Mỹ phản ứng thế nào về hợp đồng vũ khí 4,2 tỉ đôla giữa Nga và Iraq?

10/10/2012 11:45
Trịnh Tuân (Nguồn: VZ)
(GDVN) - Hoa Kỳ không tin rằng sau khi hợp đồng mua vũ khí giữa Iraq và Nga được ký kết, Washington và Baghdad sẽ gặp vấn đề trong hợp tác quân sự, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ bà Victoria Nuland cho biết.
"Iraq đã ký 467 hợp đồng với Mỹ trong lĩnh vực hợp tác quân sự. Nếu tất cả chúng được thực hiện, tổng giá trị có thể lên tới 12,3 tỷ đôla. Tôi không nghĩ rằng chúng tôi tỏ ra lo ngại về các thỏa thuận này (giữa Iraq và Liên bang Nga)."- RIA Novosti dẫn lời bà Nuland cho hay.

Bà Nuland đã từ chối bình luận khi có có ý kiến cho rằng, Iraq đã làm “sống lại” hợp tác quân sự với Nga vì họ không hài lòng với chất lượng cũng như khối lượng nhập khẩu vũ khí từ Mỹ.

"Tôi không thể nói cái gì đằng sau thỏa thuận này. Chúng tôi cũng đã ký với Iraq các hợp đồng trị giá lến đến 12,3 tỷ đôla ", - Nuland cho biết.

Với hợp đồng trị giá 4,2 tỉ đôla, Nga trở thành nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Iraq sau Mỹ. Ảnh: Trực thăng tấn công Mi-28N.
Với hợp đồng trị giá 4,2 tỉ đôla, Nga trở thành nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Iraq sau Mỹ. Ảnh: Trực thăng tấn công Mi-28N.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa kỳ cho biết Mỹ không có những thông tin chính thức về nội dung của hợp đồng giữa Nga-Iraq. "Tôi nghĩ rằng các bạn nên sang Nga để có lời giải thích chính xác về những gì có trong bản hợp đồng đã ký với Moscow", - Bà nói.

Theo hãng tin ВЗГЛЯД (VZGLYAD) của Nga, Iraq trong chuyến thăm của thủ tướng Nuri al-Maliki của Iraq tại Moscow vừa ký nhiều hợp đồng mua vũ khí từ Nga, với tổng trị giá hơn 4,2 tỉ đôla.

Các hợp đồng nói trên được hai bên ký trong các chuyến thăm Nga của Bộ trưởng Quốc phòng Iraq Nuri al-Maliki trong tháng 4, tháng 7 và tháng 8.

Trước đó, vào cuối tháng 9, Tổng giám đốc Trung tâm phân tích mua bán vũ khí toàn cầu (TSAMTO) Igor Korotchenko cho biết rằng Baghdad chưa chắc sẽ mua các vũ khí và trang thiết bị quân sự của Moscow trị giá 4,4 tỉ đôla vì Hoa Kỳ sẽ tìm mọi cách để ngăn chặn bất kỳ động thái mua sắm vũ khí lớn nào của Iraq từ Nga.

Theo ông, rõ ràng các công ty Mỹ vẫn đang chiếm ưu thế trong cơ cấu nhập khẩu vũ khí của Iraq và nó sẽ tiếp tục được duy trì ít nhất là trong 5 năm tới. Mỹ sẽ nhận được trong giai đoạn 2012-2015 khoảng 3,3 tỉ đôla từ những hợp đồng đã ký kết với Iraq.

Hiện chưa có những thông tin chính xác về nội dung bản hợp đồng, tuy nhiên, trong tháng 9, mạng Blog quân sự nổi tiếng bmpd cho biết rằng Nga đã lên kế hoạch để ký kết hợp đồng cung cấp cho Iraq các máy bay MiG-29M/M2 Iraq, xe bọc thép, hệ thống phòng không (cụ thể là 42 tổ hợp tên lửa Pantsir-S1), và 30 trực thăng chiến đấu Mi-28NE.

Nếu hợp đồng được ký kết, Iraq sẽ trở thành khách hàng nước ngoài đầu tiên của Mi-28NE. Dự kiến hợp đồng đầu tiên sẽ bao gồm Pantsir-S1 và Mi-28NE.

Tổ hợp tên lửa phòng không Pantsir-S1.
Tổ hợp tên lửa phòng không Pantsir-S1.

Hãng tin Interfax dẫn lời  Phó Giám đốc Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ Konstantin Makiyenko cho biết, con số 4,3 tỷ đôla này bao gồm: 2 tỷ cho 30 trực thăng Mi-28N, và 2,3 tỷ đôla cho 42 tổ hợp tên lửa Pantsir-S1.

Ông này cũng lưu ý rằng, hợp đồng vũ khí thứ hai dự sẽ là hợp đồng cung cấp cho Baghdad các máy bay tiêm kích MiG-29M/M2 và xe bọc thép.

Trước đó, có thông tin cho rằng trong tháng 9 năm 2014, Hoa Kỳ sẽ cung cấp cho Iraq lô hàng đầu tiên của máy bay chiến đấu F-16IQ Fighting Falcon.

Giá trị của lô hàng này không được xác đinh. Tổng cộng, Iraq đã nhận được 36 máy bay chiến đấu của Mỹ trong tháng 8 và tháng 12 năm 2011 với tổng số tiền lên tới 5,3 tỷ đôla.

Theo Defense News, Iraq cũng sẽ nhận được những trang thiết bị và vũ khí bổ sung cho F-16. Tất cả các máy bay chiến đấu được bàn giao cho khách hàng sẽ là những biến thể Block 50/52. Các tiêm kích này phân biệt với biến thể cũ ở radar và hệ thống tên lửa hiện đại hơn.

Tiêm kích F-16 của Iraq.
Tiêm kích F-16 của Iraq.

Các chuyên gia tin rằng, hợp đồng trị giá 4,2 tỷ đôla là một thành công ngoài sức tưởng tượng đối với Nga.

"Trước hết, phải khẳng định đây là một hợp động có trị giá vô cùng lớn, tất nhiên, nó chưa phải là lớn nhất trong số những hợp đồng mà Nga đã đạt được. Thứ hai, chúng tôi cảm thấy rất ngạc nhiên về chính sách quân sự Iraq. Thực sự đây là một bất ngờ rất thú vị ", - Makiyenko cho biết.

Trước đó, theo những thống kê của TSAMTO, xuất khẩu quân sự của Nga trong năm 2011 đạt 13,2 tỷ đôla, dự báo trong năm 2012 sẽ là 11,6 tỷ. Nga đang có kế hoạch cung cấp nhiều loại sản phẩm cho thị trường vũ khí thế giới để đạt được doanh thu lên đến 13,6 tỷ đôla.

Trịnh Tuân (Nguồn: VZ)