Một đám cưới bằng xây hàng trăm điểm trường cho học sinh miền núi

08/03/2012 06:00
Thành Chung
(GDVN) - Nếu chi phí đám cưới là 25 tỉ thì sẽ có 100 điểm, còn nếu là 50 tỉ sẽ có tới 200 điểm trường dành cho các học sinh vùng cao như ở Kim Bon (Sơn La)...
Xung quanh hàng loạt đám cưới khủng được các "đại gia" tổ chức ở một số vùng quê như gần đây nhất ngày 29/2/2012, đám cưới “khủng” tại Hương Sơn, Hà Tĩnh khiến nhiều người phải choáng váng không chỉ bởi số tiền chi tiêu chóng mặt mà còn có cả sự góp mặt của các ngôi sao giải trí hàng đầu showbiz Việt và hải ngoại như: Đàm Vĩnh Hưng, Phi Nhung, Mạnh Quỳnh, Quang Lê, MC Lê Anh… Ước tổng chi phí cho tiệc cưới không dưới 50 tỷ đồng (?!).

Hay đám cưới đình đám được "đại gia" thủy san Bình An tổ chức cho con mặc dù đang nợ người nông dân hàng trăm tỉ đồng hoặc đám cưới rình rang vào cuối tháng 12/2011 của một đại gia tại Tân Lập, Thái Nguyên ... tòa soạn đã nhận được rất nhiều những ý kiến, phản hồi, đồng thời là những câu hỏi của độc giả.
Chi phí để tổ chức đám cưới "khủng" ở Hương Sơn nếu đúng ở mức 25 hoặc 50 tỉ thì bằng giá trị của hàng trăm điểm trường dành cho học sinh vùng núi như ở Kim Bon (Sơn La). (Ảnh: Internet)
Chi phí để tổ chức đám cưới "khủng" ở Hương Sơn nếu đúng ở mức 25 hoặc 50 tỉ thì bằng giá trị của hàng trăm điểm trường dành cho học sinh vùng núi như ở Kim Bon (Sơn La). (Ảnh: Internet)
Đa phần các ý kiến độc giả đều cho rằng, việc tổ chức những đám cưới là tiền riêng của các gia đình, họ được quyền làm vậy nhưng xét trên mặt bằng chung của địa phương, đất nước thì đó là sự lãng phí và chẳng khác gì thói “chơi ngông, chơi trội”.
“Tuy bảo là tiền của họ nhưng có đáng để làm đám cưới hoành tráng đến thế không, trong khi còn biết bao nhiêu hoàn cảnh còn đang khó khăn còn đang ở ngoài kia. Hàng chục tỷ đồng cho một đám cưới có thể giúp hàng trăm, hàng ngàn con người trong xã hội bớt nghèo khổ. Cái danh, cái tiếng, cái cá nhân đã che lấp đi cái tính cộng đồng của họ. Thật đáng buồn”, độc giả Chí Thành chia sẻ.
Đồng quan điểm đó, độc giả Vũ Hải đặt vấn đề: “Thực sự là quá lãng phí. Những lúc đồng bào Hà Tĩnh, Nghệ An… gặp cơn lũ lụt, ngập trắng, mất người, tài sản thì họ có quyên góp ủng hộ không? hay là bận kiếm tiền ở nơi khác. Giờ về thì chi hàng chục tỷ để tổ chức đám cưới linh đình như vậy, rồi khi trả lời báo chí lại nói tổ chức vì người dân, dành tiền mừng để từ thiện, thật sự là sự bao biện. Giá trị của cuộc sống là cái Chân – thiện – mỹ chứ không phải khác người”.
Còn độc giả Thu Hòe không khỏi bức xúc: “Thực sự khi đọc các bài báo viết về những đám cưới khủng trong thời gian vừa qua tôi không khỏi bất bình bởi sự lãng phí, phô trương, thậm chí nói không ngoa đó chẳng qua là thói chơi ngông, đánh bóng tên tuổi của các đại gia này.”
Từ việc cùng báo GDVN thực hiện chuyến hành trình từ thiện lên Kim Bon (Phù Yên, Sơn La) độc giả Thu Hòe tính toán:  “Báo GDVN đang thực hiện quyên góp xây dựng các điểm trường lẻ giúp các em học sinh ở đây học tập thuận tiện hơn. Với giá thành dự toán xây dựng của mỗi điểm trường ở Kim Bon là khoảng 250 triệu đồng thì với số tiền 25 tỉ mà đại gia ở Hương Sơn, Hà Tĩnh chi ra để tổ chức đám cưới cho con có thể giúp xây dựng được 100 điểm trường, còn nếu là 50 tỉ đồng thì sẽ giúp xây 200 điểm trường để giúp cho hàng hàng trẻ em ở vùng sâu, vùng xa có điều kiện học hành tốt hơn…”.



Thuế nhà nước có được đảm bảo?
Cũng liên quan đến vấn đề này, nhiều bạn đọc của báo GDVN cũng đặt vấn đề, với mức chi phí bỏ ra để tổ chức những đám cưới “khủng” cho con như vậy nhưng việc kinh doanh, thu nhập của các đại gia này lại vẫn đang là dấu hỏi chấm, đây là điều cần phải được xem xét. Thêm vào đó, không ít bạn đọc cũng cho rằng, với chi phí như vậy, chắc chắn thu nhập của các đại gia này sẽ rất cao, vậy việc đóng góp cho thuế của đất nước của họ có được thực hiện đầy đủ (?). 
Với chi phí đám cưới khủng như vậy, chắc chắn thu nhập của các đại gia là rất lớn nên cần phải xem các đại gia này có thực hiện nghiêm nghĩa vụ thuế với nhà nước không?.
Với chi phí đám cưới khủng như vậy, chắc chắn thu nhập của các đại gia là rất lớn nên cần phải xem các đại gia này có thực hiện nghiêm nghĩa vụ thuế với nhà nước không?.
“Nếu gia đình họ làm giàu chân chính và thực hiện nghĩa vụ thuế đầy đủ tương ứng với sự hình thành khối tài sản giàu có của họ hiện tại, thì một đám cưới như thế đáng tự hào. Còn làm giàu bất chính, gian lận thương mại, trốn thuế... thì một đám cưới như thế là không chấp nhận được. Dù sao trong khi người dân còn nghèo mà tổ chức cái đám cưới như thế không giá trị bằng để tiền đó cho cô dâu chú rể đi làm từ thiện", độc giả Đặng Hùng Việt nhấn mạnh.
Trao đổi với PV báo GDVN, ông Nguyễn Văn Huấn, đang công tác trong ngành tòa án ở Hưng Yên cho rằng, việc họ tổ chức các đám cưới to hay nhỏ là quyền của các "đại gia" bởi tiền tổ chức là họ bỏ ra. Tuy nhiên tổ chức rình rang với chi phí lên tới hàng chục tỉ đồng trong khi xung quanh người dân còn nghèo khó, rồi linh đình trong khi còn nợ tiền của nông dân thì quả thật là quá lãng phí và cần phải lên án.  "Trong hội nghị ngành thuế toàn quốc vừa qua đã đưa ra những con số kinh ngạc về chuyện các đại gia nợ thuế, trong đó, những đại gia nổi tiếng nhất về chuyện giàu có, thậm chí là cả Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức...Nhìn vào số tiền lên tới hàng chục tỉ của các đại gia bỏ ra để tổ chức đám cưới ở đây thì chắc chắn họ cũng phải là những người kinh doanh rất lớn, có mức thu nhập rất cao. Nhưng họ kinh doanh gì và trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế của họ có như những gì mà ngành thuế vừa đưa ra không?. Đó là các câu hỏi mà chúng ta cần nên làm rõ. Nếu không thực hiện đúng thì quả thực chúng ta đang bị thất thu một khoản tiền rất lớn", ông Huấn đặt câu hỏi.>>>Xem cận cảnh dàn siêu xe trong đám cưới của đại gia đất Thái Nguyên
>>>Điểm lại những đám cưới kỷ lục, đình đám nhất Việt Nam
Thành Chung