Lý giải của Bộ trưởng GD về giá sách là đúng, Bộ Tài chính cần giám sát kỹ hơn

27/05/2022 12:30
Hồng Nhung
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Theo ĐBQH Phan Viết Lượng, Bộ Tài chính - cơ quan quản lý Nhà nước về giá cần giám sát kỹ hơn giá sách giáo khoa nói riêng, cũng như các giá cả thiết yếu khác.

Liên quan đến băn khoăn của dư luận về giá sách giáo khoa hiện nay, Đại biểu Quốc hội Phan Viết Lượng (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khóa XV) đã có cuộc trao đổi với báo chí.

Phóng viên: Thưa Đại biểu Quốc hội Phan Viết Lượng, thời gian qua, câu chuyện giá sách giáo khoa tăng lại đang làm “nóng” dư luận. Mặc dù, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giải thích rõ, việc so sách giá sách mới với sách ở chương trình cũ là khập khiễng, bởi thực hiện xã hội hóa, các nhà xuất bản tự chi tiền ở tất cả các khâu và sách cũng được nâng chất lượng hơn… Lý giải đó có thực sự phù hợp không, thưa ông?

Đại biểu Quốc hội Phan Viết Lượng: Lời giải thích của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo như vậy là đúng!

Chất lượng tốt, đầu tư công phu thì rõ ràng giá thành cao, nhưng vấn đề đặt ra là: Căn cứ vào tuổi thọ của sản phẩm sử dụng đó để lựa chọn vật liệu cho phù hợp. Nếu sử dụng nhiều năm thì chất lượng phải tốt, còn sử dụng trong thời gian ngắn thì không cần đến sách quá dày, quá cứng, quá đẹp... Các đơn vị cũng phải tính đến sử dụng vật liệu nào để đảm bảo giá cả.

Ý kiến của Bộ trưởng giải thích xuất phát từ ý kiến băn khoăn về giá sách giáo khoa hiện nay.

Vì vậy, điều cốt lõi vẫn là làm thế nào để quản lý giá chặt chẽ, Nhà nước phải quản lý giá chặt chẽ, phải định giá, thậm chí phải hỗ trợ giá, đảm bảo công khai minh bạch về giá sách giáo khoa. Phải làm sao đảm bảo đây là một dịch vụ thiết yếu, cần phải có quản lý, giá cả phải hợp lý, không thể chỉ vì lợi nhuận của một ai đó mà nâng giá sách giáo khoa lên được.

Đại biểu Quốc hội Phan Viết Lượng chia sẻ về câu chuyện tăng giá sách giáo khoa. (Ảnh: Thu Huyền).

Đại biểu Quốc hội Phan Viết Lượng chia sẻ về câu chuyện tăng giá sách giáo khoa. (Ảnh: Thu Huyền).

Phóng viên: Vậy theo ông, câu chuyện về quản lý giá sách giáo khoa từ trước đến nay đã quản lý tốt hay chưa?

Đại biểu Quốc hội Phan Viết Lượng: Thời gian qua, cũng đã có giám sát và cũng có băn khoăn về giá cả, cũng thừa nhận giá cao, Bộ Tài chính cũng tham mưu cho Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đề nghị xem xét có trình ra Quốc hội hay không, hay trong thẩm quyền có sự điều chỉnh giá phù hợp.

Đồng thời, các cơ quan cũng mong muốn Bộ Tài chính - cơ quan chuyên quản lý Nhà nước chuyên ngành này cần tăng cường, giám sát kỹ hơn giá sách giáo khoa nói riêng, cũng như các giá cả thiết yếu khác, đặc biệt trong giáo dục và y tế.

Phóng viên: Có phụ huynh phản ánh, học sinh vẫn phải viết, vẽ vào một số cuốn sách trong quá trình học, vậy, với những sản phẩm chỉ sử dụng một lần có nhất thiết phải khổ to, giấy đẹp hay không, đặt trong bối cảnh thực tế hiện nay?

Đại biểu Quốc hội Phan Viết Lượng: Vật liệu, chất liệu để làm nên các sản phẩm bao giờ cũng tính là sản phẩm đó sử dụng trong bao nhiêu lâu, ai sử dụng… điều đó là quan trọng để tính cho phù hợp.

Việc lý giải sách cứng, bìa đẹp, màu đẹp… là đúng.

Nhưng, vấn đề cần quan tâm là có phù hợp với phù hợp với người sử dụng, phù hợp với điều kiện giáo dục của chúng ta hiện nay, điều kiện tuổi thọ của sản phẩm đó như thế nào.

Với giáo dục, không nhất thiết phải đẹp hình thức mà cần chú trọng về nội dung, giá trị sử dụng. Tất cả phải tính toán phù hợp.

Tất nhiên, nếu làm tốt thì có nhiều người mua được, nhưng phần đó là thiểu số vì con em nghèo còn nhiều, việc thực hành tiết kiệm phải đặt lên hàng đầu.

Đồng thời, phải tính đến thị trường, nhưng trong giáo dục phải hết sức thận trọng.

Phóng viên: Vậy vấn đề đặt ra hiện nay là nên cần rà soát về giá để giải đáp chính xác các băn khoăn dư luận về giá sách giáo khoa, thưa ông?

Đại biểu Quốc hội Phan Viết Lượng: Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nói vậy, tức là cũng đã nhìn nhận vấn đề, cần rà soát, đánh giá lại và cần phải giải quyết ngay vấn đề quản lý Nhà nước về giá sách.

Cần phải giải quyết ngay vấn đề quản lý Nhà nước về giá sách, phải giải quyết ngay. Cách đây 3 năm, Ủy ban Văn hóa Giáo dục đã trình vấn đề này, sau đó, có báo cáo gửi các cơ quan Bộ ngành, khảo sát giá. Vừa rồi, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính mới có đề xuất tăng cường quản lý giá, đó là ý kiến xuất phát từ khảo sát.

Vấn đề thực hiện hơi chậm, bây giờ, cần trả lời sớm cho dư luận. Để lâu, đúng - sai đều có sự hoài nghi trong đó. Khi ý kiến cử tri đã chính đáng, phải rốt ráo giải quyết chứ nếu kéo dài là không tốt.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!

Các nhà xuất bản tự kê khai giá với Bộ Tài chính

Ngày 28/11/2014, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Nghị quyết 88 quy định: "Thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa ; có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học."; "Khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông”.

Tại thời điểm thảo luận Nghị quyết 88, đa số các đại biểu Quốc hội cũng như dư luận trong xã hội đều mong muốn thực hiện chủ trương một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa, xã hội hóa trong biên soạn sách giáo khoa và tạo cạnh tranh bình đẳng giữa các bộ sách, giao quyền chủ động lựa chọn sách giáo khoa cho các trường (theo đúng xu thế quốc tế).

Theo điều 5, Luật Xuất Bản, có 7 Nhà xuất bản đăng ký bổ sung chức năng xuất bản sách giáo khoa (trong đó có Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam)

Với việc thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa, các doanh nghiệp (nhà xuất bản) khác nhau sẽ được tham gia in ấn, phát hành… đồng thời, cơ chế tài chính của bộ sách mới và bộ sách hiện hành khác nhau, các nhà xuất bản tự bỏ tiền chi cho khâu biên soạn sách nên giá sách chịu các yếu tố tác động của thị trường, giống các sản phẩm khác của thị trường.

Theo quy định của Luật Giá, giá sách giáo khoa do doanh nghiệp (các nhà xuất bản) tự xây dựng, quyết định giá bán, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đúng đắn, phù hợp của phương án giá sách giáo khoa và thực hiện kê khai giá với cơ quan có thẩm quyền là Bộ Tài chính trước khi đưa ra thị trường; đồng thời thực hiện niêm yết, công khai đầy đủ thông tin về giá sách.

Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực giáo dục, Bộ Giáo dục đã rà soát, sửa đổi, ban hành Thông tư số 05/2022/TT-BGDĐT ngày 19/3/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT ban hành quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa. Trong đó đã quy định cấu trúc và nội dung sách giáo khoa phải phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia về xuất bản phẩm (khuôn khổ bát chữ, số dòng trong bát chữ, số chữ trong một dòng, quy định về kênh hình trong các trang sách giáo khoa theo Tiêu chuẩn quốc gia về sách TCVN 8694:2011).

Bộ Giáo dục đã đề nghị các Nhà xuất bản: kê khai giá sách giáo khoa; rà soát tiết giảm tối đa chi phí sản xuất để giảm giá sách sách giáo khoa; phối hợp với các địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ cung cấp sách giáo khoa cho học sinh thuộc đối tượng chính sách xã hội, học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, hỗ trợ thư viện trường học để có đủ sách giáo khoa; truyền thông rộng rãi đến phụ huynh, học sinh, thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục có đủ thông tin về sách giáo khoa theo chương trình mới.[1]

Ngoài ra, đối với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) là doanh nghiệp Nhà nước do Bộ Giáo dục quản lý, Bộ đã chỉ đạo NXBGDVN nghiên cứu, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đa dạng hóa các kênh phân phối, kết hợp kênh phân phối truyền thống với kênh phát hành qua hình thức thương mại trực tuyến online để giảm chi phí phát hành; đẩy mạnh tái cơ cấu NXBGDVN theo hướng tinh gọn bộ máy, nhân sự, tiết giảm tối đa các bộ phận trung gian, đặc biệt là bộ phận quản lý để giảm chi phí, hạ giá thành và giá bán sách giáo khoa[2]. Thực tế, giá các bộ sách mới của NXBGDVN những năm qua thường thấp hơn giá của các NXB khác trên thị trường.

Đối với các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa, Bộ Giáo dục đã tham mưu, trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền nhiều chế độ, chính sách hỗ trợ các em về chi phí mua sách giáo khoa, đồ dùng học tập. Ngoài các chế độ chính sách chung, hàng năm Bộ đều phối hợp, đề nghị các địa phương quan tâm, có chính sách đặc thù hỗ trợ sách giáo khoa cho các học sinh thuộc hộ nghèo, vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo… trên địa bàn.[3]

Việc triển khai đổi mới sách giáo khoa phổ thông thực hiện quy định của Nghị quyết 88 đã thu hút được đông đảo đội ngũ trí thức, nhà giáo, chuyên gia giỏi tham gia; vì được nhiều Nhà xuất bản tham gia nên việc in ấn, phát hành diễn ra trong môi trường cạnh tranh theo đúng Luật Cạnh tranh năm 2018. Không còn độc quyền trong xuất bản sách giáo khoa như trước đây.

Tuy nhiên, cơ chế kê khai giá như hiện nay sẽ có thể dẫn đến hiện tượng mức giá cao, thấp khác nhau tạo tâm lý bất ổn cho phụ huynh và học sinh, trong khi đó sách giáo khoa thuộc nhóm vật tư giáo dục thiết yếu của học sinh; ảnh hưởng đến an sinh xã hội, đặc biệt người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn nên Nhà nước cần có giải pháp cấp bách để điều tiết giá. Bộ Giáo dục đã có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính và Chính phủ xem xét, quyết định đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá tối đa để trình Quốc hội quyết định[4].

Hiện nay, Bộ Tài chính đang rà soát tổng thể quá trình triển khai, thực hiện Luật Giá, trong đó sẽ tiếp tục đánh giá, báo cáo Quốc hội xem xét bổ sung sách giáo khoa vào danh mục nhà nước định giá.

Tài liệu tham khảo:

[1] Công văn số 1830/BGDĐT-KHTC; Công văn số 1867/BGDĐT-KHTC; …

[2] Công văn số 1867/BGDĐT-KHTC ngày 07/5/2021

[3] Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021; Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT ngày 29/5/2009; Quyết định số 01/2003/QĐ-BGDĐT.

[4] Công văn số 4146/BGDĐT-KHTC ngày 22/9/2021

Hồng Nhung