Kỳ án hiếp dâm: "Tôi không biết đâu là "huyệt trai trinh"

21/12/2011 06:42
Thảo Lăng
(GDVN) - Giáo sư Nguyễn Tài Thu khẳng định, trong y học cổ truyền và châm cứu, không có cách nào để xác định một người nam còn “tân” hay không còn “tân”.
Vụ án hiếp dâm của ba anh em chú cháu họ nhà Nguyễn Đình ở Hà Đông cách đây 10 năm tưởng chừng như đã được khép lại khi 1/2010, Viện KSND tối cao đã ra quyết định kháng nghị, đề nghị hội đồng Thẩm phán TANDTC xét xử giám đốc thẩm, tuyên hủy bản án sơ thẩm, phúc thẩm và tuyên 3 bị cáo vô tội. Nhưng 7/12 vừa qua, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã bác bỏ kháng nghị trên, khiến cho vụ án một lần nữa trở thành tâm điểm của  dư luận.

Điều trở thành nghi vấn lớn nhất một lần nữa trở thành tâm điểm là liệu có tồn tại cái gọi là “Huyệt trai trinh” như lời của lương y Phạm Thị Hồng, người đã lặn lội hết các sở, ban nghành liên quan để kêu oan cho 3 thanh niên. Để tìm hiểu điều này, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với giáo sư Nguyễn Tài Thu, một trong những chuyen gia hàng đầu về châm cứu nói riêng, y học cổ truyền nói chung ở nước ta.
Giáo sư Nguyễn Tài Thu, chuyên gia đầu ngành về y học Cổ truyền ở Việt Nam
Giáo sư Nguyễn Tài Thu, chuyên gia đầu ngành về y học Cổ truyền ở Việt Nam


Ngay từ đầu cuộc trao đổi, giáo sư khẳng định, trong y học cổ truyền và châm cứu, không có cách nào để xác định một người nam còn “tân” hay không còn “tân”. Lý giải kỹ hơn về điều này, ông nói: Nam giới tầm 14, 15 tuổi đã có khả năng xuất tinh.

Họ có thể xuất tinh bằng nhiều cách, hoặc ngủ tự xuất tinh, hoặc thủ dâm mà xuất tinh. Mà xuất tinh có nghĩa là không còn tân. Vì thế, theo logic, không có chuyện con trai trưởng thành mà còn tân. Kể cả là một người con trai chưa bao giờ xuất tinh, cũng không có cách nào phân biệt.

Về hai loại huyệt dương minh và ế phong mà lương y Phạm Thị Hồng đã nhắc tới khi “giải oan” cho 3 bị cáo trong vụ hiếp dâm, ông nói: Trong y học cổ truyền, không có huyệt nào tên là dương minh. Chỉ có kinh dương minh, bao gồm thủ dương minh đại trường và tức dương minh vị. Đây là những huyệt liên quan tới đường tiêu hóa. Y học cổ truyền dựa vào kinh dương minh để chữa bệnh tiêu hóa.

Có huyệt ế phong nằm dưới tai, nhưng là huyệt liên quan tới trí lực và các vấn đề của tai như ù tai, điếc tai…ông chưa bao giờ nghe ai nói đây là “huyệt trai trinh”.

Chốt lại vấn đề, giáo sư  Nguyễn Tài Thu nói thêm, về chuyện giải oan của bà Phạm Thị Hồng, ông đã biết tới nhiều năm nay, nhưng điều mà bà Hồng nói, ông chưa từng biết tới. Những vấn đề y học cổ truyền mà ông không biết, có lẽ ở Việt Nam cũng không ai có thể chứng minh được.
                                                                                                                                            






 

Thảo Lăng