Máy bay J-15 là thủ đoạn tấn công duy nhất của tàu sân bay Liêu Ninh

18/05/2013 09:13
Việt Dũng
(GDVN) - Năng lực tấn công đối đất của máy bay J-15 TQ rất hạn chế, không thể so với F/A-18, còn tàu sân bay nội địa đầu tiên vẫn sẽ sử dụng động cơ hơi nước.
Tàu sân bay Liêu Ninh không có năng lực tác chiến, dễ làm "mồi" cho tên lửa và tàu ngầm.
Tàu sân bay Liêu Ninh không có năng lực tác chiến, dễ làm "mồi" cho tên lửa và tàu ngầm.

Ngày 16/5, trang mạng bình luận quân sự Nga có bài viết nhan đề “Vấn đề của Trung Quốc trên con đường tàu sân bay”.

Bài viết cho rằng, trước khi chế tạo tàu sân bay mới và xây dựng biên đội tàu sân bay tương ứng, Trung Quốc trước tiên phải xác định sử dụng một số phương án lực lượng tấn công – nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới kết cấu cụ thể của tàu sân bay mới.

Trên phương diện này, cần thiết phải tìm hiểu quá trình chế tạo tàu sân bay của Mỹ và Liên Xô. Từ Chiến tranh thế giới lần thứ hai đến nay, Mỹ luôn dựa vào tư tưởng nền tảng cụm tấn công tàu sân bay để thiết kế và chế tạo tàu sân bay.

Với tiền đề này, lực lượng hàng không của Hải quân Mỹ không những có thể thực hiện nhiệm vụ tiêu diệt các mục tiêu của kẻ thù, mà còn đảm đương nhiệm vụ quan trọng là dò tìm và phát hiện mục tiêu, trong đó bản thân tàu sân bay chỉ đảm đương nhiệm vụ bảo đảm cho máy bay tác chiến.

Những nhiệm vụ còn lại như phát hiện và tiêu diệt tàu ngầm địch, chủ yếu do tàu chiến hộ tống đảm nhiệm. Cụm tấn công tàu sân bay hiện vẫn là nền tảng của lực lượng tấn công Hải quân Mỹ, chúng có thể đến khu vực nhiệm vụ trong thời gian rất ngắn và tiến hành tấn công kẻ thù, hoặc điều động lực lượng.

Tàu sân bay của Liên Xô thường bị coi là tàu tuần dương hạng nặng mang theo máy bay, tư tưởng phát triển của chúng hoàn toàn khác với của Mỹ. Nhiệm vụ chính của tàu sân bay Hải quân Liên Xô là phòng thủ đối không. Ngoài ra, tất cả tàu sân bay Type 1143 do Liên Xô thiết kế chế tạo đều trang bị hệ thống vũ khí chống hạm có hỏa lực mạnh.

Vũ khí trên tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc
Vũ khí trên tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc

Vì vậy, những tàu sân bay này đồng thời cũng đảm đương chức năng của tàu khu trục hoặc tàu tuần dương hộ tống. Nhiệm vụ chủ yếu của hạm đội Liên Xô biên chế tàu tuần dương trang bị máy bay hạng nặng là bảo vệ tàu ngầm mang theo tên lửa chiến lược. Đương nhiên, hiện nay rất khó tiến hành đánh giá độ chính xác của phương án biên đội tàu sân bay này của Liên Xô.

Cho đến nay, cụm tấn công tàu sân bay Mỹ vẫn thỉnh thoảng tham gia các cuộc xung đột, còn Hải quân Nga thì đã sớm mất đi khả năng triển khai hành động theo tư tưởng trước đây.

Trung Quốc có thể sẽ chọn lựa một loại trong các phương án của Mỹ và Liên Xô, nhưng điều có khả năng nhất hiển nhiên là chiến lược mà Mỹ tiến hành. Những năm gần đây, công nghiệp đóng tàu của Trung Quốc bắt đầu tích cực chế tạo các loại tàu chiến kiểu mới, trong đó bao gồm tàu chiến cỡ lớn.

Từ xu thế phát triển hiện nay suy đoán, Hải quân Trung Quốc có triển vọng bắt đầu triển khai tuần tra vùng biển Thái Bình Dương trong mấy năm tới. Trong tình hình này, sử dụng cụm tấn công tàu sân bay chắc chắn là phương pháp tốt nhất dùng để bảo đảm hiện diện ở các khu vực Thái Bình Dương và phô diễn thực lực quân sự.

Ngoài chiến lược phát triển hạm đội tàu sân bay, số lượng chế tạo tàu sân bay cũng là một vấn đề phải đề cập tới. Hiện nay, Hải quân Trung Quốc chỉ có một tàu sân bay vẫn chưa có năng lực tác chiến.

Quan điểm Trung Quốc cuối cùng cần bao nhiêu tàu sân bay tồn tại sự khác biệt to lớn, trong đó một quan điểm phổ biến nhất là, Trung Quốc cần chế tạo 5-6 tàu sân bay - phương pháp suy đoán rất đơn giản: Hải quân Trung Quốc có 3 hạm đội, mỗi hạm đội ít nhất cần trang bị 1 tàu sân bay hoặc là mỗi hạm đội xây dựng 2 cụm tàu sân bay. Như vậy có thể đã dự đoán cơ bản đúng về số lượng tàu sân bay của TQ trong tương lai.

Tham vọng sở hữu cụm tấn công tàu sân bay của Trung Quốc còn xa vời
Tham vọng sở hữu cụm tấn công tàu sân bay của Trung Quốc còn xa vời

Tuy nhiên, nhìn vào quy mô hiện có của Hải quân Trung Quốc có thể suy đoán, cho dù là chiến lược có quy mô khổng lồ nhất - quân đoàn chiến dịch - Hạm đội Bắc Hải, cũng chỉ có khả năng trang bị một tàu sân bay. Đương nhiên, cân nhắc đến Hạm đội Bắc Hải trang bị tàu ngầm hạt nhân tên lửa chiến lược, nếu như dựa theo lý luận sử dụng tàu sân bay của Liên Xô, trong vấn đề phân phối tàu sân bay, hạm đội này có thể có vị trí ưu thế đặc biệt.

Cùng với việc xác định phương hướng phát triển biên đội tàu sân bay, Trung Quốc cũng cần giải quyết vấn đề công nghệ có số lượng rất lớn và phức tạp. Vấn đề cần đối mặt trước tiên là hệ thống động lực. Động cơ trang bị cho tàu sân bay Liêu Ninh là tua-bin hơi nước được phần lớn tàu chiến cỡ lớn Liên Xô sử dụng, tàu sân bay chế tạo mới trong tương lai của Trung Quốc có thể sẽ lựa chọn thiết bị động cơ hạt nhân - kinh nghiệm thiết kế lò phản ứng cho tàu ngầm hạt nhân trước đây của Trung Quốc sẽ thúc đẩy nghiên cứu chế tạo hệ thống động lực hạt nhân cho tàu sân bay.

Bất kể như thế nào, nghiên cứu chế tạo động cơ hạt nhân cho tàu sân bay đều sẽ tiêu tốn rất nhiều thời gian của Trung Quốc. Vì vậy, lô tàu sân bay mới đầu tiên do Trung Quốc chế tạo vẫn sẽ sử dụng động cơ hơi nước.

Trên thực tế, hiện nay tất cả những nước trang bị tàu sân bay đều từng trải qua con đường phát triển quá độ từ động cơ hơi nước tới động cơ hạt nhân. Chẳng hạn, Hải quân Mỹ mãi đến đầu thế kỷ này vẫn đồng thời trang bị 2 loại tàu sân bay sử dụng 2 loại động cơ, tàu sân bay USS  Kitty Hawk (CV 63) trang bị động cơ hơi nước mãi đến năm 2009 mới nghỉ hưu.

Trung Quốc còn lâu mới chế được tàu sân bay động cơ hạt nhân
Trung Quốc còn lâu mới chế được tàu sân bay động cơ hạt nhân

Pháp cũng bắt đầu chế tạo tàu sân bay động cơ hạt nhân (tàu sân bay Charles De Gaulle R91) từ giữa thập niên 90 của thế kỷ trước. Trước đó, Liên Xô cũng từng có kế hoạch chế tạo tàu sân bay động cơ hạt nhân mang tên Ulyanovsk. Nhưng do các vấn đề kinh tế, chính trị và các phương diện khác, nên công việc chế tạo tàu sân bay này ngay từ ban đầu đã đầy khó khăn, sau khi Liên Xô tan rã, kế hoạch chế tạo này bị hủy bỏ.

Mọi người đều biết, trong quá trình cải tạo tàu sân bay Varyag thành tàu sân bay Liêu Ninh, Trung Quốc cuối cùng đã từ bỏ hệ thống tên lửa chống hạm. Như vậy, thủ đoạn tấn công duy nhất của tàu sân bay Liêu Ninh chỉ còn lại có máy bay chiến đấu J-15. Trong 10 năm gần đây, Trung Quốc luôn tích cực thúc đẩy kế hoạch nghiên cứu chế tạo máy bay chiến đấu hạng nặng J-15.

Trước đó, do đã xảy ra sự kiện Trung Quốc không xin phép Nga tự tiện sao chép máy bay chiến đấu Su-27, làm cho Nga cuối cùng từ chối xuất khẩu máy bay chiến đấu hải quân Su-33 cho Trung Quốc.

Được biết, phía Trung Quốc từng tìm kiếm mua sắm hai máy bay chiến đấu Su-33 để "đánh giá", trong khi đó Nga đề xuất lượng mua tối thiểu phải là 48 chiếc. Do không thể đạt được nhất trí, Trung Quốc cuối cùng chỉ có thể mua 1 máy bay nguyên mẫu của Su-33 từ Ukraine - tức là máy bay T-10K còn lưu lại của thời kỳ Liên Xô cũ, và cuối cùng lấy máy bay này làm bản gốc để nghiên cứu chế tạo ra máy bay J-15.

Thủ đoạn tấn công duy nhất của tàu sân bay Liêu Ninh là máy bay chiến đấu hải quân J-15
Thủ đoạn tấn công duy nhất của tàu sân bay Liêu Ninh là máy bay chiến đấu hải quân J-15

Theo tuyên truyền của truyền thông Trung Quốc, một ưu thế lớn của J-15 là nó có thể tấn công mục tiêu mặt đất. Trong bảng lắp ráp vũ khí của Su-33, cũng gồm có bom không dẫn đường lớp 500 kg và các loại đạn tên lửa. Trong thời gian thử nghiệm, Nga từng tìm cách trang bị tên lửa chống hạm X-41, nhưng Su-33 phiên bản sản xuất hàng loạt lại hoàn toàn không có khả năng mang theo loại vũ khí này.

Khách quan mà nói, Su-33 trước hết là được dùng làm một loại máy bay chiến đấu phòng không, nhiệm vụ chủ yếu là bảo vệ trên không cho hạm đội, tấn công đối đất chỉ là một khả năng phụ. Còn J-15 của Trung Quốc mặc dù hiện nay vẫn chưa công bố thông tin chính xác về trang bị vũ khí của nó, nhưng có lý do để tin là, năng lực tấn công đối đất của nó cũng rất có hạn. Nếu như Trung Quốc muốn dựa vào tiêu chuẩn của người Mỹ để chế tạo một hạm đội tàu sân bay, như vậy nhất định phải nghiên cứu chế tạo vũ khí dẫn đường đồng bộ cho J-15.

Những thông tin có liên quan đến thiết bị điện tử của J-15 cũng rất ít. Chuyên gia Trung Quốc tuyên bố, năng lực tính toán của máy tính trang bị cho J-15 phải cao hơn Su-33 mấy lần. Tuy nhiên, nếu thiếu thiết bị đồng bộ có tính năng tương đương khác, tính năng của máy tính chưa chắc có thể được phát huy đầy đủ.

Ví dụ, radar tính năng không tốt sẽ làm hạn chế phát huy tiềm năng của máy tính. Điều thú vị là, đến nay vẫn chưa có bất cứ thông tin nào về radar của J-15 được công bố. Tuy có phương tiện truyền thông cho rằng, máy bay này đã trang bị radar mảng pha quét điện tử chủ động, nhưng tin tức này rất đáng nghi ngờ. Cho dù như thế nào, tính năng của các loại thiết bị điện tử của máy bay chỉ khi bảo đảm được sự cân đối thì mới có thể phát huy được hiệu quả tối đa.

Nhưng, khả năng tấn công đối đất của J-15 "rất hạn chế", thiết bị "thiếu đồng bộ", không thể so với máy bay F/A-18 của Mỹ.
Nhưng, khả năng tấn công đối đất của J-15 "rất hạn chế", thiết bị "thiếu đồng bộ", không thể so với máy bay F/A-18 của Mỹ.

Trên thực tế nếu như đem J-15 ra so sánh với máy bay chiến đấu hải quân F/A-18 phiên bản mới nhất của Mỹ, thì J-15 chưa chiếm được ưu thế gì.  Điều cần chỉ ra ở đây là, thời gian trang bị chính thức J-15 cho quân đội sẽ không sớm hơn năm 2014, trong vài năm tới, Trung Quốc sẽ không sở hữu máy bay chiến đấu hải quân có thể chống lại máy bay chiến đấu kiểu mới của các nước phát triển.

Cho dù Trung Quốc đã giải quyết thành công tất cả vấn đề trên phương diện chế tạo tàu sân bay mới và máy bay hải quân hiện đại, họ vẫn phải đối mặt với một loạt vấn đề nan giải. Thứ nhất là vấn đề sử dụng biên đội tàu sân bay - về lý luận, họ phải hoàn thành giải quyết trong giai đoạn thiết kế tàu sân bay, nhưng phương thức vận dụng tác chiến của tàu sân bay cần có thời gian để tiến hành các loại sửa chữa.

Trong vấn đề liên quan tới tranh chấp lãnh thổ mà lực lượng hàng không bờ biển không thể vươn tới, sẽ không thể tránh khỏi gặp phải vấn đề - phải chăng cần sử dụng tàu sân bay. Một khi đưa ra quyết định sử dụng tàu sân bay, biên đội tàu sân bay Trung Quốc sẽ phải điều đến vùng biển cách xa căn cứ.

Trong tương lai, Trung Quốc sẽ sử dụng tàu sân bay để tranh đoạt biển đảo với láng giềng?
Trong tương lai, Trung Quốc sẽ sử dụng tàu sân bay để tranh đoạt biển đảo với láng giềng?

Trong tương lai, khu vực hoạt động của tàu sân bay Trung Quốc có thể sẽ vươn tới toàn bộ Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, dựa vào thủ đoạn này, Trung Quốc sẽ có thể gây sức ép chính trị lên các đối thủ cạnh tranh của khu vực này, đặc biệt là Mỹ và Ấn Độ. Xét tới xu thế phát triển mới nhất của lực lượng vũ trang ba nước Trung-Mỹ-Ấn, có thể suy đoán, đến năm 2020, thực lực của Hải quân Trung Quốc sẽ chỉ đứng sau Hải quân Mỹ ở khu vực Nam Thái Bình Dương.

Còn ở vùng biển phía bắc Thái Bình Dương, tàu sân bay Trung Quốc sẽ trở thành mối đe dọa hàng đầu cần ứng phó của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản. Sau khi sở hữu cụm tấn công tàu sân bay, khi cần thiết, Hải quân Trung Quốc sẽ có năng lực phát động tấn công đối với bất cứ mục tiêu nào của Nhật Bản. Rõ ràng là, tàu sân bay sẽ trở thành nhân tố quan trọng ảnh hưởng tới quan hệ Trung-Nhật, biên đội tàu sân bay sẽ trở thành một thủ đoạn nữa để Bắc Kinh gây sức ép lên "hàng xóm láng giềng" cứng rắn.

Nói chung, chế tạo vài chiếc tàu sân bay sẽ nâng cao rõ rệt tiềm lực tác chiến của Hải quân Trung Quốc, củng cố ham muốn địa vị "làm lãnh đạo khu vực" của Trung Quốc. Nhưng, một vấn đề chủ yếu Trung Quốc phải đối mặt là: Chiếc tàu sân bay duy nhất hiện có của Hải quân Trung Quốc vẫn chưa có khả năng tác chiến, đồng thời cũng thiếu máy bay chiến đấu hải quân đầy đủ.

Nếu Hải quân Trung Quốc muốn thông qua tàu sân bay Liêu Ninh để tích lũy kinh nghiệm cần thiết trong thiết kế và chế tạo tàu sân bay mới tương lai, thì quá trình này sẽ rất dài. Mặc dù trong điều kiện lý tưởng nhất, cũng phải đến năm 2016 mới có thể trang bị máy bay chiến đấu hải quân đầy đủ cho tàu sân bay Liêu Ninh. Trước đó, Hải quân Trung Quốc cần phải có thời gian 2-3 năm để kiểm tra điểm mạnh/yếu của con tàu này.

Tàu ngầm sẽ là "khắc tinh" của các loại tàu nổi cỡ lớn, trong đó có tàu sân bay của Trung Quốc
Tàu ngầm sẽ là "khắc tinh" của các loại tàu nổi cỡ lớn, trong đó có tàu sân bay của Trung Quốc

Việt Dũng