BÁO PHƯƠNG ĐÔNG, TRUNG QUỐC:

Mỹ ký hợp đồng vũ khí mới với Saudi Arabia để kiềm chế Iran

02/01/2012 08:42
Đông Bình (Theo báo Phương Đông)
(GDVN) - Mỹ ký thỏa thuận mua bán vũ khí mới với Saudi Arabia và Iraq đạt được “một mũi tên trúng 2 đích”, cả đối nội và đối ngoại.

Chiều ngày 29/12/2011, Bộ Ngoại giao Mỹ đã tổ chức một cuộc họp đặc biệt, tuyên bố đã đạt được một thỏa thuận bán vũ khí mới nhất với Saudi Arabia, tổng kim ngạch lên tới 29,4 tỷ USD.

Mỹ-Saudi Arabia ký đơn đặt hàng lớn

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề chính trị, quân sự Andrew C. Shapiro và Đại diện Trợ lý thứ nhất Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách chính sách James Miller tuyên bố, ngày 24/12/2011 tại Riyadh, Mỹ và Saudi Arabia đã hoàn thành thủ tục giao hàng và biên lai nghiệm thu cuối cùng.

Máy bay chiến đấu F-15SA do Mỹ chế tạo
Máy bay chiến đấu F-15SA do Mỹ chế tạo

Theo thỏa thuận, Mỹ bán cho Saudi Arabia 84 máy bay chiến đấu F-15SA, và tiến hành nâng cấp cải tạo cho Saudi Arabia 70 máy bay chiến đấu F-15S hiện có. Các nguồn tin từ Mỹ đặc biệt nhấn mạnh, máy bay chiến đấu F-15SA do Boeing sản xuất là một trong những loại máy bay tiên tiến nhất hiện nay.

Tháng 10/2010, được Quốc hội Mỹ đồng ý, chính quyền Obama và chính quyền Saudi Arabia đã đạt được một thỏa thuận bán vũ khí 60 tỷ USD trông 10 năm, bao gồm 84 chiếc máy bay chiến đấu F-15 kiểu mới, nhiều máy bay trực thăng Black Hawk,  máy bay trực thăng tấn công Apache, nhiều tên lửa, bom, thiết bị phóng, hệ thống cảnh báo radar và kính nhìn đêm.

Giao dịch mua bán vũ khí mới sẽ giúp cho Saudi Arabia tiếp tục tăng cường sức mạnh quân sự. Ngoài việc mua bán vũ khí, Mỹ sẽ tiến hành đào tạo cho Saudi Arabia. Đến năm 2009, sẽ có 5.500 quân nhân Saudi Arabia được đào tạo, điều này sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ Mỹ-Saudi Arabia.

Ngoài ra, Washington còn cho biết, chính phủ Mỹ sẽ bán vũ khí cho Iraq trị giá khoảng 11 tỷ USD, trong đó có máy bay chiến đấu F-16, xe tăng chiến đấu chủ lực M1A1 Abrams, pháo, xe tải bọc thép và các thiết bị cá nhân.

Máy bay dòng F-15
Máy bay dòng F-15

Tính toán cả đối nội, đối ngoại

Vụ mua bán vũ khí này của Mỹ thực sự là “một mũi tên trúng hai đích”. Về đối nội, Mỹ cố gắng giành lấy đơn đặt hàng lớn để duy trì và tạo thêm việc làm, từ đó phục vụ cho nhu cầu cải thiện tình hình kinh tế của chính phủ Barack Obama.

Được biết, thỏa thuận mua bán vũ khí mới nhất với Saudi Arabia sẽ giúp cho Mỹ có thêm hơn 50.000 việc làm, tạo cơ hội thương mại cho 600 nhà cung ứng, mỗi năm đem lại 3,5 tỷ USD cho kinh tế Mỹ.

Giao dịch  này sẽ đem lại cơ hội việc làm cho ngành chế tạo hàng không và toàn bộ chuỗi cung ứng của Mỹ, có vai trò đặc biệt quan trọng đối với công nghiệp quốc phòng Mỹ.

Máy bay ném bom chiến đấu F-15S của Không quân Saudi Arabia
Máy bay ném bom chiến đấu F-15S của Không quân Saudi Arabia

Về đối ngoại, 2 thỏa thuận mua bán vũ khí lớn này có một điểm chung là, Mỹ cảnh báo Iran, nước có khả năng phong tỏa eo biển Hormuz. Các quan chức Mỹ cho biết, việc bán vũ khí cho Saudi Arabia gửi đi một thông điệp mạnh mẽ cho khu vực Trung Đông, cho biết Mỹ sẽ kiên trì cố gắng cho sự ổn định của Vùng Vịnh và khu vực Đại Trung Đông, tăng cường khả năng răn đe và chống lại mối đe dọa từ bên ngoài của Saudi Arabia.

Điều này cũng sẽ tăng cường mức độ tương tác giữa quân đội Mỹ và Saudi Arabia thông qua tập trận. Qua thỏa thuận vũ khí này, Mỹ và Saudi Arabia đã có được “thành tựu lịch sử” trở thành đối tác an ninh lâu dài, mối quan hệ đối tác này sẽ tiếp tục nỗ lực hco an ninh và ổn định của khu vực vùng Vịnh.

Mỹ luôn dựa vào Saudi Arabia để chống lại Iran. Saudi Arabia là nguồn nhập khẩu dầu chủ yếu của Mỹ, được Mỹ coi là một đồng minh quan trọng ở Trung Đông. Dưới sự hỗ trợ của Mỹ, Saudi Arabia đã trở thành quốc gia có sức mạnh quân sự mạnh nhất khu vực này, là lá bài mới của chính phủ Obama tìm cách ngăn chặn mối đe dọa của Iran tại khu vực Trung Đông.

Các nhân tố bối cảnh hết sức phức tạp

Mỹ bán vũ khí cho Saudi Arabia hoàn toàn không phải là không có các ý kiến trái chiều. Kế hoạch bán vũ khí năm 2010 từng bị các nghị sĩ Quốc hội thân Israel phản đối, lo ngại bán vũ khí sẽ làm thay đổi cán cân sức mạnh giữa Ả rập và Israel ở khu vực Trung Đông.

Nhưng, chính phủ Mỹ cam kết với Quốc hội rằng, hiện nay đồng thuận giữa Mỹ và Israel là, Iran có khả năng sở hữu đầu đạn hạt nhân mới là mối đe dọa lớn nhất của khu vực này, còn Saudi Arabia lại là kẻ thù lâu dài của Iran, bán vũ khí cho Saudi Arabia chắc chắn có hiệu quả.

Cách đây không lâu, Mỹ chỉ trích Iran có âm mưu ám sát Đại sứ Saudi Arabia tại Mỹ, khiến cho quan hệ Saudi Arabia-Iran căng thẳng hơn. Quan hệ hai nước Saudi Arabia-Iran càng căng thẳng, Mỹ càng ở vào thế “tọa sơn quan hổ đấu”.

Máy bay trực thăng Black Hawk của Mỹ
Máy bay trực thăng Black Hawk của Mỹ

Mỹ bán vũ khí cho Iraq lại có một nhân tố kiềm chế phức tạp hơn. Người phát ngôn Lầu Năm Góc Kobe Bryant cho biết, việc bán vũ khí cho Iraq nhằm giúp cho Iraq tăng cường sức mạnh phòng ngừa sự xâm lược từ bên ngoài, đối phó với Iran.

Nhưng, tình hình chính trị của Iraq sau khi quân Mỹ rút đi đang có rất nhiều biến số. Rất nhiều người trong đó có Đại sứ Mỹ tại Iraq Jeffrey lo lắng cho sự phát triển quan hệ quân sự giữa Mỹ-Iraq: Nếu chính phủ Baghdad hiện nay do phái Shiite nắm quyền ngả sang nước láng giềng Iran do phái Shiite lãnh đạo, việc bán vũ khí của Mỹ có thể được Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki dùng chèn ép phái Sunni, củng cố quyền lực cá nhân, thì kết quả sẽ là “lấy gậy ông đập lưng ông”.

Nếu quan hệ chính trị nội bộ Iraq căng thẳng, thậm chí xảy ra nội chiến, những vũ khí này được dùng như thế nào càng trở nên đáng quan tâm. Chuyên gia Viện Brookings là Pollack cho rằng, quyết định bán vũ khí cho Iraq rất khó khăn. Nếu việc này xử lý không tốt, sẽ gây hậu quả chính trị tiêu cực cho chính phủ Obama.

Trước sự quan ngại này, chính quyền Mỹ nhấn mạnh, sau khi bán vũ khí cho Iraq, tình hình sử dụng chúng chắn chắn do Mỹ kiểm soát. Có phân tích cho rằng, chính vào lúc kinh tế Mỹ không có khởi sắc, trong vấn đề Mỹ bán vũ khí cho Iraq, Maliki chiếm ưu thế với tư cách là khách hàng. Hiện nay, do không muốn từ bỏ lợi ích kinh tế to lớn từ việc bán vũ khí, Mỹ sẽ càng có nhiều nhu cầu ở Iraq hơn.

Máy bay trực thăng tấn công Apache
Máy bay trực thăng tấn công Apache

Mạnh Tường Thanh – giáo sư Viện nghiên cứu Chiến lược – Đại học Quốc phòng Trung Quốc cho rằng, Saudi Arabia là một đồng minh chủ chốt của Mỹ ở thế giới Arabia, cũng là một điểm tựa chiến lược quan trọng của Mỹ ở khu vực Trung Đông.

Lần này, Mỹ bán vũ khí trang bị cho Saudi Arabia trị giá gần 30 tỷ USD là sự phản ứng cứng rắn và răn đe vũ lực đối với toàn bộ khu vực này bao gồm Iran. Hành động này có liên quan chặt chẽ đến việc điều chỉnh bố trí quân sự tại khu vực Trung Đông của chính phủ Obama trong những năm gần đây.

Chính quyền Obama vừa đề xuất ý tưởng thiết lập một cấu trúc an ninh mới ở khu vực vùng Vịnh, có kế hoạch do Mỹ và 6 nước của Ủy ban Hợp tác vùng Vịnh cùng xây dựng, nội dung bao gồm tăng cường hợp tác quân sự song phương giữa Mỹ với 6 nước, tập trận quân sự đa phương và tiến hành các hoạt động trinh sát chung trên biển, trên không tại khu vực này, đóng quân tại Kuwait và thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa tại khu vực này v.v…

Đây là lần đầu tiên Mỹ đưa ra phương án triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tại khu vực Vùng Vịnh. Ý tưởng này đã phản ánh ý đồ điều chỉnh chiến lược nhằm vào tình hình Trung Đông và Bắc Phi của Mỹ.

Xe tăng M1A1 Abrams của Mỹ
Xe tăng M1A1 Abrams của Mỹ

Mỹ đưa ra sự điều chỉnh chiến lược khu vực mới, một là để lấp khoảng trống quyền lực sau khi họ rút quân khỏi Iraq, ngăn chặn các thế lực khủng bố tiếp tục gây rối tình hình ổn định của Iraq; hai là răn đe Iran; ba là răn đe Syria; bốn là canh chừng toàn bộ khu vực Trung Đông, Bắc Phi.

Sau khi trải qua gần 1 năm hỗn loạn, Trung Đông, Bắc Phi hoàn toàn không phát triển theo hướng mà Mỹ tưởng tượng. Để ngăn chặn các thế lực tôn giáo cực đoan và chủ nghĩa khủng bố lớn mạnh, Mỹ cần điều chỉnh lại bố trí chiến lược quân sự để bảo đảm cho sự phát triển tương lai của khu vực này không đi chệch quỹ đạo quá mức theo suy tính của Mỹ.

Đông Bình (Theo báo Phương Đông)