Mua bán "giống": Dở khóc, dở cười

07/01/2012 07:26
Trong quá trình mua bán “giống”, nhiều chuyện bi hài đã xảy ra.

Nhiều “cò giống” và kẻ bán tinh trùng đã lợi dụng sự khát khao, nôn nóng có con của những người hiếm muộn để giở trò

Dạo một vòng quanh Khoa Hiếm muộn Bệnh viện Từ Dũ – TPHCM, chúng tôi mới thấy hết nỗi khát khao được làm cha, làm mẹ của nhiều người. Mới hơn 7 giờ mà tại khoa này có rất đông người ngồi chờ đến lượt khám, mắt ai cũng đều ánh lên tia hy vọng.

Tá hỏa vì lấy “giống” trực tiếp

Chúng tôi làm quen với chị Ng.T.O, quê Bến Tre, đang cùng  chồng là anh N. chờ khám ở Khoa Hiếm muộn Bệnh viện Từ Dũ. “Vợ chồng tôi tích cóp, dành dụm nhiều năm được số tiền hơn 30 triệu đồng và quyết định lên TPHCM để thụ tinh nhân tạo, với mong ước sớm có một mụn con. Tuy nhiên, cũng vì tin lời “cò giống” mà suýt nữa vợ chồng tôi mất hạnh phúc” – chị O. ngao ngán.

Chị O. cho biết khi đến cổng một bệnh viện phụ sản ở TPHCM, trong lúc ngồi ăn sáng, vợ chồng chị được một “cò giống” tên H. lân la làm quen. Biết được nhu cầu của họ, cò H. dụ dỗ chị O. nên mua “giống” trực tiếp từ một thanh niên tên L., ngụ tại huyện Bình Chánh - TPHCM. Không rõ thế nào là mua “giống” trực tiếp nhưng vợ chồng chị O. cũng đồng ý theo cò H. đến một căn nhà trên đường Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh - TPHCM. Trong khi chị O. vào nhà để thực hiện việc lấy “giống” thì anh N. ngồi ngoài quán cà phê đợi. Tuy nhiên, khi dọ hỏi kỹ H. và biết thế nào là lấy “giống” trực tiếp, anh N. tá hỏa, tẩn tay cò này  một trận nên thân rồi vội vã đập cửa vào nhà lôi vợ về.

Mua bán "giống": Dở khóc, dở cười ảnh 1

Một website rao bán tinh trùng trên mạng

Không may mắn như chị O. vì kịp dừng lại đúng lúc, chị T.T.N, ngụ huyện Hóc Môn - TPHCM, đến giờ vẫn còn bị chồng đay nghiến vì lỡ nghe theo cò mua giống trực tiếp. Giữa năm 2010, sau khi bàn bạc với chồng sẽ thụ tinh nhân tạo để có con, chị N. cùng người thân đến một bệnh viện phụ sản lớn để khám và nhờ tư vấn. Khi ngồi trước cổng, chị N. được một tay cò đến thăm hỏi nhiệt tình. Tin lời gã này và vì muốn gây bất ngờ cho chồng nên chị quyết định lấy “giống” trực tiếp để dễ thụ thai.

“Nhìn dáng vẻ người thanh niên bán tinh trùng tuy ốm yếu nhưng qua các xét nghiệm không thấy bệnh tật gì nên tôi cũng nhắm mắt làm liều. Sau một tuần lấy “giống”, con đâu không thấy, tôi lại rước thêm bệnh viêm nhiễm cổ tử cung. Phần vì sợ chồng trách mắng, phần lại lo sẽ ảnh hưởng đến đường con cái sau này nên tôi quyết giấu chồng nhưng cuối cùng anh cũng biết sự thật. Mỗi lần nhớ đến chuyện ấy, anh lại chửi bới, đay nghiến tôi, rồi không tha thiết đến bệnh viện để chữa trị nữa” - chị N. bức xúc nói trong nước mắt.

Hệ lụy khó lường

Chuyện mua bán tinh trùng trên mạng không phải mới mẻ vì đã diễn ra từ lâu. Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, cho biết do nhu cầu người cần tinh trùng rất lớn nhưng người hiến lại quá ít nên tiêu cực phát sinh.

Đơn cử năm 2011, số người hiến tinh trùng chỉ đếm được trên đầu ngón tay do có nhiều nguyên nhân, như hiến tinh không như hiến máu nhân đạo, người đàn ông khi muốn hiến tinh còn phụ thuộc vào quyết định của vợ và lo ngại những hệ lụy về huyết thống sau này... Trong khi đó, Khoa Hiếm muộn Bệnh viện Từ Dũ mỗi ngày tiếp nhận 200-220 người đến khám. Số người hiếm muộn khám bệnh tại đây năm sau luôn cao hơn năm trước, riêng năm 2011 đã tăng 30% so với năm 2010.

Theo bác sĩ Tuyết, việc những cặp vợ chồng nôn nóng tìm đến “cò giống” hoặc nghe theo những lời rao trên mạng sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường, như không kiểm soát được bệnh lây lan qua đường tình dục, tinh trùng từ một người có thể đã bán cho nhiều người nên xác suất tạo ra những đứa trẻ cùng cha rất cao. Nếu sau này, những đứa trẻ đó gặp nhau và kết hôn sẽ dẫn đến nhiều vấn đề về huyết thống, gia đình... Do đó, cách tốt nhất là vợ hoặc chồng nên đến các bệnh viện chuyên khoa để khám, không nên tin lời cò hay những lời rao “có cánh” trên mạng để rước họa vào thân.

Về những giải pháp để hạn chế những người bán tinh trùng chuyên nghiệp len lỏi vào bệnh viện, bác sĩ Tuyết khẳng định: “Đối với người hiến tinh trùng, bệnh viện sẽ lưu lại hồ sơ, CMND và hình ảnh để sau này nếu người đó đến hiến nữa, bệnh viện loại ra ngay theo nguyên tắc một người chỉ hiến một lần.
Ngoài ra, bệnh viện cũng không tiếp nhận tinh trùng từ ngoài mang vào, chỉ thực hiện lấy trực tiếp tại bệnh viện. Riêng những cò hoạt động trước cổng bệnh viện, đề xuất chính quyền địa phương nên lưu tâm. Hiện nay, để tăng dự trữ ngân hàng tinh trùng, bệnh viện yêu cầu mỗi người đến nhận sẽ giới thiệu một người khác cho tinh trùng. Với quy định này, hy vọng nguồn dự trữ tinh trùng sẽ không cạn kiệt”. 

Theo bác sĩ Tuyết, khi nào người hiến tinh trùng vẫn ít thì tiêu cực còn phát sinh. Bà Tuyết cho rằng Bộ Y tế cần nghiên cứu, tổ chức những cuộc vận động hiến tinh trùng như hiến máu nhân đạo để ngân hàng tinh trùng dồi dào hơn và làm sao phải có chế độ hỗ trợ cho người hiến. Hiện nay, bệnh viện phải trích nguồn quỹ của mình 120.000 đồng để hỗ trợ chi phí đi lại cho mỗi người hiến tinh trùng, theo bác sĩ Tuyết là chưa thỏa đáng.

Coi chừng bị lừa

Vợ chồng chị N.T.H, quê Bình Thuận, kết hôn gần 10 năm nay nhưng không có con. Đi khám, bác sĩ nói do lượng tinh trùng chồng chị H. quá ít nên họ không thể có con. Nỗi khao khát được nghe tiếng con trẻ bi bô mỗi ngày đã thúc giục anh chị đến bệnh viện để thực hiện thụ tinh nhân tạo. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên đến lần thứ ba, việc thụ tinh vẫn chưa thành công.

“Đang lúc chán nản, tôi nghe nhiều “cò giống” thường lui tới trước cổng bệnh viện mách nước nên xài trực tiếp tinh trùng mua bên ngoài, chi phí vừa thấp lại vừa dễ có con. Nhắm mắt làm liều, tôi giấu chồng một mình theo chân cò đến gặp người bán “giống”. Không ngờ, công việc chưa đến đâu, tay cò này và người bán tinh trùng đã ôm số tiền hơn 3 triệu đồng của tôi biến mất” – chị N. nhớ lại.

TƯỜNG VI - THU HỒNG/Người lao động