Mỹ điều tra vi phạm lệnh cấm mua nam châm Trung Quốc lắp cho F-35

04/01/2014 13:41
Nguyễn Hường
(GDVN) - Giám đốc chương trình mua sắm vũ khí của Bộ Quốc phòng Mỹ Frank Kendall đã cho phép hai nhà cung cấp bộ phận cho F-35 nhập khẩu nam châm Trung Quốc.

Lầu Năm Góc đã nhiều lần bỏ qua lệnh cấm cho phép mua các bộ phận do Trung Quốc sản xuất để lắp ráp chiến đấu cơ tiên tiến F-35 làm dấy lên lo ngại rằng chúng có thể hỗ trợ cho hoạt động gián điệp của Trung Quốc.

F-35.
F-35.
Theo tài liệu của Lầu Năm Góc mà Reuters thu thập được, Giám đốc chương trình mua sắm vũ khí của Bộ Quốc phòng Mỹ Frank Kendall đã cho phép hai nhà cung cấp bộ phận cho F-35 nhập khẩu nam châm Trung Quốc lắp đặt cho hệ thống radar, bánh răng hạ cánh và các phần cứng khác cho F-35. 
'Đó là một thỏa thuận lớn và một tình huống bất thường vì đã có lệnh cấm", Frank Kenlon - một cựu quan chức Ủy ban mua sắm quốc phòng của Lầu Năm Góc và hiện đang giảng dạy tại một trường đại học Mỹ cho biết. "Tôi chưa bao giờ thấy điều gì như thế xảy ra trước đây."
Theo tài liệu, các thanh nam châm giá 2 đô la đã được lắp đặt cho 115 chiếc F-35. Trong khi đó, loại nam châm này một số công ty của Mỹ cũng có sản xuất.

Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ, bộ phận điều tra của Quốc hội Mỹ, đã mở một cuộc điều tra liên quan tới vụ mua sắm các thiết bị Trung Quốc cho F-35 trên từ năm 2013, nhưng cho đến nay mới tiết lộ chi tiết về các bộ phận mua từ Trung Quốc.

Ngoài ra, các nhà chức trách Mỹ đang xem xét điều tra theo hướng vụ việc trên là một hành động "cố ý" của Kendall và các công ty liên quan.

Vụ việc sẽ khiến cho hai công ty Northrop và Honeywell có thể đối mặt với lệnh trừng phạt vì vi phạm luật liên bang và khiến chương trình F-35 bị trì hoãn thêm một thời gian nữa.

Theo tính toán trong tài liệu, Mỹ sẽ phải mất 10,8 triệu USD và 25.000 giờ lao động để loại bỏ các nam châm trên của Trung Quốc và thay bằng các nam châm do Mỹ sản xuất. 
F-35 được phát triển bởi Lockheed  Martin sẽ được bán cho Mỹ và 8 quốc gia phát triển khác gồm Anh, Canada, Úc, Ý, Na Uy, Thổ Nhĩ Kỳ, Đan Mạch và Hà Lan. Israel và Nhật Bản cũng đã đặt hàng mua loại chiến đấu cơ tiên tiến này.
Từ năm 1973, luật pháp Mỹ đã cấm việc mua sắm của các kim loại sản xuất bên ngoài nước Mỹ để sử dụng cho các loại vũ khí của Mỹ./.
Nguyễn Hường