Liên kết kinh tế du lịch Đồng bằng sông Cửu Long và TP.HCM

04/07/2016 06:59
Mai Anh
(GDVN) - Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ vừa tổ chức hội nghị “Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long - TP.HCM” giới thiệu tiềm năng kinh tế vùng.

Theo đó, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM tổ chức hội nghị “Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long - TP.HCM”. 

Đây là một trong những hoạt động có ý nghĩa quan trọng trước thềm MDEC – Hậu Giang 2016.

Toàn cảnh hội nghị “Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long - TP.HCM”.
Toàn cảnh hội nghị “Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long - TP.HCM”.

Tại hội nghị, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, ông Sơn Minh Thắng đã lần lượt giới thiệu đến các nhà đầu tư về tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long thông qua những đặc thù về miền đất, con người và sản phẩm tiêu biểu của 13 tỉnh, thành trực thuộc.

Đây là vùng sản xuất nông nghiệp, thủy sản hàng hóa lớn nhất nhì cả nước, hàng năm đóng góp khoảng 90% sản lượng gạo, 70% sản lượng trái cây, 60% sản lượng thủy sản xuất khẩu…

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi mà thiên nhiên ưu đãi cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thì việc xúc tiến, quảng bá của địa phương còn rất nhiều mặt hạn chế mà theo ông là do cách tiếp cận các nguồn vốn đầu tư từ trong nước và quốc tế vẫn còn khá chậm, chưa tranh thủ mọi cơ hội tốt nhất để giành lấy “miếng bánh ngon” về mình.

Đó là chưa kể đến việc một số địa phương vẫn chưa thực sự quyết tâm “cởi trói” cho doanh nghiệp bằng những chính sách thiết thực theo nguyện vọng của nhà đầu tư về lâu dài.

Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang giải đáp thắc mắc của cơ quan báo chí
Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang giải đáp thắc mắc của cơ quan báo chí

Đánh giá cao tầm quan trọng của việc liên kết hợp tác toàn diện giữa Đồng bằng sông Cửu Long và TP.HCM trong giai đoạn hội nhập, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong bày tỏ nguyện vọng sẽ tạo cơ hội đầu tư hấp dẫn cho các doanh nghiệp tại vùng kinh tế nông nghiệp lớn nhất Việt Nam. 

Ông Phong chia sẻ, những năm qua, nhiều giải pháp đã được các địa phương triển khai đặc biệt trong sản xuất lương thực, chế biến nông thủy sản, hoa quả …, đã và đang góp phần quan trọng mang lại hiệu quả kinh tế khả quan cho các địa phương trong khu vực. Vì vậy, việc liên kết giữa TP.HCM và vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, khu vực đóng góp 18,5% GDP cả nước, là định hướng đúng đắn và lâu dài.

Liên kết kinh tế du lịch Đồng bằng sông Cửu Long và TP.HCM ảnh 3

MDEC 2016: “ĐBSCL - Chủ động hội nhập và phát triển bền vững”

(GDVN) - Ngày 11/7/2016 tới đây, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cùng UBND tỉnh Hậu Giang sẽ tổ chức Diễn đàn Hợp tác kinh tế đồng bằng sông Cửu Long - Hậu Giang 2016.

Nhằm thu hút nhà đầu tư thúc đẩy kinh tế địa phương và vùng, tỉnh Hậu Giang đơn vị chủ nhà tổ chức Diễn đàn Hợp tác kinh tế đồng bằng sông Cửu Long năm 2016 đã có chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư.

Cụ thể, nhà đầu tư sẽ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong vòng 9 năm tiếp theo kể từ khi phát sinh thu nhập chịu thuế có dự án đầu tư các huyện nghèo của Hậu Giang như Long Mỹ, Vị Thủy, Châu Thành, Phụng Hiệp, Châu Thành A và thị xã Ngã Bảy, thị xã Long Mỹ.

Cùng với đó khi đầu tư tại các huyện trên, Hậu Giang còn tạo điều kiện cho nhà đầu tư hưởng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% trong vòng 15 năm đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới;

Miễn thuế đối với thiết bị, máy móc nhập khẩu để tạo tài sản cố định; Miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước 11 năm kể từ ngày đưa dự án vào hoạt động nếu đầu tư.

Đối với thành phố Vị Thanh, Hậu Giang có chính sách miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong vòng  4 năm tiếp theo kể từ khi phát sinh thu nhập chịu thuế cho nhà đầu tư.

Bên cạnh đó nhà đầu tư còn được hưởng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 17% trong vòng 10 năm, miễn thuế đối với thiết bị, máy móc nhập khẩu để tạo tài sản cố định, miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước trong vòng 7 năm kể từ ngày đưa dự án vào hoạt động.

Những nông sản nổi bật của tỉnh Hậu Giang
Những nông sản nổi bật của tỉnh Hậu Giang

Theo ông Trần Công Chánh - Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, bên cạnh chính sách thu hút đầu tư, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay, nhất là khi Việt Nam tham gia Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) cùng hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, vấn đề nâng cao giá trị nông sản Việt Nam, đặc biệt là việc xây dựng thương hiệu cho nông sản xuất khẩu được Hậu Giang hết sức chú trọng.

“Đến nay, toàn tỉnh hiện có 10/10 nông sản chủ lực của tỉnh được chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa nông sản, gồm: Bưởi năm roi Phú Thành Hậu Giang; Cam sành Ngã Bảy; Chanh không hạt Hậu Giang; Lúa Hậu Giang 2; Cá rô Hậu Giang; Quýt đường Long Trị; Cá thát lát Hậu Giang; Khóm Cầu đúc Hậu Giang; Xoài cát Hậu Giang; Cam xoàn Phụng Hiệp. Trong đó, 03 nông sản (cam sành, khóm và cá thát lát) đã phát triển thành thương hiệu khá nổi tiếng”, ông Trần Công Chánh cho biết.

Tại hội nghị “Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long - TP.HCM”, vùng Đồng bằng sông Cửu Long và TP.HCM đã giới thiệu hơn 130 dự án trọng điểm mời gọi đầu tư. Trong đó, TP.HCM kêu gọi đầu tư 69 dự án: Tuyến metro số 2, tuyến đường sắt trên cao số 2, dự án khu dịch vụ thương mại và hỗ trợ kỹ thuật, dự án xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao lĩnh vực thủy sản tại Cần Giờ và các dự án sản xuất công nghiệp tại các khu chế xuất, khu công nghiệp.

Và Đồng bằng sông Cửu Long kêu gọi đầu tư 63 dự án: khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đầu tư nhà máy sản xuất, chế biến nông-thủy sản và xây trung tâm thương mại nông sản, du lịch, nhà hàng, khách sạn, khu công nghiệp, hạ tầng giao thông,…

Mai Anh