Một PGS.TS "mổ phanh" đề xuất thu phí của Bộ trưởng Thăng

27/03/2012 13:01
Thảo Lăng
(GDVN) - "Hơn 90% các chuyến đi vào trung tâm thành phố vào giờ cao điểm bằng phương tiện cá nhân. Nếu hạn chế, họ phải đi bộ à?"

Vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải đã gửi tới Thủ tướng Chính phủ Tờ trình 1818/BGTVT-TC báo cáo bổ sung đề xuất thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ và phí ôtô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm. Ngay lập tức, dư luận đã có nhiều phản hồi về đề xuất này. Giáo dục Việt Nam đã nhận được những ý kiến của PGS.TS Nguyễn Văn Thụ, Nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý Giao thông vận tải về nhiều vấn đề xoay quanh đề xuất mới của Bộ.

Ông Thụ cho rằng, nội dung đề xuất của Bộ Giao thông vận tải đưa ra đã rất rõ ràng. nhưng chưa thật đầy đủ. Tuy nhiên, theo ông, có 4 điểm mấu chốt cần được xem xét và tính toán cụ thể, kỹ lưỡng.

PGS.TS Nguyễn Văn Thụ, Nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý GTVT
PGS.TS Nguyễn Văn Thụ, Nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý GTVT

"Thứ nhất, mục đích thu phí để làm gì? Nếu để giảm ùn tắc cho đô thị thì không khả thi. Nếu để hạn chế phát triển phương tiện cá nhân và tạo thêm nguồn tài chính để cải tạo cơ sở hạ tầng giao thông thì cách tính mức thu và phương thức thu sao cho hợp lý, đơn giản, công bằng, không gây phiền hà cho người dân thì mới tạo đồng thuận. Nếu cách tính mức thu và làm như dự án là không được.

Chủ ôtô hiện phải nộp 8 loại thuế và phí gồm:
- Thuế nhập khẩu ôtô
- Thuế tiêu thụ đặc biệt
- Thuế VAT
- Phí trước bạ
- Phí đăng ký cấp biển số
- Phí xăng dầu
- Phí kiểm định
- Phí bảo hiểm.
Thời gian tới sẽ phải nộp:
- Phí bảo vệ môi trường
- Phí bảo trì đường bộ

Thứ hai, vấn đề mức thu phí như thế nào và bằng cách nào cần được cân nhắc. “Riêng về vấn đề này tôi chưa được biết nên không dám kết luận là có khoa học, hợp lý và có thu được không”.

Vấn đề thứ ba là hiệu quả kinh tế - xã hội mà dự án này thực hiện được như thế nào? Ở đây, với quyền lực nhà nước thì chắc chắn Bộ sẽ thu được tiền. Tuy nhiên, cũng giống như đổi giờ học, giờ làm, cần phải xem xét đầy đủ, rõ ràng hiệu quả của đề án.

Thứ tư, trong đề xuất được nêu của Bộ Giao thông vận tải, vấn đề ai sẽ chịu trách nhiệm, chịu trách nhiệm như thế nào nếu dự án này không đạt được các mục tiêu đặt ra đều chưa rõ ràng, minh bạch. Về điều này, tôi nghĩ, người đề xuất, người duyệt và tổ chức thực hiện cần phải cam kết về trách nhiệm, không thể nói suông được", PGS.TS Nguyễn Văn Thụ dẫn giải.

PGS.TS Nguyễn Văn Thụ nói thêm, Nhà nước có quyền yêu cầu nhân dân phải tuân thủ pháp luật, nếu yêu cầu họ đóng góp, chắc chắn họ sẽ đóng góp. Nhưng tiền phí thu được sau khi trừ những chi phí thực hiện việc thu và kiểm soát thu phí sẽ mang lại cho ngân sách bao nhiêu thì cần tính toán kỹ lại. Nếu không tính toán được, rất dễ xảy ra tình trạng “một tiền gà, ba tiền thóc”.?

Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Thụ cho rằng, theo nội dung đề xuất thì việc thu phí có thể giảm thiểu ách tắc giao thông, đồng thời cơ sở hạ tầng được nâng cấp. Tuy nhiên, việc nâng cấp đường sá phải được đi trước. Nếu Bộ chưa cam đoan được khi nào đường sá sẽ tốt lên, tốt lên ở mức độ nào,… mà chỉ “nói suông’ như vậy thì không thể lấy được lòng tin của nhân dân về tính khả thi của đề xuất.

Nói thêm về việc thu phí vào nội đô với ô tô giờ cao điểm, ông Thụ cho rằng sẽ kéo theo nhiều hệ lụy không hay. Đơn cử như để thu được phí, Bộ sẽ phải xây dựng một hệ thống thu phí xung quanh thành phố. Khi đó, nếu đặt điểm thu phí ở ngoài vành đai thành phố thì có nhiều ô tô sẽ phải nộp phí oan do họ không vào nội thành mà chỉ có nhu cầu đi ở vành đai( vi dụ đi từ Quốc lộ 5 lên cầu Pháp Vân về Hà Nam); hoặc đặt điểm thu phí trong vành đai thì mỗi lần trả phí, ô tô lại phải dừng lại làm tình trạng ùn tắc tăng thêm. Do đó, trên thực tế, mục tiêu mà Bộ GTVT đưa ra là không khả thi. Ngoài ra, với xe máy, việc kiểm soát xe máy đã mua phí hay chưa trong giờ cao điểm khó có thể làm được.

Hơn 90% các chuyến đi vào trung tâm thành phố vào giờ cao điểm bằng phương tiện cá nhân. Vậy nếu họ không đi nữa, thì phải đi bằng gì vào trung tâm? hay đi bộ? hay là họ đi tới vành đai rồi gửi xe đâu đó, rồi đi phương tiện công cộng vào nội thành? Bên cạnh đó, dòng người từ nội đô ra ngoài cũng góp phần làm ùn tắc giao thông, tại sao không phải chịu phí? Ở đây xuất hiện sự bất bình đẳng.

Ông nói, thực tế ở nước ngoài, việc thu phí giao thông được áp dụng rất thành công. Nhưng điều kiện, hoàn cảnh ở Việt Nam hoàn toàn khác nước ngoài. Họ có hệ thống vận tải hành khách công cộng phát triển ở trình độ cao. Người dân lựa chọn việc đi bằng phương tiện nào là tùy vào từng chuyến đi cụ thể, thậm chí đi bằng phương tiện công cộng còn thuận tiện và rẻ tiền hơn nên họ làm được. Ở Việt Nam, hệ thống vận tải hành khách công cộng còn chưa thỏa mãn nhu cầu của người dân, nên không thể bắt chước họ được.

Nói về một đề xuất có thể vừa giảm thiểu được ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn mà không nhất thiết phải áp dụng hình thức thu phí như đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải, ông Thụ đưa ra những giải pháp tình thế: Điều tiết luồng giao thông trên từng tuyến, từng nút giao thông vào giờ cao điểm sao cho hợp lý; Việc đưa đón học sinh phổ thông ở trong phạm vi sân trường, không ở lòng đường vỉa hè; Khoán cho cảnh sát khu vực và thanh tra giao thông đảm bảo bảo không lấn chiếm vỉa hè buôn bán nhất là nơi co mật độ giao thông cao; Cấm tất cả các loại xe ô tô kể cả xe thô sơ (trừ  xe buýt và một số xe đặc biệt quan trọng xe cứu hỏa, xe cấp cứu,  đang làm nhiệm vụ và những xe ưu tiên khác theo luật định) hoạt động hay đỗ ở vỉa hè  và lòng đường vào giờ cao điểm ở những tuyến thường ùn tắc giao thông.


Thảo Lăng