Kỳ 3: Dân “làng kinh hoàng” lập chốt, góp tiền mua vũ khí

22/04/2011 10:55
(GDVN) - Trước sự manh động của nhóm côn đồ không rõ danh tính, người dân hai thôn đã tập hợp thanh niên “lập chốt”, tự giác góp tiền mua khí.

(GDVN) - Quá hoảng sợ trước sự manh động của nhóm côn đồ không rõ danh tính, người dân hai thôn Giai Phạm và Yên Phú đã tập hợp thanh niên “lập chốt”, tự giác góp tiền mua vũ khí, ngày đêm canh giữ khắp các cửa ngõ vào thôn…

Lời kêu cứu từ "ngôi làng sợ hãi" ở Hưng Yên

Kỳ 2: Kí ức kinh hoàng từ “ngôi làng sợ hãi” tại Hưng Yên

Góp tiền mua vũ khí.

Theo phản ánh của người dân hai thôn Giai Phạm và Yên Phú (Yên Mỹ, Hưng Yên) thì do “địch” ở chỗ tối, thường ập vào làng lúc nửa đêm, đi xe không gắn biển số; còn “ta” ở chỗ sáng nên việc nhận diện ra “địch” là hết sức khó khăn.

“Hơn 1 tuần nay tất cả các hộ kinh doanh, các hộ dân cứ 7-8 giờ tối là “cửa đóng then cài”, không ai dám ra ngoài. Là người đi làm ăn xa, lâu lâu mới có dịp trở về thăm quê. Chứng kiến cảnh người dân hốt hoảng, lo sợ mỗi khi đêm về tôi thấy xót xa quá. Đã qua cái thời chiến tranh loạn lạc rồi, vậy mà giờ cả làng tôi như đang ở trong trạng thái chống giặc vào càn quét làng mạc”, anh Cảnh, người thôn Giai Phạm cho biết.

Ông Phạm Thanh Xuân- Phó chủ tịch UBND xã Giai Phạm trong buổi họp dân
Mặc dù trường học ngay gần nhà nhưng hàng ngày các bậc phụ huynh
vẫn phải đưa đón con đến trường

Để tận mắt chứng kiến cảnh “rào làng chống giặc” của người dân mỗi khi đêm xuống, phóng viên đã xin được ở nhờ nhà một người dân thôn Yên Phú.

Đúng như lời phản ánh của người dân. Nếu ban ngày, cảnh buôn bán diễn ra sầm uất bao nhiêu thì khi màn đêm buông xuống lại trở nên vắng vẻ bấy nhiêu. Đường làng không một bóng người, cảnh vật yên tĩnh đến kì lạ.

“Dạo chưa có bọn côn đồ về gây sự, buổi tối là thời gian nhộn nhịp, vui vẻ nhất của chúng tôi. Ban ngày ai cũng bận làm ăn buôn bán, tối về mới có dịp đi loanh quanh sang nhà hàng xóm ngồi uống nước chè, nói chuyện làm ăn, chuyện làng chuyện xã; sinh viên trọ học thì đi lại nói cười rộn rã. Nhưng giờ tối đến đi làm về, ăn uống xong là nhà nào biết nhà nấy, khoá kín cửa từ bên trong”, anh Thanh, bảo vệ an ninh thôn Giai Phạm cho biết.

Không chỉ đề phòng vào buổi tối, từ khi xảy ra sự việc em Lê Văn Kiên, học sinh lớp 10 trường THPT Mĩ Hào bị chém, tất cả những bậc phụ huynh thôn Giai Phạm và Yên Phú đều phải trực tiếp đưa đón con đi học, dù trường học chỉ cách nhà…vài chục mét.

“Là cán bộ làm việc trong UBND xã nên tôi đề phòng đến mức cao nhất cho tính mạng của con mình, bởi cách đây mấy hôm bọn côn đồ đã ngang nhiên thách thức rằng: hễ gặp con em cán bộ xã, thôn là chém. Cả gia đình giờ lâm vào cảnh nháo nhác, tôi phải nhờ chú em cùng đưa cháu đi học, để cháu ngồi kẹp ở giữa, tránh chuyện bất trắc xảy đến…”, một cán bộ xã cho biết.

Trong khi “dài cổ chờ đợi” chính quyền xã giải quyết vấn nạn, người dân hai thôn phải thành lập đội tự quản. Người dân tự giác góp tiền mua vũ khí và…động viên anh em đội tự quản. “Nhà thì 100 nghìn, có nhà góp đến vài triệu đồng. Chính quyền chưa vào cuộc thì chúng tôi đành tìm cách tự bảo vệ mình thôi…”, một thanh niên trong đội tự quản cho biết.

Theo quan sát của phóng viên thì vũ khí mà người dân tự trang bị cho mình là những ống tuýp inox dài hơn mét, một đầy được làm nhọn hoặc gắn dao, kiếm.

Canh “địch” trên…mái nhà

Kim đồng hồ đã nhích sang ngày mới, phóng viên đang ngồi nói chuyện với anh Thanh, cán bộ an ninh thôn Yên Phú thì có tiếng kẻng dồn dập. Tôi ngạc nhiên hỏi: “Kẻng gì thế hả anh”.

“Kẻng báo có kẻ lạ đấy chị ạ, thanh niên trong làng giờ phải bỏ cả làm ăn để ở nhà bảo vệ làng. Chúng tôi chia thành từng tốp nhỏ canh giữ tất cả cách cửa ngõ vào thôn, buổi tối hễ có người lạ vào là phải hỏi giấy tờ, chứng minh thư, nếu không thấy gì khả nghi mới cho vào thôn. Chúng  tôi cũng chặn cấm tất cả các taxi đưa khách vào làng buổi tối, vì đã có lần bọn côn đồ đi taxi vào làng…”, một thanh niên thôn Giai Phạm cho biêt.

“Chúng tôi cũng trang bị mỗi nhóm một cái kẻng báo, hễ “có động” là gõ kẻng để tất cả mọi người dân đều biết mà cảnh giác. Còn khi nào nghe tiếng kẻng gõ dồn dập thì đấy là hiệu lệnh cấp báo mọi anh em tự quản tập trung quân về bên gõ kẻng để “chiến đấu”. Cả đêm chúng tôi không ngủ để người già, phụ nữ, trẻ em trong thôn được giấc ngủ ngon…”, một thanh niên thôn Yên Phú tiếp lời.

Không những chỉ lập các bốt canh, “đội tự quản” còn phân chia một số thanh niên có nhiệm vụ “thị sát” trên…mái nhà.

Khi được hỏi: Nếu có kẻng, làm sao phân biệt được kẻng ở ngõ nào mà “tập trung quân” thì phóng viên nghe được câu trả lời: “Chị cứ ở vào hoàn cảnh của chúng tôi đi, sẽ phân biệt được hết. Lúc ấy tinh thần đoàn kết lên cao, mọi giác quan đều nhạy bén hơn…”.

Mặc dù trường học ngay gần nhà nhưng hàng ngày các bậc phụ huynh vẫn phải đưa đón con đến trường
Ông Phạm Thanh Xuân - Phó chủ tịch UBND xã Giai Phạm trong buổi họp dân

Và để tiếp sức cho “người trẻ” làm nhiệm vụ thì những người già, phụ nữ cũng phân công nhau nấu mì gói hay cháo để...bồi dưỡng và khích lệ tinh thần “quân sĩ”…
“Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, phụ nữ chúng tôi cũng chuẩn bị tinh thần giúp anh em thanh niên “chiến đấu” với bọn côn đồ…”, bác Bốn đại diện phụ nữ thôn Yên Phú nói.

Cảnh người dân thôn Giai Phạm và Yên Phú về đêm không khỏi khiến nhiều người liên tưởng đến cảnh làng quê Việt Nam những năm chống giặc ngoại xâm.

Tại cuộc họp giữa UBND xã Giai Phạm với bà con nhân dân hai thôn Giai Phạm và Yên Mĩ ngày 20/4, ông Phạm Thanh Xuân- Phó chủ tịch UBND xã Giai Phạm cho biết: Chúng tôi đã báo cáo sự việc xảy ra ở Giai Phạm và Yên Phú lên công an Huyện yêu câu phía công an huyện huy động lực lượng hỗ trợ công an xã để nhanh chóng tìm ra nhóm côn đồ, trả lại cuộc sống bình yên cho người dân.

Thanh Nguyên

(Còn nữa)