Làng quê rúng động vì tin đồn cả xã hành nghề "nhạy cảm"

05/04/2012 10:14
Theo Zing.vn/Infonet.vn
Những ngày qua, không khí xã Nga Thạch, Thanh Hóa rộ lên lời bàn tán, đồn thổi về chuyện những người phụ nữ nơi đây bỏ quê lên phố làm nghề mại dâm.
Từ thông tin thất thiệt này, không ít gia đình lâm vào tình trạng “khủng hoảng”, nhiều đứa trẻ sợ đến trường vì bạn bè dèm pha. Một không khí nặng nề, u ám bao trùm cả xã mà trước đây khá bình yên … Chúng tôi đã tìm về xã Nga Thạch để tìm hiểu sự thật.

Con đường nhựa phẳng lì dẫn vào xã Nga Thạch rất khang trang bởi những ngôi nhà cao tầng kiên cố san sát. Ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi đến đó là người dân ở đây tỏ ra e dè, sợ hãi khi gặp khách lạ. Chính vì vậy, gặp ai, hỏi ai chúng tôi cũng chỉ nhận được những câu trả lời “nhát gừng”, thậm chí là hậm hực: “Nhà báo à? Đi chỗ khác mà hỏi”. Bất ngờ trước thái độ khó chịu của người dân, chúng tôi quyết định tìm đến chính quyền xã để tìm hiểu rõ nguyên nhân.

Một góc làng ở xã Nga Thạch

Một góc làng ở xã Nga Thạch

Ông Nguyễn Khắc Xuân, Trưởng công an xã ngán ngẩm: “Gần đây xã chúng tôi bị gán cho một cái tin là làng hành nghề không lành mạnh. Nghe đâu có nhà báo nào đó có tìm hiểu viết bài về vấn đề này nhưng lại viết không đúng.

Thật sự, chẳng hiểu họ lấy thông tin của ai, số liệu ở đâu, hay chỉ là ngồi một chỗ để tưởng tượng rồi viết rằng xã tôi là xã vắng bóng đàn bà. Không những thế, họ còn bảo rằng những người phụ nữ ở đây ra phố toàn làm nghề “nhạy cảm”. Chính vì vậy, cả xã mang tiếng mà không ít gia đình đã gặp phải sóng gió…”.

Chứng minh cho điều mình vừa nói, ông Xuân cung cấp hàng loạt số liệu: Từ một xã thuần nông, đất đai cằn cỗi vì nhiễm mặn, xã ven biển Nga Thạch, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã từng bước thoát nghèo, với những mô hình phát triển kinh tế điển hình trong toàn huyện.

Từ những đầm nước mặn mênh mông, người dân phải chạy ăn từng bữa thì nay, Nga Thạch đã có nhiều nhà cao tầng kiên cố, mô hình kinh tế VAC được phát huy triệt để và có nguồn thu từ lực lượng lao động ngoại tỉnh là tương đối lớn.

Ông Nguyễn Khắc Xuân, Trưởng công an xã Nga Thạch

Ông Nguyễn Khắc Xuân, Trưởng công an xã Nga Thạch

Để xây dựng quê hương phát triển như hiện nay, phần quyết định chủ yếu là những người đi làm ăn xa. Thế nhưng, chính cái lợi thế này lại là nguyên nhân dẫn đến lời đồn ác ý kia. Theo như lời đồn, xã Nga Thạch hiện nay có khoảng 400 – 500 phụ nữ đang hành nghề mại dâm trên thành phố.

Thế nhưng, chị Mã Thị Thùa, Chủ tịch Hội phụ nữ xã cho biết: "Hiện nay, số chị em đang đi làm ăn xa chỉ khoảng trên dưới 100 người. Mọi người thường đi cùng bố mẹ, chồng, hoặc anh chị em lên thành phố buôn bán, giúp việc, hoặc làm kỹ thuật viên tại Trung tâm xoa bóp bấm huyệt, chăm sóc sức khỏe Hương Sen (Bệnh viện Châm cứu Trung ương). Có lẽ chính vì họ nghĩ làm ở Trung tâm Hương Sen là “nhạy cảm” nên mới nói như vậy".

Không ít những gia đình mà vợ chồng, anh em, chị em, mẹ con đều làm việc tại Trung tâm xoa bóp bấm huyệt, chăm sóc sức khỏe. Đang lụi cụi dọn dẹp lại đống cát bị vương vãi từ ngôi nhà 2 tầng khang trang chuẩn bị hoàn thiện, bà Phan Thị Hằng ở xóm 1, xã Nga Thạch cười tươi: “Đây là ngôi nhà của thằng Nguyên, giờ hai vợ chồng nó đều làm ở cơ sở Trung tâm xoa bóp bấm huyệt Hương Sen, có thu nhập cao và rất ổn định, chế độ đãi ngộ lao động ở đây cũng rất tốt nên rất yên tâm. Những ngày mùa vụ, vợ chồng nó lại xin nghỉ phép về quê, làm mùa xong lại lên Hà Nội làm tiếp...”.

Bà Hằng kể: "Vậy mà thời gian qua, có thông tin bóng gió cho rằng, mấy người làm massage ở Hà Nội phấn son lòe loẹt, còn mắc bệnh xã hội này nọ thì oan cho họ quá, tôi sống ở đây lâu năm tôi biết, làm gì có chuyện đó”.

Anh Mai Văn Tuấn, 35 tuổi ở xóm 3 cũng có vợ đang làm ở Hương Sen chia sẻ: “Vợ tôi đang làm ở trung tâm xoa bóp bấm huyệt, tôi luôn hiểu và trân trọng công việc của vợ tôi bởi chính tôi cũng đã từng có thời gian dài làm bảo vệ tại Trung tâm xoa bóp bấm huyệt. Tôi hoàn toàn tin tưởng vợ tôi bởi tôi hiểu văn hóa, và đạo đức nghề nghiệp của Trung tâm”.

Nhiều làng ở Nga Thạch giàu lên nhờ những lao động đi làm việc ở nơi khác góp tiền về xây dựng quê hương

Nhiều làng ở Nga Thạch giàu lên nhờ những lao động đi làm việc ở nơi khác góp tiền về xây dựng quê hương

"Thực tế, trong những năm qua, Nga Thạch không có tội phạm, chỉ có 9 trường hợp bị phạt hành chính. Trạm y tế xã cũng thống kê không ai bị bệnh xã hội. Những thông tin bịa đặt vô căn cứ, làm ảnh hưởng đến thành quả giữ gìn an ninh trật tự của địa phương trong nhiều năm qua”.

Theo ông Xuân, hiện nay, xã Nga Thạch có 725 lao động đi làm ăn xa và lực lượng này đem lại nguồn thu lớn cho kinh tế hộ gia đình. Họ thường phân theo các nhóm lao động, chủ yếu là tại miền Nam và Hà Nội, công việc chủ yếu là công nhân may, thợ cơ khí, công nhân thu hoạch cà phê, điều…
 

Theo Zing.vn/Infonet.vn