Lý giải việc nối lại thương vụ Su-35 giữa Nga và TQ

04/12/2012 20:14
Theo báo Đất Việt
Tại sao Nga và Trung Quốc đồng ý nối lại thương vụ sau khi thương vụ này bị "đóng băng" vào hồi đầu năm 2012.
Sau những sự phô trương về các mẫu máy bay tự chế tạo, Bắc Kinh vẫn duy trì việc theo đuổi những mẫu máy bay mới nhất của Nga, cụ thể là mẫu Su-35.

Theo nguồn tin ở Moscow, Nga và Trung Quốc sắp đạt được thỏa thuận đầu tiên về hợp đồng bán lại Su-35. Thương vụ tưởng chừng bị khép lại sau khi cả Nga và Trung Quốc đều có động lực từ bỏ thỏa thuận khi không đồng ý được về những điều khoản của hợp đồng hồi đầu năm 2012.
Đặt trong bối cảnh J-15 của Trung Quốc hạ cánh thành công trên Liêu Ninh hay việc thử nghiệm mẫu máy bay tàng hình mới đều là những tít báo được giới lãnh đạo Trung Quốc ưa thích, tin tức nối lại thương vụ Su-35 cho thấy: Trung Quốc vẫn có những hạn chế.
Về phía Nga, ý nghĩ rằng chiếc máy bay chiến đấu đáng giá của mình sẽ bị Trung Quốc xẻ thịt không thương tiếc rồi sao chép và sản xuất hàng loạt những chiếc y hệt – có chăng chỉ khác màu sơn – khiến Moscow không thể nào yên dạ. Đó cũng là lý do Moscow không đồng ý việc Bắc Kinh chỉ mua một lượng máy bay hạn chế.
Ảnh minh họa/ Nguồn: Internet
Ảnh minh họa/ Nguồn: Internet

Tuy nhiên, cả hai bên đều có sự nhượng bộ, Trung Quốc có thể sẽ giành được một hợp đồng mua 24 chiếc Su-35, không nhiểu như phía Nga mong muốn nhưng cũng đủ để tăng doanh thu một cách đáng kể.
Trung Quốc rõ ràng là rất thèm muốn có được Su-35, có thể là để trang bị cho quân đội của mình, có thể qua đó để “học hỏi” công nghệ, cũng có thể cả hai mục đích trên. Nga có thể sẽ phải bực mình khi Trung Quốc mua một loạt 24 chiếc Su-35 theo kiểu “một đi không trở lại”, nhưng ít ra họ đã sẵn sàng. 
Hiện nay, khi căng thẳng ở vùng biển phía Đông và phía Nam Trung Quốc đang lên cao, việc mua máy bay chiến đấu Su-35 càng trở nên có lý hơn hết. Các máy bay của Trung Quốc bây giờ gần như đã vượt mặt thế hệ F-15 của Nhật Bản.
Đơn hàng Su-35 sẽ là niềm hân hoan cuối cùng của Nga tại thị trường đặc biệt này vì Trung Quốc sắp đạt ngưỡng “tự cung tự cấp" cho nhu cầu quốc phòng của mình. Còn Ấn Độ, quốc gia từng một thời phụ thuộc rất lớn vào Nga, giờ đã dần hoàn thiện cơ sở cung cấp riêng của mình.

Tất cả các cửa đều đã khép lại và xa hơn nữa, thị trường Syria cũng đang có những tín hiệu xấu. Thậm chí, những đơn hàng từ Venezuela cũng trở nên cực kỳ hên xui vì phải phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của tổng thống Hugo Chavez.
Đó là lý do mà Moscow sẽ phải suy nghĩ về việc bán chiếc máy bay chiến đấu tốt cho người Trung Quốc và doanh thu có thể sẽ không chỉ đơn thuần là tiền mặt từ Bắc Kinh. Có thể dựa vào đơn hàng này, Nga hi vọng sẽ đạt được một số đòi hỏi nhất định trên một vùng lãnh thổ nào đó cho chiếc chiến đấu cơ của mình.
Theo báo Đất Việt