"Muốn giải quyết ùn tắc cần có giải pháp đồng bộ, không được nóng vội"

07/04/2012 06:48
Độc giả Bùi Văn Trường
(GDVN) - Xung quanh đề xuất thu phí của Bộ GTVT, báo Giáo dục Việt Nam xin gửi đến bạn đọc bài viết của ThS Bùi Văn Trường, giảng viên trường ĐH Kinh tế Tp.HCM.
Đâu là nguyên nhân gây ùn tắc?

Người quản lý phải nhìn xa trông rộng, phân tích tìm nguyên nhân của hiện tượng xã hội để đưa ra những phương án quản lý xã hội khoa học và hiệu quả.

Thực tế có không ít phương án quản lý khi đưa ra hầu như không được xã hội đồng tình, mà chỉ nhận được sự phản ứng. Bởi lẽ những phương án đó chỉ dựa vào hiện tượng, thiếu những cơ sở khoa học, thống kê, điều tra... Những phương án quản lý dạng thử và sai, chấp vá thiếu đồng bộ, chỉ giải quyết cái ngọn, không căn cơ, thậm chí là một phong trào.
Cảnh thường thấy ở Hà Nội và TP.HCM giờ cao điểm
Cảnh thường thấy ở Hà Nội và TP.HCM giờ cao điểm
Điển hình như phương án giải quyết nạn kẹt xe trước đây, bằng cách không cho người dân ở Hà Nội mua xe, là chỉ thấy hiện tượng quản lý hiện tượng. Xe nhiều gây kẹt xe thì tìm cách để không tăng thêm xe. Nhưng người Hà Nội phải cần thì thuê hoặc nhờ người các tỉnh khác mua xe hộ, và dân nhập cư vào Hà Nội cũng không ngừng tăng thêm. Với biện pháp ngọn và đơn độc đó, kẹt xe không giảm mà trầm trọng thêm. Với biện pháp cấm đoán đó, lại phát sinh thêm những phức tạp trong quan hệ dân sự giữa người chủ xe theo pháp lý và người mua xe. 
Hay cũng nhằm giảm bớt kẹt xe, yêu cầu cán bộ nhân viên ngành GTVT gương mẫu sử dụng và vận động người thân sử dụng xe buýt tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tối thiểu 1 ngày/tuần. Một phương án chỉ có tính phong trào, mong sự ý thức của cán bộ công chức để tạo hiệu ứng cho xã hội. Nhưng hình thành bộc phát thiếu điều tra, không biết điều kiện thực hiện không thuận lợi, nên “phong trào” sớm tắt lịm. 
Gần đây nhất, Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết bổ sung phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân và phí ô tô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm. Vấn đề này TPHCM cũng từng đề nghị nhưng dư luận không đồng tình. Xe gắn máy hai bánh là phương tiện làm ăn sinh sống của đại bộ phận nhân dân, mà người nghèo là không ít. Người có thu nhập trung bình trở lên thì mỗi năm đóng 500.000đ/xe là không đáng kể, người nghèo không thể đi lại làm ăn với phương tiện khác nên họ cũng phải đóng. Người sử dụng ô tô khi không có phương tiện công cộng để thay thế, vì công việc làm ăn thì họ cũng phải đóng phí để sử dụng, nên có giảm thì cũng không đáng kể.Giải quyết kẹt xe phải là những giải pháp đồng bộ, chấp nhận hiện tại, không nóng vội
Như thế, mục đích giảm số lượng xe bằng thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, khi chưa có những điều kiện cần thiết khác phải chăng đó là điều không tưởng. Do đó, trước mắt chỉ làm giảm sút cuộc sống vốn đã nghèo khổ của những người nghèo. Hay cho rằng, "đảm bảo công bằng xã hội" vì người đi xe máy, ôtô phải cùng nhà nước xây dựng hạ tầng, người nghèo đi phương tiện công cộng thì không phải đóng góp. Nhưng bao nhiêu người nghèo sử dụng được phương tiện công cộng, khi phương tiện công cộng chưa thuận tiện và phổ biến, như thế người nghèo cũng phải đóng phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân như người trung bình, người khá giả là công bằng xã hội?

Xe buýt Hà Nội luôn trong tình trạng quá tải
Xe buýt Hà Nội luôn trong tình trạng quá tải

Vấn đề kẹt xe ở các thành phố lớn, muốn giải quyết cần phân tích tìm ra nguyên nhân để có giải pháp. Nguyên nhân tại sao người dân đi lại phải sử dụng phương tiện xe gắn máy hai bánh? Tại sao có số lượng quá lớn xe gắn máy hai bánh lưu hành? Nguyên nhân đã được nhiều chuyên gia chỉ ra rất cặn kẽ. Đất lành chim đậu, nên người dân luôn tìm đến nơi có điều kiện tốt để sinh sống, thì dân số các thành phố lớn ngày càng tăng là tất yếu. Nhưng qui hoạch đô thị chưa “chạy” trước. Hệ số sử dụng đất trong xây dựng quá cao. Chung cư, siêu thị lớn, trường học từ trung cấp, cao đẳng đến đại học, bệnh viện... mọc lên tự do trong nội thành. Trong khi cơ sở hạ tầng giao thông sẳn có trong nội thành khó thể phát triển, phương tiện giao thông công cộng sau thời gian dài bỏ quên, đến khi thực hiện thì còn quá nhiều giới hạn, chỉ duy có xe buýt nhưng quá nhiều bất cập. Không tương thích cơ sở hạ tầng giao thông chật hẹp, không an toàn, không đáp ứng được mọi nơi để người dân đi lại. Do đó, giải quyết kẹt xe phải là những giải pháp đồng bộ, chấp nhận hiện tại, không nóng vội. Phải giải phóng dân cư trong nội thành với những trường hợp có thể. Phát triển đa dạng phương tiện giao thông công cộng, an toàn, thuận tiện mọi lúc mọi nơi cho nhu cầu đi lại. Đó là những giải pháp căn cơ lâu dài, phải gấp rút thực hiện bằng mọi giá chứ không thể chờ đợi. Những biện pháp tạm thời phải chuyển tín hiệu rõ ràng cho người dân, phải tạo lợi ích cho người dân thì hãy thực hiện.
(Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả)
Độc giả Bùi Văn Trường