Lang y chân đất biến cây leo hoang dại thành bài thuốc chữa vô sinh

24/01/2012 07:31
Hoàng Thế Tào/Pháp luật & Thời đại
Nổi tiếng "mát tay", từng đem niềm vui cho cả trăm cặp vợ chồng hiếm muộn con cái nhưng bà lang này vẫn 100% nông dân, sống giản dị trong căn nhà cấp 4 đơn sơ.
Chỉ là một nông dân ngày ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” ngoài đồng, thế nhưng mỗi khi có cặp vợ chồng hiếm muộn nào biết tiếng tìm đến, chị lại lặn lội vào rừng tìm thuốc chữa bệnh vô sinh mong muốn bài thuốc của mình có thể đem đến niềm vui cho những bệnh nhân. Đó là chị Bùi Thị Di (44 tuổi, ngụ xóm Hồng, xã Bảo Hiệu, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình).

Bỗng dưng thành “thầy lang”

Cứ tưởng nữ “thần y” người Mường phải là một cụ bà tóc đã bạc trắng miệng bỏm bẻm nhai trầu, nhưng đó lại là thiếu phụ tuổi ngoài 40. Trong căn phòng sực nức mùi thảo dược, vừa tiếp chuyện khách, tay vừa thoăn thoắt bốc thuốc cho bệnh nhân, chị kể về cái duyên đến với “nghề tay trái” kỳ lạ như những bài thuốc của mình.

Ngày trước chị “mù tịt” về các bài thuốc, nhưng bà mẹ chồng thì lại thông thạo, người nào trong họ bị bệnh đến tìm thì bà mới lên rừng hái thuốc. Để mẹ đi một mình không được, cô con dâu liền đi cùng bà đề phòng trường hợp bà cụ sảy chân và mẹ chồng chỉ bảo các loại thuốc từ đó, lâu dần thành quen. Đến khi mẹ chồng qua đời, chị cũng nghĩ mình chưa từng học một ngày nào về y thuật nên nào dám bốc thuốc dù những bí quyết mẹ chồng truyền lại thì vẫn còn mang máng nhớ.

Phải mãi đến khi trong một lần bị u nhọt, đau ốm mấy tháng liền rồi đi bệnh viện chữa không khỏi, chị mới liều lĩnh đi vào rừng hái cây dây leo dại rồi về nhớ lời mẹ dặn ngày xưa để làm thuốc “tự điều trị”. Vậy mà bệnh u nhọt biến mất thật. Nhiều đêm nằm nhớ lại những bài thuốc của mẹ mà đặc biệt là bài thuốc vô sinh, nhiều ngày lên rừng tìm lại những lá cây quen ngày xưa mẹ chồng vẫn hái, chị “đánh liều” thử tác dụng bài thuốc bằng cách “gạ gẫm” một cặp vợ chồng hiếm muộn con tróng xóm: “Uống thử đi, nếu không hiệu quả thì cũng không sao vì đây toàn là thuốc Nam, không có phản ứng phụ”.

Ấy vậy mà cặp vợ chồng kia ít ngày sau khi uống thuốc thì thụ thai thật. “Tiếng lành đồn xa”, những cặp vợ chồng muộn màng con cái từ đó được mách bảo đến địa chỉ này và không ít người đã được thỏa nguyện mơ ước có con.

Không giấu giếm bí quyết

Không hề giấu những vị thuốc, thành phần trong bài thuốc của mình, “thần y chân đất” này cho biết có khoảng 20 loại rễ, củ, thân, lá, và chủ yếu là dây leo... dùng để sắc uống; trong đó có nhiều loại cây mà chị chỉ biết nhận mặt chứ không biết tên. Chị cho biết thêm, bài thuốc không thể thiếu một số loại cây như “lộc” của cây tầm gửi (rất hiếm gặp, chỉ còn mọc trên những cánh rừng nguyên sinh), cây lẻo, cây dây mang, dây lựu đỏ, lựu trắng, dây mơ rừng trắng và dây mơ rừng đỏ, cây dây soi…

Trước khi chữa cho các bệnh nhân, chị thường phải tìm hiểu cặn kẽ nguyên nhân không sinh con được là do người chồng hay vợ để bốc những bài thuốc riêng. Với bệnh nhân nam, cần tìm một số cây như cây tầm gửi, cây dây leo, cây sung, cây lạng, cây chu... rồi rửa sạch, xắt mỏng thành những đốt dài khoảng 2 cm, mỗi loại dây khoảng 30g, sau đó đun sôi sắc lấy nước uống. Mỗi thang thuốc của chị được chia ra làm khoảng bốn ấm, chú ý khi đun sôi lên thì để nhỏ lửa suốt khoảng 3 tiếng đồng hồ. Khi đã thấy nước thuốc cạn khoảng một nửa thì tắt lửa để nguội và mỗi ngày uống làm bốn lần: Sáng sớm thức dậy, trước bữa trưa, trước bữa tối và trước lúc đi ngủ.

Nếu nguyên nhân hiếm muộn là từ người vợ thì chị sẽ mách bài thuốc lấy cây hậu sản rửa sạch, xắt nhỏ, sau đó đun sôi để cạn nửa nước trong ấm rồi mới bắc xuống để nguội và có thể uống bất kỳ lúc nào trong ngày. Chị cho biết, thông thường những bài thuốc này chỉ cần dùng đến thang thứ 3 là người bệnh có thể khỏi.

Với những cặp vợ chồng chưa biết chính xác nguyên nhân dẫn đến vô sinh thì người phụ nữ này sẽ cho thang thuốc nhiều vị: Cỏ dong 10g, cỏ mẫu 10g, cây lựu trắng 15g, cây lựu đỏ 15g, cây mơ rừng 15g, cây sung 10g, cây lẹo 20g, cây chu 20g, cây tầm gửi 10g, cây lạng 20g, cây dây soi 10g, cây bàng soi 20g, củ láo 10g...  trộn những vị thuốc này với nhau thành một thang sắc lấy nước và có thể uống thay nước lọc. Ngoài ra, trong thời gian uống thuốc, người dùng thuốc phải ăn kiêng một số chất món như thịt ếch, thịt trâu, tôm, cá, cua lửa, gà gô, củ cải.

Cây hoang thành “thần dược”?

Một số bài thuốc chữa vô sinh của chị Di chỉ dùng thảo dược tươi nên chỉ những khi có bệnh nhân tới thì chị mới vào rừng tìm kiếm. Chị tâm sự, ngày xưa rừng còn nhiều cây thuốc, nhưng càng ngày càng hiếm do nhiều thương nhân thu mua nên thảo dược bị người địa phương “tận diệt”, có những loài giờ đã gần như “biến khỏi mặt đất” như cây bảy lá, cây một hoa... Có những ngày từ sáng sớm đến tối mịt chị lang thang khắp rừng tìm thuốc. Vất vả như vậy nhưng chị không coi bài thuốc của mình như món hàng để kiếm tiền. Không phân biệt sang hèn, ai tìm đến cũng được chị chỉ dẫn tận tình, nếu ai có lòng thì gửi chị ít tiền coi như tiền công đi hái thuốc.



Những việc làm của chị Di khiến chúng tôi không khỏi có những thắc mắc như người học ngành y cả chục năm mới thành nghề chữa bệnh, vậy mà người phụ nữ nông dân này chưa từng đọc đến một trang sách y học lại có thể chữa bệnh?. Có thật hay không những trường hợp được chữa khỏi vô sinh nhờ những loại cỏ cây hoang dại này?.

Mang những thắc mắc này đến tìm gặp ông Phạm Ngọc Tươm, Trưởng trạm y tế xã Bảo Hiệu là nơi chị Di đang sinh sống, vị trưởng trạm y tế cho biết từ ngàn đời nay, nhiều loại thảo dược trong rừng đã là loài thuốc Nam hữu hiệu và người Mường có những bí quyết gia truyền biến những loài cây hoang dại này thành phương thuốc có hiệu quả.

“Việc những bài thuốc của chị Di có thể chữa khỏi một số trường hợp cặp vợ chồng vô sinh là có thật. Có một số người đi khám thì bệnh viện kết luận là không thể có con, nhưng sau một thời gian uống thuốc của chị thì lại thấy mang thai. Tuy chưa thể khẳng định những phương thuốc này hiệu quả đến đâu, nhưng thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần tìm hiểu, nghiên cứu thử nghiệm và nếu thực sự có ích thì nên sưu tầm bí quyết này vào những bài thuốc đông y”, Trưởng trạm y tế xã khẳng định.

Hoàng Thế Tào/Pháp luật & Thời đại