Luật sư Trần Đình Triển vào cuộc vụ đẻ rơi trong nhà tạm giữ

12/07/2011 06:47
(GDVN)-Luật sư Trần Đình Triển, trưởng VPLS Vì Dân đã đồng ý nhận giải quyết yêu cầu của ông Lê Xuân Lượng và sẽ miễn phí 100% các nội dung tư vấn, giúp đỡ.

(GDVN) - Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được đề nghị của luật sư Trần Đình Triển, Trưởng văn phòng luật sư Vì Dân sẵn sàng vào cuộc để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho chị Lê Thị Lâm, chị Nguyễn Thị Hà và đứa bé con của chị Lâm. Sáng ngày 12/7/2011, Văn phòng luật sư Vì Dân đã chính thức nhận được đơn mời luật sư của ông Lê Xuân Lượng trú tại thôn Thái Lai, xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh, Hà Nội (bố đẻ của chị Lê Thị Lâm).

 

Theo nguồn tin của báo điện tử Giáo dục Việt Nam, trong lá đơn mời luật sư gửi đến văn phòng luật sư Vì Dân, ông Lượng có trình bày nội dung nguyện vọng và đề nghị mong muốn Luật sư Trần Đình Triển, trưởng văn phòng luật sư Vì Dân: "Bào chữa cho con gái tôi là Lê Thị Lâm và con dâu Nguyễn Thị Hà bị công an huyện Đông Anh – Hà Nội khởi tố về tội cướp tài sản.

Bảo vệ  quyền lợi, lợi ích hợp pháp cho đứa trẻ con của Lê Thị Lâm bị đẻ rơi trong phòng tạm giam của công an huyện Đông Anh.

Tư vấn cho gia đình tôi việc khiếu nại và tố cáo việc làm sai của công an huyện Đông Anh.

Luật sư Trần Đình Triển đã đồng ý nhận giải quyết yêu cầu của ông lê Xuân Lượng và sẽ miễn phí 100% các nội dung tư vấn và giúp đỡ.

Trao đổi nhanh với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, luật sư Trần Đình Triển cho biết, văn phòng luật sư Vì Dân sẽ nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục pháp lý cần thiết để bắt đầu công việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho chị Lê Thị Lâm và chị Nguyễn Thị Hà cùng với đứa trẻ con của Lâm.

 

"Theo dự kiến, ngay trong buổi chiều hôm nay (12/7) tôi sẽ trực tiếp sang làm việc với Công an huyện Đông Anh tìm hiểu hồ sơ vụ việc"._Luật sư Trần Đình Triển cho hay.

Trao đổi với phóng viên, Luật sư Triển đánh giá: Trong sự việc này cần xem xét đến cả khía cạnh cô Lâm là một người phụ nữ trình độ văn hóa thấp, ít hiểu biết về pháp luật, có dấu hiệu bị lừa tình. Cơ quan công an nên điều tra để xác định, nguyên nhân chính bắt đầu từ Trần Văn Quang. Quang là người đàn ông đã có gia đình.
 
Như vậy đáng ra, cơ quan điều tra có thể căn cứ vào những dấu hiệu đó để khởi tố Quang về tội “vi phạm chế độ một vợ một chồng” đã được quy định rõ tại điều 147 Bộ luật hình sự Việt Nam.

Nhưng Công an huyện Đông Anh đã không khởi tố đối với Trần Văn Quang về tội “vi phạm chế độ một vợ một chồng” mà lại khởi tố vụ án “cưỡng đoạt tài sản” và bắt một lúc hai người phụ nữ đang có thai là Lê Thị Lâm (mang bầu 37 tuần tuổi) và Nguyễn Thị Hà (26 tuần tuổi).

Việc làm của cơ quan điều tra Công an huyện Đông Anh đã đi ngược lại với đường lối, chính sách nhân đạo của Đảng và nhà nước ta. Nghị quyết 48 và 49 của Bộ Chính trị về thực hiện cải cách tư pháp đã nói rất rõ: Hạn chế đến mức tối đa trong công tác bắt tạm giam. Đặc biệt là những tranh chấp về kinh tế, liên quan đến dân sự thì không sử dụng biện pháp bắt tạm giam mà sử dụng đòn bảy kinh tế để giải quyết các mối quan hệ. Quy định của pháp luật và đường lối của Đảng đã thể hiện như vậy.

"Vậy cần phải khởi tố đối với những người ra quyết định trái pháp luật đó, đây chính là một tội trong nhóm tội xâm phạm hoạt động tư pháp", luật sư Trần Đình Triển nhấn mạnh

Luật sư Trần Đình Triển cho rằng: Trong công tác của CQĐT ra quyết định tạm giữ hình sự hay tạm giam thì cần phải kiểm tra lại quyết định đó có thực hay không? Nhưng dù là Quyết định tạm giữ hình sự thì việc làm đó cũng trái với pháp luật. Theo luật sư Trần Đình Triển, vì thời điểm đó CQĐT Công an huyện Đông Anh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can rồi thì các quyết định đó đã hạn chế đến mức tối đa quyền của bị can.

Thông thường khi CQĐT đã tiến hành khởi tố bị can thì sẽ đi liền với lệnh tạm giam, còn với lệnh tạm giữ chỉ áp dụng trong khi bắt khẩn cấp, bắt phạm tội quả tang thì người ta tạm giữ để xem xét có đủ yếu tố để khởi tố bị can, khởi tối vụ an hay không? Lúc đó CQĐT mới áp dụng biện pháp tạm giữ. Trong khi đó, chị Lâm không hề bị bắt trong các trường hợp trên.

Luật sư Triển còn khẳng định: “Việc bắt giữ hai phụ nữ đang mang thai dẫn đến hậu quả một người đẻ rơi chính là thể hiện sự vô trách nhiệm của CQĐT Công an huyện Đông Anh. Như báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa tin, hàng loạt văn bản đưa ra vào ngày 16/2, đó chẳng qua là động tác hợp thức hóa sai phạm khi hậu quả nó đã xảy ra. Về nguyên tắc khi CQĐT tiến hành hủy bỏ biện pháp ngăn chặn đối với Lâm và Hà thì lệnh đó cũng phải được lập biên bản cho bị can, bị cáo ký và để thấy rằng lệnh đó được thực hiện khi nào. Trong khi đó, trao đổi với phóng viên, Lâm đã phủ nhận và cho biết: "Em không ký bất kỳ một văn bản nào hôm ở bệnh viện".

“Nhưng có giải thích như thế nào thì hành động bắt tạm giữ hai phụ nữ có bầu và để dẫn đến hậu quả đẻ rơi là hành vi trái pháp luật. Tại sao pháp luật ngăn cấm chuyện đấy, bởi vì đó không phải chỉ nhằm bảo vệ cho bà mẹ, mà người ta bảo vệ cho một công dân tương lai, một đứa trẻ sắp ra đời. Đây là quyền trẻ em, là tính nhân đạo của con người", luật sư Triển nhấn mạnh.

Luật sư Trần Đình Triển cho rằng: Trong quy định của pháp lệnh điểu tra hình sự, sự việc này cần phải có sự vào cuộc của Cục điều tra Viện KSND tối cao trực tiếp điều tra vì ở đây đã có dấu hiệu rõ ràng của hành vi vi phạm pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng.  

{iarelatednews articleid='7168,7227,6920,6770,6484,6725,6578,6553,6557,6422,6314,6259,6056,5855'}

Minh Châu