nga bất đồng quá lớn về số lượng mua, các cuộc đàm phán bị chấm dứt, Trung Quốc từ bỏ phương án mua máy bay chiến đấu hải quân của nước ngoài”.

“Sau đó, trên nền tảng máy bay chiến đấu J-11B tự sản xuất, Trung Quốc đã nghiên cứu chế tạo ra máy bay chiến đấu cánh cố định J-15dựa trên nền tảng Su-33 của Nga, hiện nay hoạt động bay thử của máy bay này có tiến triển thuận lợi… Ngoài máy bay cánh cố định, Trung Quốc còn phát triển máy bay bảo đảm chi viện cho tàu sân bay, chủ yếu nhất là máy bay trực thăng. Mọi dấu hiệu cho thấy, Hải quân Trung Quốc sẽ trang bị các loại máy bay trực thăng như săn ngầm, tìm kiếm, cảnh báo sớm, thông dụng cho tàu sân bay”.

Theo quan điểm của Kostecka, máy bay cánh cố định và máy bay trực thăng được Hải quân Trung Quốc chuẩn bị cho tàu sân bay, tàu tấn công đổ bộ và tàu nổi cỡ lớn “khiến người ta hoa cả mắt”, nhưng vấn đề ở chỗ, “số người có thể lái chúng lại rất hiếm”.

Tàu vận tải đổ bộ Côn Luân Sơn trang bị máy bay trực thăng
Tàu vận tải đổ bộ Côn Luân Sơn trang bị máy bay trực thăng

Kostecka cho rằng: “Hải quân Trung Quốc vẫn nằm ở giai đoạn cất bước trong đào tạo phi công máy bay cánh cố định, không những thiếu kinh nghiệm và kỹ thuật, số lượng nhân viên đủ tiêu chuẩn cũng vô cùng ít ỏi.

Tình hình phi công lái máy bay trực thăng hải quân tốt hơn một chút, nhưng vẫn có khoảng cách rất lớn so với nhu cầu thực tế, thể hiện rõ rệt ở chỗ, tàu chiến mặt nước của Hải quân Trung Quốc thường phải từ bỏ việc mang theo máy bay trực thăng để ra khơi huấn luyện”.

Đào tạo phi công có hệ thống còn đợi quan sát

Bài viết phân tích cho rằng, Trung Quốc rút ra bài học kinh nghiệm trong phát triển tàu sân bay của Nga, tức là đào tạo phi công cho máy bay hải quân phải tiến hành có hệ thống, phải tiến hành nâng cao tố chất tổng thể cho lực lượng hàng không hải quân, mới có thể tạo nền tảng đầy đủ cho đào tạo phi công giỏi cho máy bay hải quân. Đối với Nga, số lượng phi công lái máy bay trang bị cho tàu sân bay còn ít hơn nhà du hành vũ trụ.

Hải quân Trung Quốc thực hiện tư tưởng chỉ đạo “nhân tài đi trước” (nhân lực), từ sớm đã tiến hành lựa chọn và đào tạo phi công lái máy bay hải quân, nhưng bên ngoài biết rất ít tình hình cụ thể. Một thông tin được tuyên truyền rộng rãi là, việc đào tạo phi công tàu sân bay Trung Quốc do Học viện Tàu chiến Đại Liên của Hải quân Trung Quốc phụ trách.

Thông tin này được biết đến khi vào ngày 5/9/2008, báo “Giải phóng quân” Trung Quốc tiết lộ, Học viện Tàu chiến Đại Liên lần đầu tiên thí điểm tuyển chọn 50 học viên phi công.

Máy bay trực thăng Z-8 trang bị cho tàu khu trục 052C Lan Châu, Hải quân Trung Quốc
Máy bay trực thăng Z-8 trang bị cho tàu khu trục 052C Lan Châu, Hải quân Trung Quốc

Bài báo này còn cho biết: “Tốp học viên phi công đầu tiên được nhận sẽ dựa trên chuyên ngành tự động hóa của Học viện Tàu chiến Đại Liên, hoàn thành đào tạo chuyên ngành bay máy bay hải quân 4 năm, chương trình học không chỉ có học các môn chuyên ngành tự động hóa, nắm chắc có hệ thống nền tảng lý luận và phương pháp kỹ năng chuyên ngành tự động hóa, mà sẽ còn tập trung học tập tri thức lý luận nền tảng của tàu chiến và bay”.

Còn theo Kostecka, thông tin này chỉ có thể cho thấy, Hải quân Trung Quốc ngày càng coi trọng đào tạo phi công máy bay hải quân, nhưng không thể xác nhận Học viện Tàu chiến Đại Liên đảm trách nhiệm vụ nặng nề - đào tạo phi công máy bay hải quân cho tàu sân bay.

Ít nhất có thể nói, tốp cốt cán phi công tàu sân bay đầu tiên của Hải quân Trung Quốc không thể là những học viên phi công vừa ra trường, rất có thể đó là những phi công giỏi được lựa chọn từ lực lượng hàng không hiện có của hải quân, rồi tiến hành đào tạo đặc biệt.

Máy bay trực thăng hải quân vẫn là nền móng

Trong một thời gian, sự phân tích của dư luận bên ngoài đối với phi công hải quân Trung Quốc tập trung nhiều hơn vào phi công máy bay cánh cố định, nhưng lại coi nhẹ việc đào tạo phi công máy bay trực thăng.

Máy bay trực thăng cảnh báo sớm Z-8 phiên bản hải quân do Trung Quốc tự chế tạo.
Máy bay trực thăng cảnh báo sớm Z-8 phiên bản hải quân do Trung Quốc tự chế tạo.

Kostecka đã trình bày quan điểm khác: Việc phát triển lực lượng hàng không của Hải quân Trung Quốc trong giai đoạn hiện nay tập trung nhiều hơn vào đào tạo phi công máy bay trực thăng hải quân, bởi vì máy bay trực thăng không chỉ có thể được vận chuyển trên tàu sân bay, mà còn xuất hiện trên các loại tàu chiến cỡ lớn và trung bình khác như tàu khu trục, tàu vận tải đổ bộ (kiểu ụ tàu), tàu tấn công đổ bộ, phạm vi trang bị lớn hơn nhiều so với máy bay cánh cố định.

Không chỉ như vậy, máy bay trực thăng hải quân còn là “sát thủ đa diện trên biển-trên không” thực sự, có thể thực hiện rất nhiều nhiệm vụ như săn ngầm, tìm kiếm, cảnh báo sớm, tiếp tế, chi viện hỏa lực, trong đó phần lớn nhiệm vụ mà máy bay cánh cố định khó mà thay thế.

Đối với Hải quân Trung Quốc hiện nay, lĩnh vực máy bay trực thăng hải quân là một điểm yếu, họ không chỉ thiếu phi công, mà máy bay trực thăng hiện có cũng có tính năng không đầy đủ.

Máy bay trực thăng hải quân Trung Quốc mặc dù có nhiều loại, cỡ, nhưng trình độ máy bay thực thăng Z-8, Z-9 (được sử dụng trên thực tế) vẫn có khoảng cách với thế giới, vì vậy họ buộc phải nhập khẩu sản phẩm hoàn thiện của Nga.

Máy bay trực thăng săn ngầm Z-9EC do Trung Quốc chế tạo
Máy bay trực thăng săn ngầm Z-9EC do Trung Quốc chế tạo

Bài viết cho rằng, quy mô tổ chức, huấn luyện và trang bị càng lớn, khả năng của lực lượng máy bay trực thăng hải quân có tính năng càng cao đã trở thành nhân tố quan trọng trong tiến trình hiện đại hóa của Hải quân Trung Quốc. Nếu Hải quân Trung Quốc muốn trở thành một lực lượng hải quân hiện đại thực sự, thì phải lập tức bắt tay vào giải quyết vấn đề này.

Kostecka nhấn mạnh, trong tương lai, Hải quân Trung Quốc có xây dựng được hệ thống đào tạo hoàn thiện và có hiệu quả hay không – không chỉ là đào tạo phi công, mà còn đào tạo nhân viên quản lý bay cho máy bay hải quân, sẽ trở thành vấn đề then chốt quyết định sự thành bại trong sự phát triển tàu sân bay của Trung Quốc. “Bạn có thể lập tức nhìn thấy được sự tốt, xấu của vũ khí, nhưng tố chất của người sử dụng vũ khí cao hay thấp thì phải có thời gian dài mới đánh giá được”.

Máy bay trực thăng săn ngầm Ka-28 của Hải quân Trung Quốc, do Nga chế tạo.
Máy bay trực thăng săn ngầm Ka-28 của Hải quân Trung Quốc, do Nga chế tạo.
Việt Dũng (nguồn báo Thanh niên tham khảo, TQ)