Làm gì để giáo viên thật sự hạnh phúc mỗi ngày đến trường?

20/04/2021 15:29
Cao Kim Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cần có những chính sách để giáo viên không còn phải chịu áp lực, mà đó là những ngày đến trường thật sự hạnh phúc với đam mê dạy học của mình.

Giáo viên cũng đang phải chịu nhiều áp lực

Từ năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai cuộc vận động xây dựng “trường học hạnh phúc”. Nhiều trường học trên khắp cả nước đã triển khai rút ra những bài học kinh nghiệm cần thiết để lan tỏa và mang lại giá trị hạnh phúc cho cả thầy và trò, để mỗi ngày đến trường thực sự là một ngày vui.

Tuy nhiên, trong quá trình vận động xây dựng đó đã bộc lộ những bất cập, tồn tại cần phải được tháo gỡ, xử lý.

Chúng ta xây dựng hình ảnh của “Trường học hạnh phúc” bằng việc đưa ra rất nhiều quy định mới nhằm tạo ra những thuận lợi cho học sinh trong quá trình học tập.

Học sinh được sử dụng điện thoại trong học tập, không còn hình thức phạt nêu tên, đuổi học… rất nhiều quy định mới được ban hành nhằm bảo vệ cũng như khuyến khích học sinh trong học tập.

Tuy nhiên, đó là những quy định đối với học sinh bình thường, nhưng vô hình chung lại “chắp thêm cánh” cho những học sinh cá biệt.

Gần đây, chúng ta chứng kiến nhiều vụ việc đau lòng xảy ra khiến cả xã hội lên án khi hệ quy chiếu trong giáo dục, cụ thể là mối quan hệ giữa thầy và trò bị đảo ngược.

Chưa bao giờ trong ngành giáo dục xuất hiện nhiều trường hợp cá biệt như học trò hành hung giáo viên, phụ huynh đánh giáo viên nhập viện, học sinh đâm chết bạn vì những mâu thuẫn vụn vặt… Và mới đây nhất từ vụ việc tố cáo của cô giáo Nguyễn Thị Tuất, Trường Tiểu học Sài Sơn (Quốc Oai, Hà Nội), nhiều người cũng bàng hoàng khi xem video học sinh nói xấu cô giáo của mình.

Nhiều người người đặt ra câu hỏi, do đâu đạo đức học sinh như thế? Do đâu giáo viên “mất uy” đối với học trò trên lớp? Chúng ta đưa ra quy định về trường học hạnh phúc, nhưng lại quên mất mặt trái, khiến giáo viên khó kiểm soát được những học trò cá biệt.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Hoàng Thị Thanh Xuyên, giáo viên Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Phú Thịnh (Yên Bái) nói: “Tôi đã gắn bó cả cuộc đời với nghề dạy học và nhận ra rằng lối sống, cách cư xử của học sinh bây giờ đối với giáo viên đã khác quá xa thời của chúng tôi.

Thời chúng tôi, cha mẹ tôi thường dạy rằng phải ‘tôn sư trọng đạo’, đã là học trò phải tôn trọng thầy, cô giáo. Tuy nhiên, bây giờ có quá nhiều chuyện học sinh coi thường thầy, cô. Học sinh chửi bậy, hành hung giáo viên, nhiều hành vi đã vượt quá tầm kiểm soát”.

Cô giáo Hoàng Thị Thanh Xuyên, giáo viên Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Phú Thịnh (Yên Bái). Ảnh: NVCC.

Cô giáo Hoàng Thị Thanh Xuyên, giáo viên Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Phú Thịnh (Yên Bái). Ảnh: NVCC.

Theo cô Xuyên, có rất nhiều nguyên nhân khiến học sinh lúc mới tới trường thì ngoan, lễ phép, nhưng sau vài năm lại dần trở thành học sinh cá biệt.

Nguyên nhân đầu tiên, có thể do ngày nay mọi người ít con nên các gia đình thường nuông chiều quá mức. Các con có thể nhìn thấy từ người lớn cách cư xử coi trọng giá trị về vật chất, dùng vật chất khống chế những thứ khác, có được vật chất sẽ được quyền nọ, quyền kia nên dẫn tới đạo đức suy đồi.

“Bản thân tôi cũng đã từng phải đối diện với nhiều trường hợp học sinh như vậy, nếu xử lý cứng nhắc theo kiểu mặc kệ các em thì không được vì đứa trẻ ấy sẽ càng ngày càng trượt dài, sai lầm nối tiếp sai lầm. Nhưng để làm cho những em đó thay đổi trở thành những học trò chăm chỉ, ngoan hiền thì cũng rất khó, đòi hỏi kinh nghiệm, bản lĩnh và lòng bao dung rất lớn và cũng phải có sự phối hợp chặt chẽ, cầu thị của các gia đình. Chỉ có giáo viên quyết tâm thì không bao giờ làm được”, cô Xuyên cho hay.

Theo cô Hoàng Thị Thanh Xuyên, nếu một giáo viên chỉ lên lớp, dạy đúng tiết học, không tư duy và cũng không đòi hỏi sự tương tác của học sinh, nhà trường và phụ huynh thì đó là thất bại của nền giáo dục.

Yêu cầu xây dựng trường học hạnh phúc là chủ trương tốt, nhưng dường như những phát sinh trong thực tế đã tạo áp lực nhiều hơn cho các thầy cô giáo khi các tiêu chí về giáo dục cần phải hoàn thành, cần phải đúng chuyên môn, đáp ứng đỏi hỏi của nhà trường và phải vui lòng cha mẹ học sinh.

Vậy có bao nhiêu giáo viên đang nỗ lực, cống hiến hết mình trong ngành giáo dục, vừa hoàn thành chỉ tiêu chất lượng, vừa làm hài lòng phụ huynh, cấp trên mà bản thân họ cũng cảm thấy thật sự hạnh phúc?

Cô Xuyên nói thêm: “Từ xưa đến nay, trong môi trường giáo dục luôn nhấn mạnh ba thứ, đó là sự kết hợp giữa học sinh, phụ huynh, nhà trường và xã hội.

Ngày nay học sinh đến trường học thầy cô dạy kiến thức, kỹ năng. Tuy nhiên trong luật giáo dục hiện hành, càng ngày càng đề cao hơn những việc như không mắng học sinh… chỉ khen ngợi, động viên.

Thế nhưng, chúng ta nhìn thấy thực tế rằng, ngay cả một đứa con trong gia đình với bố mẹ, hỏi rằng bố mẹ có thể nói ngọt ngào với con cả ngày được không?

Tôi đã từng chứng kiến những học sinh cá biệt, ngỗ ngược khuyên nhủ như thế nào cũng không được. Những trường hợp như vậy đưa giáo viên vào thế bị động, hơn nữa lại buộc giáo viên vào quyền hạn rất hạn chế nên rất khó khăn khi giải quyết các vấn đề xảy ra trên lớp học”, cô Xuyên tâm sự.

Giáo viên có “đơn độc” khi xử lý học sinh vi phạm?

Theo cô Hoàng Thị Thanh Xuyên, với kinh nghiệm mấy chục năm dạy học, dù ngành giáo dục chưa có quy định thì cô cũng đã tìm những giải pháp tạo sự hứng khởi, vui vẻ cho học trò, trong đó có một yếu tố hết sức quan trọng là muốn học sinh thay đổi trước hết giáo viên phải thay đổi, là tấm gương để học trò làm theo.

“Có lần tôi chứng kiến một học sinh đang ngồi chơi rất ngoan thì một học sinh khác chạy đến và đấm thẳng vào mặt. Trong trường hợp này giáo viên chỉ được nhẹ nhàng nhắc nhở và để con hiểu hành vi của con là sai.

Nếu như trước kia thì chúng tôi có thể áp dụng hình thức phạt khác như chép phạt hoặc phải đứng ở cuối lớp vài phút, để cho em đó bình tĩnh nhận thấy cái sai rồi mới trao đổi, xử lý dứt điểm. Bây giờ, chúng tôi không dám sử dụng những biện pháp như thế, mà sẽ trao đổi với phụ huynh nhiều hơn để họ phối hợp dạy con.

Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục nói chuyện, phân tích đúng – sai cho những học sinh mắc lỗi, mặc dù biết rằng với nhiều học sinh cá biệt, nếu chỉ nói chuyện thông thường sẽ khó có hiệu quả”, cô Xuyên chia sẻ.

Cũng theo cô Xuyên, gia đình đóng vai trò cốt lõi trong việc tạo nên ý chí, định hướng đạo đức cho mỗi học sinh. Nhà trường đóng vai trò cốt lõi trong việc truyền tải kiến thức là chính, giáo dục đạo đức nhà trường có trách nhiệm phải chỉ lối, định hướng cho các em. Tuy nhiên, quyền hạn về giáo dục đạo đức lại nằm trong tay gia đình học sinh chứ không nằm trong tay của thầy cô.

“Tôi đi dạy học từ năm tôi 21 tuổi, chủ nhiệm một lớp có 51 học sinh, rất nhiều học sinh cá biệt, có những em là con một nên được nuông chiều. Dù có rất nhiều chuyện phải giải quyết, tôi cũng chưa một lần đánh học sinh hoặc mất bình tĩnh không kiểm soát được hành vi của mình.

Biện pháp giáo dục hiện nay của tôi thường là gọi học sinh ra trò chuyện riêng để con nhận ra lỗi sai của mình. Tuy nhiên, có những học sinh dù đã nói chuyện, thậm chí giáo viên còn chưa kịp nói đã òa lên khóc hoặc có những thái độ không hợp tác. Đó chính là những đặc điểm đặc trưng của học sinh cấp tiểu học. Thế nhưng, với tôi, dạy học các con bằng những câu chuyện vẫn là cách tốt nhất để các con nhận ra lỗi sai của mình”, cô Xuyên cho biết.

Chúng ta cũng phải đặt ngược một câu hỏi rằng, áp lực đặt lên vai ngày càng lớn thì các thầy cô sẽ ra sao khi mà họ phải chịu trách nhiệm trước gia đình, nhà trường và xã hội về đạo đức của học sinh?

Bấy lâu nay, chúng ta hầu như chỉ chú trọng tâm lý học sinh mà quên mất tâm lý và áp lực của các thầy cô giáo.

Đối với giáo viên cấp tiểu học, các cô chủ nhiệm ngoài thời gian dạy học còn phải trò chuyện cùng các bạn học sinh chưa ngoan trong lớp, hoặc nếu lớp có nhiều học sinh cá biệt thì buổi trưa hầu như các cô không được nghỉ.

Vậy sức khỏe, thời gian và tâm lý của giáo viên, đặc biệt là giáo viên tiểu học sẽ có nhiều áp lực?

“Tôi chứng kiến nhiều đồng nghiệp chưa đến tuổi nghỉ hưu, nhưng đôi mắt và thần thái của họ vô cùng mệt mỏi sau những buổi làm việc ở trường. Họ luôn có trách nhiệm, say mê với công việc, nhưng dường như thiếu sự chia sẻ”, cô Xuyên nhận định.

Trường học hạnh phúc là một trong những chính sách thay đổi mạnh mẽ, để mỗi ngày đến trường của học sinh là một ngày vui. Tuy nhiên, nếu chỉ chú ý tới học sinh thì không thể xem là niềm hạnh phúc vẹn tròn. Vì vậy, cần có những chính sách để mỗi ngày đến trường của giáo viên không còn phải chịu áp lực, mà đó là những ngày thật sự hạnh phúc với đam mê dạy học của mình.

Cao Kim Anh