Lạm phát cao, nhiều doanh nghiệp giải thể

01/07/2011 01:19
Sáu tháng đầu năm CPI tăng ở mức 13,29%, dự kiến cả năm khoảng 17%, vượt xa con số 7% mà Quốc hội giao.

Sáu tháng đầu năm CPI tăng ở mức 13,29%, dự kiến cả năm khoảng 17%, vượt xa con số 7% mà Quốc hội giao.

{iarelatednews articleid='6117,1231'}

Ngày 30/6, trong phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về tình hình kinh tế xã hội sáu tháng đầu năm và giải pháp trọng tâm sáu tháng cuối năm, Ủy ban Kinh tế cho rằng việc lạm phát và lãi suất ngân hàng tăng cao đã và đang gây nhiều khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) và đời sống của người dân. Tại nhiều địa phương, tình trạng DN giải thể, xin ngừng hoạt động đã bắt đầu có biểu hiện gia tăng.

Lạm phát vượt gấp đôi chỉ tiêu cả năm

Theo Ủy ban Kinh tế, việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 13,29%, vượt xa chỉ tiêu 7% đề ra cho cả năm 2011 đã và đang gây nhiều khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân, đặc biệt là 3 triệu hộ nghèo và 1,6 triệu hộ cận nghèo. Đồng thời, việc thu nhập thực tế của người lao động ở các khu công nghiệp bị giảm sút đã và đang là một trong những nguyên nhân gây ra hiện tượng đình công gia tăng ở một số DN.

Nhìn nhận nguyên nhân lạm phát, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Võ Hồng Phúc cho rằng do giá hàng hóa trên thị trường thế giới, đặc biệt là giá xăng dầu, lương thực, thực phẩm tăng mạnh. Cùng với đó là việc điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng thiết yếu như giá xăng, điện, gas, than, tăng tỉ giá USD/VNĐ; tăng lãi suất liên ngân hàng…

Ông Phúc cũng cho rằng với mức lạm phạt trên thì cả năm cần phấn đấu để kiểm soát lạm phát ở mức khoảng 15%-17%. Để đạt được mục tiêu trên sẽ tiếp tục sử dụng linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ. Trong đó chú trọng kiểm soát theo hướng rút bớt nguồn vốn tín dụng vào lĩnh vực phi sản xuất, bất động sản, chứng khoán để tập trung cho lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu, nông nghiệp, nông thôn, DN nhỏ và vừa.
 

Thu nhập thực tế của người lao động ở các khu công nghiệp bị giảm sút, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của bộ phận dân cư này. Ảnh: HTD
Thu nhập thực tế của người lao động ở các khu công nghiệp bị
giảm sút, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của bộ phận dân cư này. Ảnh: HTD


Ủy ban Kinh tế cho rằng cần chú trọng đến các giải pháp quản lý thị trường, giám sát, kiểm soát hoạt động của các tổ chức tín dụng. Cùng với đó, điều tiết tăng trưởng tín dụng và giải ngân vốn đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách đều trong năm, tránh tình trạng khối lượng tiền tăng cao vào cuối năm gây sức ép cân đối tiền hàng, làm gia tăng lạm phát.

Hạn chế hành chính hóa chính sách tiền tệ

Theo báo cáo của Chính phủ, lãi suất VNĐ bình quân hiện đang ở mức 15,5%/năm, lãi suất cho vay bình quân thực tế khoảng 18,7%/năm (tăng 3,4% so với cuối năm 2010). Tuy nhiên, theo Ủy ban Kinh tế, lãi suất huy động tăng mạnh lên đến 17%-18% cho các kỳ hạn, cá biệt lên đến 19%-20%; còn lãi suất cho vay dao động khoảng 18%-22%, cá biệt lên đến 25%-27%.

Bình luận về những con số trên, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội, cho rằng con số của Ủy ban Kinh tế thực tế hơn, cho dù Chính phủ có dùng chữ “bình quân” khi nói về lãi suất huy động.

Ủy ban Tài chính-Ngân sách cảnh báo mặt trái của chính sách thắt chặt tiền tệ bắt đầu bộc lộ. Theo đó thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán sụt giảm, lạm phát và lãi suất tăng cao làm cho chi phí đầu vào bị đẩy lên. Cùng với đó, tình trạng thiếu vốn sản xuất kinh doanh và thu hút đầu tư phát triển giảm đã tác động bất lợi đến sản xuất kinh doanh, từ đó ảnh hưởng tới việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội.

“Chính phủ cần tiếp tục có giải pháp về chính sách tiền tệ linh hoạt hơn, tích cực sử dụng các công cụ kinh tế thị trường, hạn chế sử dụng biện pháp hành chính gây phản ứng đột ngột cho thị trường tài chính, tiền tệ và gây bất lợi cho ngân hàng, các tổ chức kinh tế, cá nhân hoạt động” - báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Tài chính-Ngân sách nêu rõ. Báo cáo này cũng cho hay có ý kiến trong thường trực ủy ban cho rằng việc giảm đột ngột mức tăng trưởng tín dụng từ 31% năm 2010 xuống dưới 20% năm 2011 tuy đạt được những kết quả nhất định cho mục tiêu chống lạm phát nhưng cũng sẽ gây ra những khó khăn bất thường cho nền kinh tế. Vì thế, nên chăng Chính phủ giữ mức tăng trưởng tín dụng khoảng 23% như dự kiến đầu năm.
 

218 cuộc đình công trong cả nước chỉ tính trong ba tháng đầu năm 2011, bằng 52% so với năm 2010. Trong đó, 83% các cuộc đình công xảy ra tại DN có vốn đầu tư nước ngoài. Đây là số liệu trong báo cáo của Ủy ban Kinh tế trình bày tại cuộc họp của UBTVQH ngày 30-6. Theo báo cáo này, thu nhập thực tế của người dân, nhất là người có thu nhập thấp, người lao động ở các khu công nghiệp bị giảm sút, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của bộ phận dân cư này.

DN ngừng hoạt động tăng cao

- Tại Bắc Giang, từ đầu năm 2011 đến nay có 43 DN xin ngừng hoạt động, tăng mạnh so với năm 2010 (30 DN).

- Tại Bắc Ninh, trong sáu tháng đầu năm đã giải thể và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của 44 DN.

- Tại Hưng Yên, chỉ có 30% số DN tiếp cận được vốn và có thể tạm đáp ứng nhu cầu vay vốn để sản xuất kinh doanh.

(Trích Báo cáo của Ủy ban Kinh tế)


Theo THÀNH VĂN/Pháp luật TPHCM