Không quân Mỹ-Nhật-Australia tập trận ở Guam ngăn chặn Trung Quốc

03/03/2014 11:05
Đông Bình
(GDVN) - Mỹ và đồng minh tăng cường quy mô diễn tập, luyện tập không chiến và tập kích đường không, tạo ra mối đe dọa rất lớn đối với Trung Quốc.
Máy bay chiến đấu tàng hình F-35B Mỹ cất cánh cự ly ngắn
Máy bay chiến đấu tàng hình F-35B Mỹ cất cánh cự ly ngắn

Ngày 28 tháng 2 dẫn tờ "Jane's Defense Weekly" Anh ngày 26 tháng 2 đưa tin, từ ngày 17 đến ngày 28 tháng 2, Không quân Mỹ đã tổ chức tập trận chung ba bên mở rộng ở căn cứ không quân Anderson, Guam, có sự tham gia của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản và Không quân Australia.

Cuộc diễn tập "Đối kháng phương bắc 2014" lần này tại Guam có quy mô lớn nhất so với các cuộc diễn tập thường niên các năm trước đây, có 89 máy bay và 1.900 nhân viên tham gia, trong khi đó, cuộc diễn tập này năm 2013 chỉ có 50 máy bay tham gia.

Bài báo dẫn lời sĩ quan chỉ huy quân Mỹ tham gia diễn tập - thượng tá John Parker nói với phóng viên rằng: "Đối với chúng tôi, đây chủ yếu là một cuộc diễn tập không quân tương tác và học tập lẫn nhau, đồng thời sẽ diễn tập hành động tác chiến máy bay quy mô lớn".

Các loại máy bay như máy bay chiến đấu, máy bay ném bom, máy bay vận tải, máy bay tiếp dầu trên không và máy bay cảnh báo sớm đều đã tham gia diễn tập.

Theo bài báo, năm 2014 là lần đầu tiên Không quân Hàn Quốc tham gia diễn tập quân sự "Đối kháng phương bắc", cho dù họ chỉ có 1 máy bay tham gia bộ phận cứu trợ nhân đạo và cứu nạn. Bất kể thế nào, Hàn Quốc và Nhật Bản rất ít khi cùng tiến hành diễn tập quân sự.

Máy bay ném bom chiến lược B-52 và máy bay chiến đấu F-16 của Không quân Mỹ
Máy bay ném bom chiến lược B-52 và máy bay chiến đấu F-16 của Không quân Mỹ

New Zealand và Philippines là nước quan sát của phần cứu trợ nhân đạo và cứu nạn, sau khi nhiều bên cùng tham gia chiến dịch cứu trợ cơn bão Haiyan của Philippines, phần này được cho là quan trọng hơn.

Bài báo cho rằng, việc tăng cường quy mô diễn tập năm 2014 làm cho người ta càng tin rằng, Mỹ đang dốc sức khuyến trương quân sự nhằm vào Trung Quốc, cùng với Nhật Bản và Australia tạo nên một "tập đoàn an ninh" mạnh hơn (phiên bản NATO thu nhỏ).

Trong vài tháng gần đây, Chính phủ 3 nước này luôn phối hợp bày tỏ lo ngại đối với việc Trung Quốc thiết lập Khu nhận biết phòng không trên biển Hoa Đông.

Tờ "Tin tức Trung Quốc" trước đó cũng có bài viết cho rằng, mặc dù bị ảnh hưởng bởi việc Thủ tướng Nhật Bản thăm đền Yasukuni, nhưng lần nay hai nước Nhật Bản, Hàn Quốc cùng tham gia diễn tập chung đã phản ánh sự coi trọng của Nhật-Mỹ-Hàn đối với hợp tác an ninh nhằm vào CHDCND Triều Tiên.

Theo bài báo, trong cuộc diễn tập lần này, Quân Mỹ có khoảng 1.200 người, Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản có khoảng 430 người, Quân đội Australia có khoảng 240 người, ngoài ra còn có khoảng 50 máy bay, trong đó có máy bay chiến đấu. Hàn Quốc có khoảng 25 người và 1 máy bay vận tải tham gia diễn tập.

Máy bay chiến đấu F-2 Nhật Bản tham gia diễn tập "Đối kháng phương bắc"
Máy bay chiến đấu F-2 Nhật Bản tham gia diễn tập "Đối kháng phương bắc"

Đài phát thanh truyền hình Đại Liên, Trung Quốc ngày 17 tháng 2 cũng có bài viết dẫn lời chuyên gia quân sự Tống Trung Bình cho rằng, diễn tập “Đối kháng phương bắc” là một cuộc diễn tập thường niên, được tiến hành từ năm 1978, trước đây mỗi năm tổ chức 2-4 lần.

Nhưng sau khi Liên Xô sụp đổ, kẻ thù giả tưởng của Mỹ, Nhật Bản không còn tồn tại, vì vậy đã trở thành diễn tập thường niên, mỗi năm tổ chức một lần.

Theo Tống Trung Bình, trước đây, Mỹ chủ yếu điều Hải quân tiến hành diễn tập quân sự liên hợp với Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản, đối tượng là Liên Xô, nên nơi diễn tập đã lựa chọn căn cứ không quân Misawa, nơi cách Hokkaido tương đối gần. Đây cũng là một căn cứ chủ yếu của lực lượng hàng không Hải quân Mỹ.

Sau này, khu vực diễn tập chuyển đến căn cứ quân sự Kadena và Naha của Nhật Bản, hành động này không chỉ nhằm vào Liên Xô, phần nhiều hơn là nhằm vào CHDCND Triều Tiên và Trung Quốc.

Sau này, Mỹ và Nhật Bản lại chuyển cuộc diễn tập này tới căn cứ Guam của Mỹ và duy trì nó cho đến nay.

Nhìn vào khoa mục diễn tập, chủ yếu bao gồm 2 giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất là cứu trợ nhân đạo vào cứu nạn. Giai đoạn thứ hai là không chiến và một số khoa mục tác chiến như tập kích đường không.

Như vậy, từ khoa mục tác chiến sẽ thấy họ không triển khai tấn công đánh đòn phủ đầu đối với khu vực, quốc gia nào, khẳng định rằng khi Liên Xô tiến hành tập kích đường không đối với Nhật Bản, thì trước hết sẽ tiến hành cứu trợ nhân đạo, cứu nạn, sau đó mới tiến hành đáp trả.

Máy bay chiến đấu F-35 tại căn cứ thử nghiệm Eglin của Không quân Mỹ (ảnh minh họa, nguồn mạng sina Trung Quốc)
Máy bay chiến đấu F-35 tại căn cứ thử nghiệm Eglin của Không quân Mỹ (ảnh minh họa, nguồn mạng sina Trung Quốc)

Trong đáp trả, đáng chú ý là, tiến hành không chiến với máy bay chiến đấu đối phương, sau khi đoạt được quyền kiểm soát trên không thì tiến hành tấn công đối với căn cứ quân sự của đối phương và một số mục tiêu quân sự khác, tức là áp dụng phương thức tập kích đường không tấn công mạnh mẽ đối phương.

Như vậy, tính chất chiến đấu thực tế của cuộc diễn tập là rất mạnh, có sự tham gia của các máy bay chiến đấu chủ lực của Mỹ và Nhật Bản.

Về việc lần đầu tiên Hàn Quốc tham gia cuộc diễn tập này, không tham gia một số hoạt động diễn tập chiến đấu thực tế như không chiến, mà chỉ tham gia phần cứu trợ nhân đạo và cứu nạn, Tống Trung Bình cho rằng, đối với Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản cùng tham gia diễn tập là điều vui mừng của họ, bởi vì Mỹ luôn đề xướng thiết lập đồng minh quân sự ba nước Mỹ-Nhật-Hàn, nhưng giữa Nhật-Hàn tồn tại vấn đề lịch sử, nên hai bên rất khó đạt được thỏa thuận.

Tuy nhiên, đối với Mỹ, họ hy vọng thông qua diễn tập quân sự nhiều tầng nấc ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương để liên kết hai nước này với nhau như diễn tập “Hổ mang vàng”, “Vành đai Thái Bình Dương”, thực chất là Mỹ hy vọng ba nước này có thể cùng hình thành một khả năng đối kháng quân sự. Cuộc diễn tập năm 2014 cũng thể hiện tư tưởng này.

Máy bay chiến đấu F-35 tại căn cứ thử nghiệm Eglin của Không quân Mỹ ngày 25 tháng 2 năm 2014
Máy bay chiến đấu F-35 tại căn cứ thử nghiệm Eglin của Không quân Mỹ ngày 25 tháng 2 năm 2014

Theo Tống Trung Bình, năm nay, Hàn Quốc lần đầu tiên tham gia diễn tập “Đối kháng phương bắc”, họ hiện chỉ có thể tham gia giai đoạn 1 để làm quen, dựa trên mục tiêu dần dần từng bước, trước hết đến để học tập, tham khảo, sau đó sẽ tham gia sâu hơn, đây vốn cũng là một sự sắp xếp của Mỹ.

Tống Trung Bình cho rằng, bán đảo Triều Tiên là một thùng thuốc súng quan trọng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong tương lai, trong tình hình đó, rất có thể Hàn Quốc sẽ đối mặt với cuộc tấn công quân sự của CHDCND Triều Tiên, cho nên tính chất của tập trận “Đối kháng phương bắc” cũng tương đối phù hợp với một đặc trưng của bán đảo Triều Tiên.

Do đó, Hàn Quốc hy vọng thông qua phương thức đồng minh quân sự Mỹ-Hàn, đặt mô hình chiến tranh – mô hình đối kháng này vào bán đảo Triều Tiên, có lợi cho bản thân. Như vậy, Hàn Quốc tham gia cuộc diễn tập này là vừa có sự kiểm soát của Mỹ và vừa có nhu cầu lợi ích thực tế tự thân.

Theo Tống Trung Bình, trong giai đoạn hiện nay, cuộc diễn tập này được tiến hành ở Guam cho thấy, đối tượng tác chiến đã đa dạng hơn, gồm cả Nga, Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên.

Cuộc diễn tập này nhằm tôi luyện cho Quân đội Mỹ cũng như Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản. Trong tình hình căng thẳng Trung-Nhật liên quan đến vấn đề đảo Senkaku ngày càng gay gắt hiện nay, việc Mỹ giúp Nhật Bản luyện không chiến và tập kích đường không đã tạo ra mối đe dọa rất lớn cho Trung Quốc.

Cụm máy bay chiến đấu tàng hình F-35 Mỹ tại căn cứ thử nghiệm Eglin Mỹ (ảnh minh họa)
Cụm máy bay chiến đấu tàng hình F-35 Mỹ tại căn cứ thử nghiệm Eglin Mỹ (ảnh minh họa)

Tống Trung Bình nhấn mạnh, vì vậy, Trung Quốc cần tìm mọi cách nghiên cứu tìm hiểu các khoa mục diễn tập, trong đó có các chỉ tiêu kỹ thuật tác chiến. Đáng chú ý, năm nay, Trung Quốc đã tham gia làm quan sát viên đối với cuộc tập trận đa quốc gia “Hổ mang vàng” do Mỹ-Thái Lan tổ chức.

Trong tương lai, nếu Mỹ có mời tham gia các cuộc diễn tập khác như “Đối kháng phương bắc” thì Trung Quốc cũng nên tham gia, vì đó là “cơ hội tốt” để tìm hiểu, nghiên cứu, hơn nữa cũng học được những kinh nghiệm tiên tiến.

Ngoài ra, theo Tống Trung Bình, Trung Quốc cũng cần để cho các chỉ huy của họ thông qua một loạt các cuộc diễn tập trong nước để tăng cường khả năng chiến đấu thực tế, thông qua tổ chức diễn tập quân sự quy mô lớn với Nga và các nước láng giềng khác để tôi luyện khả năng tác chiến, từ đó mới có khả năng không chiến với đối phương.

Đông Bình