Một loạt vấn đề đe dọa làm lu mờ hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Trung

07/06/2013 19:42
Nguyễn Hường (nguồn CNA)
(GDVN) - Một loạt các vấn đề gai góc như gián điệp mạng, chương trình hạt nhân của Triều Tiên và tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các láng giềng có thể làm lu mờ hội nghị thượng đỉnh quan trọng giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Ông Tập Cận Bình tại Nhà Trắng trong chuyến công du nước Mỹ lần trước, khi còn là Phó chủ tịch nước Trung Quốc
Ông Tập Cận Bình tại Nhà Trắng trong chuyến công du nước Mỹ lần trước, khi còn là Phó chủ tịch nước Trung Quốc

Hội nghị thượng đỉnh sắp tới sẽ là nơi để các nhà lãnh đạo Mỹ - Trung khẳng định tiếng nói riêng, nhưng cũng được đánh giá là cơ hội để hai nhà lãnh đạo tìm tiếng nói chung trong một loạt vấn đề có ý nghĩa quan trọng như chính sách đối ngoại toàn cầu, hợp tác thương mại và đầu tư.
Cuộc hội đàm về mối quan hệ giữa hai quốc gia quyền lực hàng đầu thế giới đã trở thành tâm điểm trong suốt những tuần qua. Và các nhà phân tích đã dự đoán một số vấn đề sẽ được chú trọng trong cuộc đàm phán diễn ra vào ngày 7-8/6 theo giờ địa phương tại California.
Về vấn đề Triều Tiên, Christopher K. Johnson, Cố vấn cao cấp và Freeman Chủ nhiệm nghiên cứu các vấn đề Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho biết Mỹ muốn tìm ra biện pháp để chấm dứt các hành động khiêu khích hiếu chiến của Triều Tiên và buộc nước này ngừng các chương trình hạt nhân, tên lửa của mình. Và điều Washington mong muốn nhất là người hàng xóm gần gũi Bắc Kinh se gây áp lực hơn nữa để Bình Nhưỡng sớm chấm dứt các hành động khiêu khích.
Daryl G. Kimball, Giám đốc điều hành tại Hiệp hội Kiểm soát vũ khí cho rằng Trung Quốc là một thành viên quan trọng của vòng đàm phán 6 bên, cần phải thực thi các biện pháp trừng phạt nhiều hơn nữa để Bình Nhưỡng hiểu rằng những hành động thử hạt nhân, tên lửa của họ đang gây chú ý từ đồng minh lớn nhất của họ.
Trong khi đó, Bắc Kinh gần đây đã thể hiện sự tích cực trong vấn đề Triều Tiên bằng cách bắt đầu tiến hành các biện pháp hỗ trợ lệnh trừng phạt quốc tế chống lại Triều Tiên. Nhưng theo các nhà phân tích, chính sách của Trung Quốc với Bình Nhưỡng về cơ bản vẫn không thay đổi.

Trung Quốc muốn giữ chính quyền Kim Jong-un trụ vững để tạo thành một hành lang biên giới đối phó với Mỹ và các đồng minh, đồng thời giảm áp lực từ người tị nạn Triều Tiên.

Mức độ nghiêm trọng của các cuộc tấn công mạng được mô tả là "liên tục" từ Trung Quốc đã khiến giới chức Mỹ phải thiết lập tình trạng báo động.
Mức độ nghiêm trọng của các cuộc tấn công mạng được mô tả là "liên tục" từ Trung Quốc đã khiến giới chức Mỹ phải thiết lập tình trạng báo động. 

Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng các biện pháp trừng phạt của Trung Quốc vẫn chưa đủ mạnh để buộc Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân, tên lửa mà nước này coi là "thượng phương bảo kiếm" đối phó với "các âm mưu phá hoại từ những kẻ thù truyền kiếp" do Mỹ dẫn đầu.
Thứ hai, vấn đề an ninh mạng cũng sẽ là một đề tài nóng bỏng trong cuộc hội đàm sắp tới giữa ông Obama và Tập Cận Bình.
Mỹ gần đây liên tục cáo buộc các hacker quân sự Trung Quốc nhắm mục tiêu tấn công vào hệ thống an ninh mạng của họ để đánh cắp các dữ liệu quan trọng về quân sự, kinh tế, chính trị. Gần đây nhất, Lầu Năm Góc cho biết các hacker Trung Quốc đã đánh cắp các mẫu thiết kế của 40 loại vũ khí tiên tiến nhất của họ.
Mức độ nghiêm trọng của các cuộc tấn công mạng được mô tả là "liên tục" đã khiến giới chức Mỹ phải thiết lập tình trạng báo động. Họ lo sợ Trung Quốc đã đánh cắp các bí mật quân sự công nghệ cao mà có thể làm tê liệt hệ thống phòng thủ của Mỹ.

Do đó, giới chức Washington mong muốn thông qua hội nghị sắp tới, ông Obama có thể đạt được những thỏa thuận quan trọng như yêu cầu chính phủ Trung Quốc hỗ trợ trong việc bảo vệ các bí mật của Mỹ bằng cam kết không tấn công đánh cắp chúng - ông Dean Cheng, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Châu Á tại Heritage Foundation cho hay.

Hợp tác kinh tế Trung-Mỹ được đánh giá là sẽ đem lại sự ổn định cho kinh tế toàn cầu.
Hợp tác kinh tế Trung-Mỹ được đánh giá là sẽ đem lại sự ổn định cho kinh tế toàn cầu.

Các thông tin ngoại giao rò rỉ cho biết chính sách ngoại giao im lặng của Tổng thống Obama đã khởi động và Bắc Kinh đã lên tiếng thừa nhận rằng danh tiếng của họ đã bị hủy hoại bởi mạng lưới gián điệp.

Ông Dean Cheng cho rằng, những gì diễn ra trong hội nghị sắp tới là sự xác nhận của Trung Quốc rằng họ đã nhận ra vấn đề, sẽ thực hiện một số thỏa thuận để tránh rủi ro khó lường đối với quan hệ song phương.

Những thiệt hại do tin tặc Trung Quốc gây ra cho nền kinh tế Mỹ ước tính lên tới khoảng 300 tỷ USD mỗi năm, theo một báo cáo gần đây.

Vấn đề thứ 3, Những chuyên gia kinh tế hàng đầu nói rằng nếu Mỹ và Trung Quốc có thể vượt qua sự ngờ vực lẫn nhau, thì sự hợp tác giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ  giúp ổn định nền kinh tế toàn cầu.

Giáo sư Kinh tế tại Đại học New York, Michael Spence, cho biết: "Nếu Mỹ và Trung Quốc không quản lý tốt hợp tác trên nền tảng kinh tế của họ, không có điều tốt đẹp xảy ra".

Các đầu tư Trung Quốc vào Mỹ vẫn ở mức cao kỷ lục bất chấp một loạt các tranh cãi thương mại liên quan đến chủ nghĩa bảo hộ và chơi xấu.

Nguyễn Hường (nguồn CNA)