Mỹ tạo thách thức toàn diện với Trung Quốc ở châu Á-Thái Bình Dương?

28/06/2012 09:14
Đông Bình (nguồn Nhân Dân nhật báo, Trung Quốc)
(GDVN) - Mỹ xây dựng các căn cứ quân sự vĩnh viễn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ gây ra thách thức toàn diện cho Trung Quốc.
Đến năm 2020, Mỹ sẽ triển khai 60% tàu chiến ở khu vực Thái Bình Dương, trong đó có 6 tàu sân bay chạy bằng năng lượng nguyên tử.
Đến năm 2020, Mỹ sẽ triển khai 60% tàu chiến ở khu vực Thái Bình Dương, trong đó có 6 tàu sân bay chạy bằng năng lượng nguyên tử.

Tờ “Nhân Dân nhật báo” Trung Quốc ngày 27/6/2012 có bài viết cho rằng, cùng với chiến lược quân sự Mỹ điều chỉnh tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nhiều lực lượng quân sự hơn của Mỹ sẽ triển khai ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, những căn cứ quân sự đã từng đồn trú và những căn cứ tiềm năng đều thu hút sự quan tâm của Mỹ.

Mỹ cố gắng tìm cách thuê được sân bay quân sự U-Tapao của Thái Lan là một ví dụ, điều này liên quan đến việc Mỹ có ý đồ ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc, tăng cường hợp tác quân sự với các nước Đông Nam Á.

Không từ bỏ thuê sân bay quân sự Thái Lan

Ngày 26/6, Nội các Thái Lan tổ chức hội nghị thảo luận vấn đề Cục Hàng không vũ trụ Quốc gia Mỹ xin thuê sân bay quân sự U-Tapao dùng để “nghiên cứu tầng mây và khí tượng”, nhưng hội nghị nội các chưa đưa ra quyết định, chỉ cho biết phải giao việc này cho Quốc hội thảo luận và xóa bỏ mối lo ngại của các giới đối với kế hoạch này.

Được biết, căn cứ vào quy định của Hiến pháp Thái Lan, Nội các có quyền quyết định, không cần thông qua phê chuẩn của Quốc hội, vì vậy sẽ không tiến hành bỏ phiếu biểu quyết tại Quốc hội.

Sân bay U-Tapao nằm ở Rayong, miền trung Thái Lan, kề sát vịnh Thái Lan, cách Thủ đô Băng Cốc của Thái Lan chưa đến 200 km, là căn cứ chính của máy bay ném bom B-52 quân đội Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam thập niên 1960. Trong hình là máy bay ném bom B-52 của quân Mỹ.
Sân bay U-Tapao nằm ở Rayong, miền trung Thái Lan, kề sát vịnh Thái Lan, cách Thủ đô Băng Cốc của Thái Lan chưa đến 200 km, là căn cứ chính của máy bay ném bom B-52 quân đội Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam thập niên 1960. Trong hình là máy bay ném bom B-52 của quân Mỹ.

Đối với vấn đề này, người điều phối Nhóm chính trị Xanh Thái Lan Suliyasai (âm) cho biết, hành động này của Chính phủ là nhằm giảm bớt sức ép từ việc công khai chi tiết kế hoạch, tránh bị ràng buộc pháp lý sau này, khi thời cơ chín muồi, Chính phủ Thái Lan nhất định sẽ phê chuẩn hợp tác với Mỹ.

Mỹ cũng thay đổi thái độ cứng rắn trước đây, cho biết sẵn sàng nhẫn nại chờ đợi kế hoạch này trải qua trình tự pháp lý của Thái Lan. Đại sứ Mỹ tại Thái Lan Christie cho biết, việc thuê sân bay được thông qua vào cuối tháng 6 cũng không muộn, cho dù năm tới bàn tiếp, Mỹ cũng không từ bỏ, đủ thấy Mỹ cố gắng thuê được sân bay quân sự của Thái Lan.

Một sĩ quan Thái Lan cho biết, ngoài Cục Hàng không vũ trụ Quốc gia Mỹ, Hải quân Mỹ cũng đề nghị với Chính phủ Thái Lan, yêu cầu thuê sân bay U-Tapao, xây dựng căn cứ “ứng phó với những cơn lốc, sóng thần mang tính thảm họa và những thiên tai khác”.

Tờ “Matichon” (Ý kiến công chúng) Thái Lan bình luận, Mỹ từng lấy căn cứ U-Tapao làm căn cứ để ném bom nước láng giềng (Việt Nam -PV), đến nay vẫn là trung tâm của cuộc diễn tập quân sự thường niên “Cobra Gold” (Hổ mang vàng) giữa Mỹ và Thái Lan, thuê sân bay có thể không chỉ nhằm giảm thiên tai.

Theo tờ “Bưu điện Washington”, năm 2014, Hải quân Mỹ có kế hoạch triển khai tàu tuần tra săn ngầm P-8A Poseidon mới nhất và máy bay không người lái theo dõi trên cao ở Thái Bình Dương, Mỹ đang tìm kiếm đối tác châu Á sẵn sàng tiếp nhận những máy bay này.

Dư luận sôi nổi suy đoán, Mỹ tìm cách thuê sân bay quân sự U-Tapao là có liên quan tới ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc, tăng cường hợp tác quân sự với các nước Đông Nam Á. Cựu Thủ tướng Thái Lan Abhisit cho biết, Mỹ đang thúc đẩy chiến lược quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương, kế hoạch sử dụng sân bay Thái Lan của Mỹ có thể gây lo ngại cho các nước láng giềng liên quan của Thái Lan.

Sát thủ săn ngầm P-8A Poseidon của Hải quân Mỹ.
Sát thủ săn ngầm P-8A Poseidon của Hải quân Mỹ.

Tờ “The Nation” (Dân tộc) Thái Lan cho rằng, “rất nhiều nước lo ngại rủi ro an ninh tiềm tàng”, “bởi vì phạm vi hoạt động của chương trình có thể mở rộng đến hầu hết các khu vực của châu Á, thậm chí mở rộng đến một phần khu vực của Nga, những thông tin thu được có thể thông qua vệ tinh truyền đến căn cứ quân sự hoặc tàu chiến của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương”.

Muốn rút khỏi hệ thống mạng quân sự lớn bằng số tiền nhỏ

Cùng với việc chiến lược quân sự của Mỹ điều chỉnh sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nhiều lực lượng quân sự hơn của Mỹ sẽ triển khai ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, những căn cứ quân sự từng đồn trú và các căn cứ tiềm năng đều thu hút sự quan tâm của quân Mỹ, quan chức cấp cao Mỹ tập trung đến thăm Đông Nam Á, liên tiếp thăm các nước như Thái Lan, Việt Nam, Philippines.

Ở Việt Nam, Mỹ cho biết rất hứng thú với vịnh Cam Ranh. Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Mỹ còn tìm kiếm nơi đóng quân lớn hơn ở Philippines, bao gồm căn cứ hải quân ở vịnh Subic và căn cứ không quân Clark. Singapore đồng ý về nguyên tắc cho Mỹ triển khai 4 tàu chiến đấu duyên hải ở Singapore, chiếc đầu tiên sẽ bắt đầu triển khai vào quý 2 năm 2013.

Ngoài khu vực Đông Nam Á, quân Mỹ cũng tìm cách triển khai căn cứ mới ở các khu vực như Australia, Nhật Bản. Mặc dù hai nước Mỹ-Nhật đạt được thỏa thuận giảm số quân Mỹ ở Okinawa, nhưng quân Mỹ vẫn có kế hoạch tăng hàng nghìn binh sĩ hải quân ở căn cứ Okinawa, lên đến mức cao nhất sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh.

Tàu chiến đấu duyên hải Mỹ sẽ bắt đầu được triển khai ở Singapore vào quý 2 năm 2013.
Tàu chiến đấu duyên hải Mỹ sẽ bắt đầu được triển khai ở Singapore vào quý 2 năm 2013.

Nhà nghiên cứu nhiều năm về khu vực Đông Bắc Á, Bruce Klingner cho biết, quân Mỹ tái tăng cường sức mạnh ở Okinawa hoàn toàn không ngạc nhiên, Okinawa vẫn là một mắt xích quan trọng của quân Mỹ ở Thái Bình Dương.

Ngoài Nhật Bản, một bàn đạp quan trọng khác của quân Mỹ ở Thái Bình Dương là Australia. Ngoài việc quân Mỹ sẽ triển khai ở Australia 2.500 binh sĩ vào năm 2016-2017, Australia đang thảo luận phát triển quần đảo Cocos thành căn cứ quân Mỹ có thể phục vụ cho máy bay trinh sát không người lái, đồng thời xem xét nâng cấp căn cứ hải quân Stirling ở thành phố Perth, miền tây Australia, tạo thuận lợi cho hoạt động của tàu chiến Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Bo Zhiyue, nhà nghiên cứu cấp cao Viện Nghiên cứu Đông Á, Đại học Quốc lập Singapore cho rằng, Mỹ muốn chuyển trọng điểm quân sự tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương, triển khai lực lượng quân sự ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đối với Mỹ, nếu có thể dùng số tiền ít để triển khai được lực lượng quân sự trên toàn cầu, thì sao lại không làm?

Ông cho rằng, Mỹ khôi phục rất nhiều căn cứ quân sự ở các nước láng giềng Trung Quốc không chỉ là để khôi phục và tăng cường sức mạnh quân sự của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, mà có dụng ý lớn hơn ở chỗ: xây dựng đồng minh quân sự với các nước Đông Nam Á ở xung quanh Trung Quốc.

Gây thách thức cho Trung Quốc

Có phân tích cho rằng, mặc dù Mỹ cắt giảm lớn chi tiêu quân sự, nhưng họ chuyển chiến lược tới châu Á và tăng cường thâm nhập các căn cứ quân sự của khu vực này là một hành động cần thiết bảo vệ an ninh châu Á, cân bằng có hiệu quả với Trung Quốc, giúp cho các nước đồng minh tin vào cam kết của Mỹ đối với an ninh châu Á-Thái Bình Dương.

Hải quân ba nước Mỹ-Nhật-Hàn lần đầu tiên tổ chức diễn tập quân sự liên hợp trên biển Hoa Đông.
Hải quân ba nước Mỹ-Nhật-Hàn lần đầu tiên tổ chức diễn tập quân sự liên hợp trên biển Hoa Đông.

Brian, nhà nghiên cứu Viện Nghiên cứu Quan hệ quốc tế Rajaratnam, Đại học Nanyang, Singapore cho rằng, hành động này của Mỹ sẽ khuyến khích quân Mỹ tiếp tục hiện diện ở khu vực này. Mỹ và đồng minh có lẽ đều ý thức được, quân Mỹ xây dựng căn cứ quân sự vĩnh viễn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ làm cho sự hiện diện của Mỹ tại khu vực gây ra thách thức toàn diện cho Trung Quốc.

Về thái độ của các nước Đông Nam Á trước việc Mỹ mở rộng căn cứ quân sự, Bo Zhiyue cho rằng, từ thập niên 1990 trở đi, quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN luôn lấy hợp tác kinh tế thương mại cùng có lợi làm trục chính.

Cùng với sức mạnh kinh tế của Trung Quốc đã có sự phát triển rất lớn, sức mạnh quân sự của Trung Quốc cũng được phát triển tương ứng, gây ra lo ngại cho các nước láng giềng. Đặc biệt Mỹ công khai can thiệp vào vấn đề biển Đông, làm cho quan hệ giữa Trung Quốc và các nước Đông Á với trục chính là kinh tế thương mại cùng có lợi bị lung lay, chuyển sang lấy vấn đề an ninh, hòa bình của khu vực này làm trục chính, gây ra các loại tranh chấp và mâu thuẫn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Vì vậy, các nước như Philippines rất tích cực với việc Mỹ mở rộng căn cứ quân sự ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương .

Báo Trung Quốc dẫn lời Brian cho rằng, Thái Lan là đồng minh lâu dài của Mỹ tại khu vực, quan hệ song phương Mỹ và một số nước ở ĐNA cũng đang được cải thiện. Nhưng vào thập niên 1970, Mỹ điều rất nhiều quân đội đóng ở Thái Lan và Việt Nam, hai nước này không có nhiều khả năng muốn quân Mỹ sẽ đóng quân lâu dài ngoài việc thăm cảng biển, đào tạo quân đội và tổ chức diễn tập quân sự liên hợp định kỳ.

Mỹ-Hàn tổ chức diễn tập quân sự liên hợp quy mô lớn ngày 24/6 tại khu vực cách Khu phi quân sự hai miền Triều Tiên khoảng 15 km. Trong hình là xe tăng K1A1 của Lục quân Hàn Quốc khai hỏa yểm trợ cho lực lượng mặt đất.
Mỹ-Hàn tổ chức diễn tập quân sự liên hợp quy mô lớn ngày 24/6 tại khu vực cách Khu phi quân sự hai miền Triều Tiên khoảng 15 km. Trong hình là xe tăng K1A1 của Lục quân Hàn Quốc khai hỏa yểm trợ cho lực lượng mặt đất.
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theoGiaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Đông Bình (nguồn Nhân Dân nhật báo, Trung Quốc)