Không quân Mỹ-Australia tập trận khi quan hệ căng thẳng hơn với TQ

01/09/2014 06:29
Đông Bình
(GDVN) - Mỹ khẳng định vị trí chiến lược của Australia trong chiến lược mới đối với khu vực, nhất là đối phó với Trung Quốc, nước đang trỗi dậy về quân sự.
Máy bay tuần tra săn ngầm P-8A Hải quân Mỹ vừa bị máy bay chiến đấu Trung Quốc gây phiên phức ở Biển Đông (ảnh minh họa)
Máy bay tuần tra săn ngầm P-8A Hải quân Mỹ vừa bị máy bay chiến đấu Trung Quốc gây phiên phức ở Biển Đông (ảnh minh họa)

Trang mạng Bloomberg News ngày 28 tháng 8 đăng bài viết nhan đề "Căng thẳng quan hệ với Trung Quốc trầm trọng hơn, phi công máy bay chiến đấu hiện đại Mỹ đóng ở Darwin-Australia tiến hành huấn luyện tác chiến".

Bài viết cho rằng, ở vùng đất hoang của Australia, phi công máy bay chiến đấu hiện đại Mỹ đang tiến hành huấn luyện tác chiến. Ngoài vài nghìn km về phía bắc, đối đầu giữa Không quân Trung Quốc và Mỹ ngày càng nghiêm trọng.

Theo bài báo, Darwin là chủ nhà của cuộc diễn tập dài 22 ngày, tình hình máy bay chiến đấu gào thét trên bầu trời luôn duy trì liên tục cho đến ban đêm. Rachel Molloy, một người bán roi da cá sấu ở thành phố đêm bãi biển Darwin cho biết: “Máy bay có tiếng ồn lớn, có thể chúng là một phần của cuộc sống”.

Do Trung Quốc đẩy mạnh tuyên bố chủ quyền đối với Biển Đông (một cách bất hợp pháp), cuộc diễn tập 2 năm 1 lần “Pitch Black” nhắc nhở mọi người rằng, không nên coi thường khả năng quân sự của Australia và Mỹ.

Mỹ một mặt thể hiện vai trò đối đầu với Trung Quốc ở châu Á, mặt khác cũng nỗ lực làm giảm rủi ro từ hoạt động trong phạm vi ngày càng áp sát giữa quân đội hai nước.

Australia mua 8 máy bay tuần tra săn ngầm P-8A của Mỹ
Australia mua 8 máy bay tuần tra săn ngầm P-8A của Mỹ

Ngày 19 tháng 8, một máy bay chiến đấu Trung Quốc đã bay áp sát máy bay trinh sát của Mỹ ở vùng biển quốc tế, hai bên cách nhau gần nhất không đến 6 m, hơn nữa máy bay chiến đấu Trung Quốc cũng đã tiến hành động tác bay ngang trước máy bay Mỹ.

Vị trí địa lý được thiên nhiên ưu đãi

Australia cách đảo Hải Nam của Trung Quốc trên 4.200 km, là cánh cửa lớn thông tới các nước châu Á như Ấn Độ và Singapore. Điều này đã cung cấp một ưu thế cho Mỹ: Cách Trung Quốc đủ xa, có thể tránh xảy ra mối đe dọa to lớn; trong khi đó cách Đông Nam Á đủ gần, đã tạo ra một lá chắn đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Nhà nghiên cứu Andrew Carle, Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc phòng, Đại học quốc lập Australia cho rằng: “Tuy Mỹ luôn coi Australia là người bạn có ích, nhưng mấy chục năm qua, Australia bị cho là cách xa khu vực trung tâm thực sự của châu Á. 

Cùng với việc Trung Quốc cấp bách hơn trong việc tuyên bố trỗi dậy nước lớn về lợi ích quốc gia, sự xa xôi này trở nên có lợi hơn, bởi vì điều này đã đem lại một con đường để Mỹ có thể xâm nhập khu vực này trong khi không cần mạo phạm người khác”.

Theo bài báo, thành phố 130.000 dân Darwin bị Nhật Bản bắn phá điên cuồng trong Chiến tranh thế giới thứ hai, cũng đã chứng kiến quan hệ đồng minh dài 60 năm Mỹ-Australia. 

Mỹ hiện nay đã triển khai 1.200 quân lực lượng tinh nhuệ ở thành phố này, có kế hoạch tiếp tục tăng gấp đôi trước năm 2020, tăng cường diễn tập bắn đạn thật và tăng các chuyến thăm hải quân.

Australia đặt mua 58 máy bay tấn công liên hợp F-35A của Mỹ (ảnh minh họa)
Australia đặt mua 58 máy bay tấn công liên hợp F-35A của Mỹ (ảnh minh họa)

Bài báo cho biết, tháng 11 năm 2011, Barack Obama trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Darwin, trong khi đó Chính phủ Australia đang tăng cường chi tiêu quốc phòng của nền kinh tế lớn thứ 12 thế giới này. Trước đó, chi tiêu quốc tế của họ nằm ở điểm thấp nhất kể từ năm 1938 đến nay.

Sĩ quan liên lạc Jewell Powell Thủy quân lục chiến Mỹ cho rằng, tuy mua sắm quốc phòng là trụ cột của quan hệ Mỹ-Australia, Australia chi 11,6 tỷ USD đặt mua 58 máy bay chiến đấu tấn công liên hợp F-35 do Công ty Lockheed Martin chế tạo, nhưng trọng điểm vẫn là tổ chức diễn tập quân sự ở căn cứ của Australia.

Khi trả lời phỏng vấn tại Thủ đô Canberra, Australia, Jewell Powell cho rằng: “Chúng tôi đến đây, huấn luyện sát thực tế là chưa từng có. 

Ngoài ra, chúng tôi có thể hợp tác với Quân đội Australia, nhất là khi triển khai hành động đổ bộ với họ, hai bên chúng tôi có thể tiến hành giao lưu về kỹ thuật và quy trình/thủ tục”.

Bài báo cho rằng, là một phần của kế hoạch “xoay trục” sang châu Á với trọng điểm về chiến lược và kinh tế, Mỹ dốc sức mở rộng luân phiên máy bay chiến đấu ném bom của không quân ở khu vực lãnh thổ phía bắc của Australia – diện tích khu vực này gấp đôi bang Texas của Mỹ, dân số 233.000 người, Darwin thuộc khu vực này.

Máy bay ném bom B-52 tham gia huấn luyện Pitch Black, cất cánh từ căn cứ không quân ở Darwin, Australia
Máy bay ném bom B-52 tham gia huấn luyện Pitch Black, cất cánh từ căn cứ không quân ở Darwin, Australia

Australia tăng cường giao lưu với Trung Quốc

Bộ trưởng Quốc phòng Australia David Johnston cho biết: "Họ đang nghiên cứu lợi ích lớn nhất có thể thu được từ khu vực diễn tập của chúng tôi là gì; tìm hiểu nhiệm vụ gì họ có thể làm cho đầu tư thu được lợi ích tối đa".

Theo bài báo, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang cải tổ Quân đội Trung Quốc, tăng cường khả năng không quân, mở rộng hiện diện hải quân. Hậu quả là làm gia tăng khả năng xảy ra đụng độ kiểu Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và các nước đồng minh như Nhật Bản với Trung Quốc.

Bài báo cho rằng, trong thời điểm Trung Quốc đẩy mạnh tuyên bố chủ quyền (bất hợp pháp), đẩy quân đội từ bờ biển ra biển xa, thì việc duy trì hiện diện rõ ràng làm cho Mỹ triển khai máy bay trinh sát mới nhất P-8 ở Thái Bình Dương. Tuần này, Mỹ đã ký một hợp đồng, từ năm 2017 trở đi bàn giao cho Australia 8 máy bay tuần tra P-8 Poseidon do hãng Boeing sản xuất, thay thế cho máy bay tuần tra trên biển AP-3C Orion.

Cùng với việc phát triển quan hệ quân sự với Mỹ và Nhật Bản, Australia cũng đang tìm cách duy trì quan hệ kinh tế với Trung Quốc, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của họ. Sau khi Ngoại trưởng Australia Bishop phê phán Trung Quốc (đơn phương) lập ra Khu nhận biết phòng không biển Hoa Đông vào tháng 11 năm 2013, quan hệ hai nước đã trở nên căng thẳng.

Lực lượng máy bay JAS-39CD Không quân hoàng gia Thái Lan tham gia diễn tập Pitch Black 2014
Lực lượng máy bay JAS-39CD Không quân hoàng gia Thái Lan tham gia diễn tập Pitch Black 2014

Theo bài báo, vào tháng 2, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã tiến hành giải thích về việc lần đầu tiên tổ chức diễn tập hải quân ở vùng biển giữa Australia và Indonesia, cho rằng cuộc diễn tập này là "huấn luyện bình thường". Hoạt động diễn tập lần này của Quân đội Trung Quốc cách Australia gần nhất.

Tuy Trung Quốc không tham gia "Pitch Black", nhưng đã tham dự với tư cách quan sát viên quốc tế. Hơn nữa, năm 2014, họ đã tham gia diễn tập quân sự trên biển Vành đai Thái Bình Dương do Mỹ tổ chức. 

Tháng 10, Trung Quốc sẽ lần đầu tiên tham gia một cuộc diễn tập liên hợp nhỏ giữa Mỹ và Australia được tổ chức ở khu vực miền bắc Australia.

Bộ trưởng Quốc phòng Australia Johnston cho rằng, động thái này "đáng phấn khởi". Ông nói: "Họ rất có khả năng tạo ra sự hài hòa, đã đặt nền tảng thích hợp cho tiếp xúc trong tương lai".

Đông Bình