Mỹ đáp trả tên lửa DF-21D của Trung Quốc bằng biện pháp bí mật

26/03/2013 19:20
Đông Bình
(GDVN) - Theo báo Trung Quốc, Mỹ đã áp dụng một loạt biện pháp đối phó bí mật với tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D.
Tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D của Trung Quốc (nguồn: báo Phương Đông, TQ)
Tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D của Trung Quốc (nguồn: báo Phương Đông, TQ)

Trang mạng “The Australian” ngày 25/3 có bài viết cho rằng, Trung Quốc đã thử nghiệm thành công “sát thủ tàu sân bay” tên lửa đạn đạo DF-21D (Đông Phong-21D) nhằm làm thay đổi cân bằng quân sự ở châu Á.

Tên lửa DF-21D TQ có nguồn gốc từ công nghệ Nga thập niên 1950

Tên lửa chống hạm DF-21D có thể ngăn chặn tàu sân bay Mỹ ở ngoài khu vực duyên hải Trung Quốc 2.000 km. Do loại tên lửa này “rất chính xác”, nên Hải quân Mỹ buộc phải áp dụng một loạt biện pháp đáp trả có tính bí mật rất cao.

Hoạt động thử tên lửa lần này đúng vào lúc các ngôn từ của phe phái diều hâu Trung Quốc ngày càng gây sự chú ý của Washington. Chẳng hạn, một bài viết gần đây của tờ “Giải phóng quân” Trung Quốc kêu gọi vứt bỏ “chủ nghĩa hòa bình” và “chủ nghĩa lãng mạn”, chuẩn bị cho chiến tranh (đánh trận).

Tuần trước, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Ashton Carter có một bài phát biểu tại Jakarta tái khẳng định, Mỹ sẽ triển khai máy bay chiến đấu F-22 Raptor mới ở châu Á và nhiều máy bay do thám U-2, máy bay không người lái và hệ thống phòng thủ tên lửa hơn.

Máy bay do thám chiến lược U-2 Không quân Mỹ
Máy bay do thám chiến lược U-2 Không quân Mỹ

Bài báo cho rằng, những hành động này đã làm trầm trọng hơn cuộc chạy đua vũ trang ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, làm cho một số nhà bình luận nhớ lại cuộc chạy đua giữa các nước lớn phương Tây vào thập niên 1930 và sự trỗi dậy của Nhật Bản.

Theo truyền thông Đài Loan, hình ảnh vệ tinh bản đồ Google vào cuối tháng 1/2013 hco thấy, trên một khu vực màu trắng dài khoảng 200 m mô phỏng đường băng tàu sân bay ở sa mạc Gobi đã xuất hiện 2 hố bom rất lớn. Theo các nhà phân tích quân sự, những hình ảnh vệ tinh này đã thể hiện uy lực của tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D.

Bài báo cho biết, tên lửa DF-21D có nguồn gốc từ công nghệ tên lửa do Liên Xô chuyển nhượng cho Trung Quốc vào thập niên 1950.

Nó là một loại tên lửa nhiên liệu rắn cấp 2, phóng bằng xe phóng cơ động trên đất liền. Trong giai đoạn tên lửa rơi xuống, hệ thống dẫn đường vệ tinh sẽ dẫn đường cho đầu đạn bắn trúng các mục tiêu di động như tàu chiến cỡ lớn. Do tên lửa DF-21D được tuyên truyền là có độ chính xác cao, cho nên Hải quân Mỹ buộc phải áp dụng một loạt biện pháp đáp trả bí mật.
Mỹ triển khai 2 radar cảnh báo sớm tên lửa ở Nhật Bản
Mỹ triển khai 2 radar cảnh báo sớm tên lửa ở Nhật Bản
Đông Bình