La Viện: Nguy cơ xung đột Trung-Nhật tăng cao, Mỹ sẽ không can thiệp

03/04/2014 07:13
(GDVN) - Ông Viện khẳng định Bắc Kinh có một lợi thế áp đảo về số lượng và chủng loại chiến đấu cơ trong biên chế.
La Viện, Thiếu tướng quân đội Trung Quốc nghỉ hưu.
La Viện, Thiếu tướng quân đội Trung Quốc nghỉ hưu.
Bưu điện Hoa Nam ngày 3/4 đưa tin, nguy cơ của một cuộc chiến tranh giữa Trung Quốc với Nhật Bản ngày càng tăng cao, theo La Viện, một viên Thiếu tướng Trung Quốc đã nghỉ hưu nhận định.

La Viện cho rằng quân đội Trung Quốc có nhiều khả năng "tự vệ" hơn trước rất nhiều trong khi các chuyên gia quân sự khác không cho rằng Trung Quốc sẽ giành phần thắng trong bất kỳ cuộc xung đột nào trong tương lai, bất chấp việc phát triển sức mạnh quân sự những năm qua.

Một số người cho rằng quân đội Trung Quốc thiếu kinh nghiệm chiến đấu và có các điểm yếu công nghệ trong một số lĩnh vực quân sự nhất định, ví dụ như động cơ máy bay phản lực có thể cản trở khả năng tác chiến của quân đội Bắc Kinh.

"Trung Quốc cần tiếp tục cảnh giác cao độ vì Nhật Bản có tiền sử gây sự cố nhỏ để kích hoạt xung đột quân sự", La Viện nói. Ông Viện bác bỏ nhận định của truyền thông Nhật Bản cho rằng Tokyo có ưu thế không quân và các phi công quân sự của họ có kinh nghiệm và được đào tạo tốt hơn Trung Quốc.

"Kết luận đó là một chiến thuật lừa đảo được Nhật Bản sử dụng để gây nhầm lẫn cho công chúng", La Viện bình luận. Trung Quốc đã triển khai các máy bay chiến đấu tiên tiến nhất của mình và hỗ trợ hậu cần cho các căn cứ quân sự dọc biển Hoa Đông, động thái cho thấy sự sẵn sàng chuẩn bị cho bất kỳ cuộc xung đột nào trong khu vực.

"Cho đến nay tất cả các máy bay được điều động xuất kích ra Điếu Ngư (Senkaku) của cả 2 nước đều là chiến đấu cơ thế hệ thứ 3. Máy bay mới nhất, tiên tiến nhất của Trung Quốc mới đưa vào biên chế đầu thế kỷ này bao gồm J-10, J-11B và Su-27. Ngược lại Nhật Bản chỉ triển khai tới khu vực khoảng 30 chiếc F-15Js được đưa vào biên chế từ những năm 1980".
Chiến đấu cơ J-10 Trung Quốc.
Chiến đấu cơ J-10 Trung Quốc.
La Viện từ chối cho biết có bao nhiêu máy bay chiến đấu Trung Quốc sẽ huy động cho 1 cuộc xung đột vũ trang, nhưng ông Viện khẳng định Bắc Kinh có một lợi thế áp đảo về số lượng và chủng loại chiến đấu cơ trong biên chế.

"Trung Quốc có một số sân bay quân sự dọc bờ biển Đông Nam có thể cung cấp hỗ trợ hậu cần hiệu quả cho chiến đấu cơ vì những căn cứ không quân này rất gần Điếu Ngư (Senkaku). Nhưng Nhật Bản chỉ có 1 sân bay gần Điếu Ngư (Senkaku), sân bay Naha ở Okinawa".

Tạp chí Kanwa ở Canada cho biết, binh chủng Pháo binh 2 (Tên lửa chiến lược) Trung Quốc đã triển khai hệ thống tên lửa tầm xa đất đối không S-300 tại các căn cứ ở Phúc Kiến từ năm 2012.

Nghê Lạc Hùng, một nhà bình luận quân sự từ Thượng Hải cho biết ông không tin Trung Quốc sẽ có mặt trong cuộc xung đột. Mặc dù thực tế hậu cần của Trung Quốc gần Điếu Ngư hơn so với Nhật Bản vì có căn cứ ở Phúc Kiến và Chiết Giang được phát triển phục vụ mục đích tấn công Đài Loan, nhưng Bắc Kinh không nên bỏ qua vai trò của Mỹ, những người sẽ đóng vai trò quyết định trong bất kỳ xung đột nào giữa Trung Quốc và Nhật Bản.

La Viện cho rằng Mỹ sẽ không can thiệp vào xung đột Trung - Nhật.

Nhà bình luận quân sự Macau, Antony Wong Dong nói rằng nếu chiến tranh với Nhật Bản nổ ra, tất cả các căn cứ quân sự và cơ sở vật chất trên đất liền Trung Quốc sẽ trở thành mục tiêu đánh bom bởi "1 phi công Nhật Bản có khả năng tác chiến tương đương ít nhất 3 phi công Trung Quốc" do được đào tạo bài bản, chuyên sâu và tập trận chung thường xuyên với Mỹ.