Mỹ đóng quân ở Trung Á để giám sát, kiềm chế Trung Quốc

01/06/2013 16:47
Đông Bình
(GDVN) -  Mỹ hiện diện lâu dài ở các nước Trung Á và quan hệ đồng minh với các nước xung quanh sẽ đóng vai trò theo dõi đối với TQ.
Máy bay ném bom B-52 của Mỹ
Máy bay ném bom B-52 của Mỹ

Tờ "Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 31 tháng 5 đăng bài viết cho rằng, từ xưa đến nay, Trung Á luôn là một trong những khu vực quan trọng được các nhà chiến lược quan tâm.

Ngày 31 tháng 5 tờ "Công báo Saudi" bình luận, cùng với việc Mỹ tăng cường triển khai chiến lược ở biển Caspian và khu vực xung quanh, khu vực này sẽ trở thành "chiến trường chiến lược quan trọng tiếp theo" trên thế giới.

Bài viết chỉ ra, các nhà phân tích chính trị tin rằng sau vụ tấn công 11/9, Mỹ can thiệp vào Trung Á nhằm xây dựng lại cân bằng chiến lược toàn cầu, đặc biệt là để có được nguồn lực tự nhiên của khu vực này.

Trong khi đó, cuộc tấn công khủng bố này đã “mở ra cánh cửa lớn” cho Mỹ thiết lập quân đội ở Afghanistan. Bài viết còn cho rằng, mặc dù Mỹ đã xác định thời gian rút khỏi Afghanistan, nhưng hiện vẫn gia tăng triển khai chiến lược, nhằm giành được lợi ích chiến lược lớn hơn.

Trong bài viết, tác giả thông qua 4 nội dung chính để trình bày về chiến lược của Mỹ ở các nước Trung Á. Trước hết, Mỹ muốn kiểm soát "cuộc chạy đua hạt nhân" giữa Ấn Độ và Pakistan, đồng thời ngăn chặn Iran có được sức mạnh hạt nhân.

Thứ hai, Mỹ muốn thông qua quan hệ hợp tác giữa Washington và Moscow, dựa vào danh nghĩa cùng tấn công chủ nghĩa khủng bố để Nga duy trì trung lập. Đồng thời, sự hợp tác giữa hai bên có thể sẽ  đặt dấu chấm hết cho sự hợp tác quân sự giữa Nga-Iran.

Tiếp theo, Mỹ hiện diện lâu dài ở các nước Trung Á và quan hệ đồng minh với các nước xung quanh sẽ đóng vai trò tiến hành theo dõi đối với Trung Quốc, bởi vì Mỹ cho rằng Trung Quốc là một mối đe dọa lớn đối với vai trò lãnh đạo thế giới của họ. Cuối cùng, Mỹ tìm kiếm một phần lợi ích từ các mỏ dầu phát hiện được ở biển Caspian trong thời gian gần đây.

Tác giả còn cho biết, việc triển khai chiến lược của Mỹ ở khu vực này còn có 2 ý đồ - quân sự và kinh tế. Về quân sự, tuy Trung Quốc và Nga ngày càng phản đối các hành động quân sự của Mỹ ở Trung Á, nhưng Mỹ vẫn "gióng trống khua chiêng" tiến hành chuẩn bị nhằm tăng cường triển khai lực lượng quân sự ở Trung Á.

Về kinh tế, Mỹ hoàn toàn không muốn chỉ dựa vào các nước của Hội đồng hợp tác vùng Vịnh để cung cấp dầu mỏ, một trong những mục tiêu chiến lược của họ ở biển Caspian là đáp ứng nhu cầu dầu mỏ trong nước.

Bài viết cuối cùng chỉ ra, Mỹ đóng quân ở các nước Trung Á là để thực hiện "cùng có lợi" - cái giá Mỹ phải trả cho việc đóng quân là tiến hành đầu tư vào sản xuất dầu mỏ ở khu vực này.

Nhưng, một khi Trung Quốc và Nga ý thức được đầy đủ ý đồ của Mỹ sẽ không cứ mãi đứng ngoài. Bởi vậy, biển Caspian và các nước xung quanh sẽ trở thành "chiến trường chiến lược quan trọng tiếp theo" của thế giới.

Đông Bình