Kỷ luật - Cơ chế "đau" để bảo vệ xã hội con người

15/05/2017 09:03
Phạm Mạnh Hà
(GDVN) - Cuộc sống của con người luôn phải chịu một chế tài cực kỳ khắt khe của tạo hóa. Luật của tự nhiên bắt người ta phải trả giá rất đắt cho mỗi sai lầm của mình.

Vừa qua tình hình thời sự trong nước đã liên tục phải cập nhật đến một hiện tượng hết sức đáng lo ngại, đó là sự vô kỷ luật ở nhiều lĩnh vực, trong các tầng lớp xã hội.

Hầu như, đi đâu người ta cũng thấy có chuyện vô kỷ luật, như làm dự án thì thua lỗ nghìn tỉ, phát triển kinh tế thì gây thảm họa ô nhiễm môi trường,

Đề bạt cán bộ thì tìm người nhà thay vì tìm người tài, lên bục phát biểu chống tham nhũng mà vừa dời bục xuống đã nhận phong bì, tai nạn giao thông như cơm bữa, chữa bệnh thì có chỗ lành thành què, sản xuất thực phẩm thì cả bằng hóa chất độc,...v.v.

Kỷ luật - Cơ chế "đau" để bảo vệ xã hội con người ảnh 1

Ông Đinh La Thăng có trách nhiệm thế nào với một số dự án BOT giao thông?

Tất cả những biểu hiện tiêu cực ấy đòi hỏi cả xã hội phải chung tay tự
chấn chỉnh mình ngay lập tức trước khi quá muộn.

Và trên thực tế, với tầm nhìn xa của lãnh đạo Đảng và nhà nước, công cuộc chấn chỉnh kỷ cương phép nước trên cả nước đã được triển khai hết sức quyết tâm qua các nghị quyết của Trung ương.

Thế nhưng đáng tiếc, hoạt động chấn chỉnh ấy vẫn còn bị cản trở, khi ở nhiều nơi với những sai phạm như vậy mà người ta lại còn mắc phải 1 "căn bệnh" mãn tính nữa là bệnh "xin rút kinh nghiệm".

Ở đâu khi bị phát hiện sai phạm, từ việc vi phạm giao thông của người dân cho đến sai phạm trong quản lý của người làm cán bộ, người ta cũng đều năn nỉ "xin rút kinh nghiệm" thay cho biện pháp kỷ luật, để rồi "rút kinh nghiệm" đã trở thành sợi dây rút hoài không bao giờ hết ở Việt Nam.

Nếu cứ chỉ "rút kinh nghiệm" thì lập tức sai phạm sẽ tái diễn. (Tranh của họa sĩ Nop/Thethaovanhoa.vn)
Nếu cứ chỉ "rút kinh nghiệm" thì lập tức sai phạm sẽ tái diễn. (Tranh của họa sĩ Nop/Thethaovanhoa.vn)

Từ đó mà sai phạm vẫn tiếp nối sai phạm, trở thành một mối quan hệ biện chứng gắn bó, cứ nơi nào, khi nào có "xin rút kinh nghiệm" là lập tức sai phạm sẽ được tái diễn.

Tình trạng đó đã khiến cho Việt Nam nay bỗng trở nên nổi tiếng với một  "thương hiệu" mới, đó là, đất nước của nơi "rút kinh nghiệm"!

Thế nhưng khi đã là con người, thì không thể nào thoát khỏi được những
quy luật của tạo hóa.

Vì vậy người ta cần lưu ý là cho dù có xin rút kinh nghiệm với nhau để né tránh kỷ luật, thì lại vẫn còn đó cái vòng chế tài chặt chẽ của tự nhiên.

Cho nên khi người ta thoát khỏi án kỷ luật của con người với nhau thì lại gặp phải thứ luật của tự nhiên này, bị luật tự nhiên trừng phạt nặng hơn rất nhiều so với các chế tài của con người đặt ra với nhau.

Luật của tự nhiên

Cuộc sống của con người luôn phải chịu một chế tài cực kỳ khắt khe của
tạo hóa. Luật của tự nhiên vô cùng nghiêm khắc, bắt người ta phải trả
giá rất đắt cho mỗi sai lầm của mình.

Lấy ví dụ đơn giản nhất, khi người ta trượt chân ngã từ trên cao xuống
chẳng hạn, ngay lập tức sẽ phải bị trả giá bằng cả mạng sống của mình.
Đó là hậu quả xảy ra ngay.

Còn nếu không bị trả giá ngay, chẳng hạn, như khi người ta ăn uống ô nhiễm mà chưa đến mức bị ngộ độc cấp tính, thì sau đó, sẽ vẫn phải trả giá bằng bệnh tật hiểm nghèo cho mình.

Kỷ luật - Cơ chế "đau" để bảo vệ xã hội con người ảnh 3

“Công chức robot” và sợi dây kinh nghiệm

(GDVN) - Bộ Văn hóa có dám xử lý thật nặng cán bộ các vụ “cấm” dậy sóng vừa qua? Hay là Bộ cũng ngại, nhỡ xử lý “nhầm” thì lại phải “rút kinh nghiệm”?


Đó là luật của tự nhiên!

Còn ở tầm quản lý vĩ mô phức tạp hơn, thì cũng vẫn phải chịu nằm trong
luật (của tự nhiên) đó.

Ví dụ như trong hoạt động giao thông, nếu người ta cứ tùy ý vi phạm các nguyên tắc an toàn giao thông, thì tất sẽ đến lúc phải gặp tai nạn thương vong.

Trong sản xuất lương thực thực phẩm, khi người ta vì lợi nhuận mà bất chấp, sản xuất bằng cả hóa chất độc hại, thì về sau sẽ bị người tiêu dùng tẩy chay, khiến hàng hóa không tiêu thụ được mà lụi bại phá sản.

Chữa bệnh cũng vậy, chẳng ai dám mạo hiểm ở cái nơi chữa chỗ lành thành què, mà họ sẽ tìm ra nơi tốt hơn ở nước ngoài chữa bệnh, khi mọi người quay lưng như vậy thì ngành nghề này trong nước sẽ không có điều kiện đầu tư, rèn luyện để phát triển sẽ dẫn đến càng tụt hậu, bị bên nước ngoài thay thế.

Hay như phát triển kinh tế mà gây thảm họa môi trường, thì "lợi có nhưng răng chẳng còn", ô nhiễm tất sẽ gây nên các bệnh tật hiểm nghèo, không lợi nhuận nào cứu nổi.

Đối với các tiêu cực khác như tham nhũng vơ vét của nhân dân về cho riêng mình, hay ưu tiên bổ nhiệm người nhà thay vì người tài..., sẽ khiến lòng dân mất niềm tin mà chống đối, hận thù chống phá chính quyền quyết liệt, dễ bị thế lực bên ngoài lợi dụng ấn vũ khí vào tay gây cảnh bạo loạn nội chiến cho đất nước hết sức nguy hiểm.

Đó cũng chính là luật của tự nhiên!

Cho nên, với những chế tài cực kỳ nghiêm khắc của tạo hóa như vậy, thì để không phải chịu hình phạt rất nặng đó, con người ta phải lập lấy kỷ luật tự chế tài mình trước khi phải chịu chế tài của luật tự nhiên, để tránh nguy hiểm cho mình.

Hay nói khái quát, kỷ luật chính là biện pháp tự bảo vệ con người ta bằng cách tự trừng phạt mình nhẹ hơn, trước khi luật của tạo hóa kịp giáng sự trừng phạt thảm khốc xuống.

Kỷ luật của con người là để tự cứu mình

Khi người ta đụng tay vào lửa chẳng hạn, người ta sẽ thấy đau đớn, từ
cảm giác đau đó sẽ truyền xung thần kinh báo động nguy hiểm cho người ta ngay lập tức rụt tay lại để tránh bị lửa đốt cháy.

Kỷ luật - Cơ chế "đau" để bảo vệ xã hội con người ảnh 4

Ông Vũ Quốc Hùng đau xót khi hay tin những đồng chí của mình bị kỷ luật

(GDVN) - "Việc kỷ luật các đồng ý ấy quả thực rất đau xót. Nhưng để cán bộ "sa ngã" mới biết họ mắc lỗi thì phải xem lại công tác cán bộ của chúng ta".

Và tất nhiên, nếu cơ thể không có cảm giác đau ấy thì sẽ không được báo động kịp thời để mà thoát ra khỏi nguy hiểm. Vì vậy, cảm giác đau chính là cơ chế báo động nguy hiểm để bảo vệ con người.

Thì cũng như vậy, kỷ luật là biện pháp gây sốc tâm lý cho người ta,
nhưng từ đó cũng gây nên tiếng báo động nguy hiểm cho người ta phải
dừng ngay lại sai lầm của mình.

Cho nên, kỷ luật là bắt buộc cần, và phải gây cảm giác đủ mạnh, để người ta cảm thấy nguy hiểm mà dừng lại, cũng chính là để ngăn chặn người ta đừng sa vào nguy hiểm hơn nữa, để rồi phải chịu sự trừng phạt khắc nghiệt của luật tự nhiên.

Như vậy, người ta cần nhận thấy rằng, kỷ luật của con người lập ra, cũng giống như là cảm giác đau đớn của cơ thể vậy, đều có bản chất chính là để bảo vệ con người ta đừng tiếp tục lún sâu vào sai lầm.

Cho nên, mọi người hãy tích cực xây dựng kỷ luật, thực hiện kỷ luật, thượng tôn kỷ luật. Vì nó chính là cơ chế "đau" - để bảo vệ xã hội con
người.

Đừng tự vô hiệu hóa kỷ luật bằng cái suy nghĩ hành động lệch lạc "xin rút kinh nghiệm" cho nhau.

Bởi khi đã "xin rút kinh nghiệm" tức là làm vô hiệu hóa "cảm giác đau", xã hội sẽ mất đi cơ chế báo động bảo vệ mình thoát ra khỏi tình trạng nguy hiểm.

Phạm Mạnh Hà