Mô hình "nuôi heo đất tiết kiệm tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện” tại Trà Vinh

16/03/2022 09:50
Thu Giang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Mô hình “nuôi heo đất tiết kiệm tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện” đang được triển khai, nhân rộng tại tỉnh Trà Vinh đã cho thấy những hiệu quả rõ rệt.

Tham gia chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, người lao động tự do có cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng và được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí (trong suốt quá trình hưởng lương hưu) để bảo đảm cuộc sống và chăm sóc sức khỏe khi về già.

Với ý nghĩa, lợi ích thiết thực đó, trên cả nước đã và đang xuất hiện nhiều mô hình, cách làm sáng tạo để giúp người dân tham gia lưới an sinh bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Trong đó, mô hình “nuôi heo đất tiết kiệm tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện” đang được triển khai, nhân rộng tại tỉnh Trà Vinh đã cho thấy những hiệu quả rõ rệt, thu hút được sự hưởng ứng của đông đảo người dân.

Lễ ra mắt “Mô hình nuôi heo đất tiết kiệm tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình” trên địa bàn thành phố Trà Vinh năm 2021

Lễ ra mắt “Mô hình nuôi heo đất tiết kiệm tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình” trên địa bàn thành phố Trà Vinh năm 2021

Ra đời từ năm 2020, mô hình “nuôi heo đất tiết kiệm để tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện” của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Trà Vinh đến nay đã được triển khai và nhân rộng với 40 Tổ tiết kiệm gồm 688 thành viên tại 9/9 địa phương trong toàn tỉnh.

Tham gia mô hình nuôi heo đất, mỗi chị em hội viên sẽ tích góp một khoản tiền trong chi tiêu hằng ngày bỏ vào con heo đất, đến kỳ sinh hoạt của Chi hội phụ nữ, số tiền này được chị em dùng để đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện tương ứng với mức đóng phù hợp.

Bằng cách thức tham gia đơn giản, tiện lợi, mô hình nuôi heo đất không chỉ giúp chị em hội viên có ý thức tiết kiệm mà còn yên tâm, tự tin lo cho tương lai khi về già sẽ có lương hưu và thẻ bảo hiểm y tế nhờ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện ngay khi còn trẻ.

Mô hình “nuôi heo đất tiết kiệm tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện” tại tỉnh Trà Vinh đã cho thấy những hiệu quả rõ rệt.

Với mô hình này, chỉ trong năm 2021, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đã vận động, phát triển được 1.583 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện (tăng gần gấp 3 lần so với năm 2020), đạt 158,3% chỉ tiêu kế hoạch bảo hiểm xã hội tỉnh giao. Kết quả này đã góp phần cùng bảo hiểm xã hội tỉnh hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch được giao trong năm 2021 với 19.433 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, chiếm tỷ lệ hơn 3,86% lực lượng lao động của tỉnh.

Đạt và vượt chỉ tiêu Tỉnh ủy Trà Vinh giao về số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện năm 2021 theo Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 19/01/2021 (đạt 3% lực lượng lao động trong độ tuổi).

Mô hình “nuôi heo đất tiết kiệm tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện” đang được triển khai, nhân rộng tại tỉnh Trà Vinh

Mô hình “nuôi heo đất tiết kiệm tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện” đang được triển khai, nhân rộng tại tỉnh Trà Vinh

Vừa khui heo đất với thành quả sau 1 tháng tiết kiệm, bà Trần Thị Hết - Xã Hiệp Mỹ Tây, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh phấn khởi nói: “Tôi tham gia nuôi heo đất này được hơn 1 năm rồi. Mỗi ngày, tôi bỏ vào heo 10.000 đồng nhưng cũng có khi hai, ba ngày mới tích góp được hai chục thì tôi bỏ hai chục; năm, bảy ngàn thì bỏ năm, bảy ngàn. Bây giờ làm sao để cố gắng dành dụm nuôi heo cho nó mập lên và tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hằng tháng, sau này không phải phụ thuộc vào con cháu”.

Bà Nguyễn Thị Thu - Xã Hiệp Mỹ Tây, huyện Cầu Ngang năm nay 60 tuổi có hoàn cảnh khó khăn khi phải nuôi cháu nhỏ, nhưng bà vẫn hứng khởi tham gia vào Tổ nuôi heo đất. Mỗi ngày tiết kiệm một chút, bà tin rằng sau này khi không còn lao động được nữa, bà sẽ có một chỗ dựa tài chính an tâm trang trải cuộc sống và được chăm sóc sức khỏe.

Bà Thu tâm sự: “Tham gia bảo hiểm xã hội này rất là tốt, sau này, mình được lĩnh lương hưu hằng tháng cũng đỡ gánh nặng cho con cháu. Mình lại còn có cả thẻ bảo hiểm y tế để đi KCB, không phải lo vì tốn tiền chữa bệnh nữa”.

Không chỉ bà Hết, bà Thu, hàng trăm chị em phụ nữ khác tại huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh cũng đang là hội viên tích cực tham gia mô hình này.

Tiếp nối thành công triển khai mô hình “Góp vốn xoay vòng” để tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình, năm 2020, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Cầu Ngang đã ra mắt mô hình “nuôi heo đất tiết kiệm mua bảo hiểm xã hội tự nguyện cho hội viên”.

Ngay sau khi Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Cầu Ngang kêu gọi thành lập Tổ phụ nữ nuôi heo đất tiết kiệm mua bảo hiểm xã hội tự nguyện, rất nhanh chóng các bà, các cô và các chị em đều phấn khởi tham gia.

Nhờ đó, năm 2020 - năm đầu tiên triển khai mô hình mới này, huyện Cầu Ngang đã có 1.971 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, tăng hơn 220% so với năm 2019.

Mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19, song đến nay, toàn huyện đã phát triển được 32 Tổ Phụ nữ nuôi heo đất, với mỗi tổ ít nhất 15 thành viên.

Đánh giá hiệu quả của mô hình này tại địa bàn, bà Võ Thị Thúy Hằng - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Cầu Ngang cho biết, đây là mô hình hết sức thiết thực phù hợp với điều kiện hoàn cảnh kinh tế của chị em hội viên phụ nữ địa phương.

Trước đây, chỉ có cán bộ, công chức nhà nước mới có lương hưu nhưng nay thông qua chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, người lao động tự do cũng có cơ hội được hưởng lương hưu.

“Có thể nói chính sách này rất phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân cũng như hội viên Hội Phụ nữ…”, bà Hằng chia sẻ.

Các chị em Hội Liên hiệp phụ nữ xã Hiệp Mỹ Tây, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh phấn khởi “nuôi heo đất tiết kiệm tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

Các chị em Hội Liên hiệp phụ nữ xã Hiệp Mỹ Tây, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh phấn khởi “nuôi heo đất tiết kiệm tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

Để góp phần động viên, đồng thời trực tiếp tư vấn, giải thích cặn kẽ những thắc mắc liên quan đến chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện cho bà con, định kỳ hàng tháng, Tổ công tác bảo hiểm xã hội huyện Cầu Ngang xuống tận địa phương gặp gỡ và trao tặng các thành viên của Tổ nuôi heo đất những chú heo mới.

Những buổi giao lưu, gặp gỡ này không chỉ góp phần tuyên truyền, đưa chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước đến gần hơn với người dân, mà còn đem đến niềm vui, niềm tin về điểm tựa an sinh cho các chị em, và rồi chính họ trở thành những tuyên truyền viên tích cực trên quê hương mình với niềm tin rồi sẽ có nhiều chị em tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để có cuộc sống thảnh thơi hơn khi về già.

Phát huy những kết quả đạt được, ông Ngọc Phương Thanh - Giám đốc bảo hiểm xã hội huyện Cầu Ngang thông tin, trong năm 2022, bảo hiểm xã hội huyện và Hội Liên hiệp phụ nữ huyện sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình, cách làm hay này đến tất cả các ấp.

Mục tiêu đặt ra mỗi ấp phải có ít nhất 1 Tổ nuôi heo đất tiết kiệm để giúp người dân có điều kiện tiếp cận và tham gia chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện nhân văn này của Đảng và Nhà nước.

Có thể nói, mô hình “Nuôi heo đất tiết kiệm tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện” tại tỉnh Trà Vinh đã và đang mang lại những hiệu quả thiết thực.

Bên cạnh 40 Tổ nuôi heo đất tiết kiệm tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, hiện toàn tỉnh Trà Vinh còn có 62 Tổ tiết kiệm tham gia bảo hiểm y tế và mô hình này sẽ tiếp tục được Hội Liên hiệp phụ nữ phối hợp bảo hiểm xã hội tỉnh phát triển, nhân rộng trong thời gian tới để góp phần thúc đẩy mục tiêu bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên địa bàn.

Thu Giang