Mỹ tìm cách "xiết" 1 tỷ USD trong tài khoản Kim Jong-un ở nước ngoài

26/04/2013 08:20
Nguyễn Hường (nguồn Yonhap)
(GDVN) - Cách tạo áp lực hiệu quả nhất với Bình Nhưỡng là gây sức ép về tài chính và trưng thu các tài khoản bí mật của gia đình nhà lãnh đạo Triều Tiên để trang trải các khoản nợ của quốc gia này.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un được cho là có hơn 1 tỷ USD trong tài khoản bí mật ở ngân hàng nước ngoài. 

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Tờ Washington Times dẫn lời một quan chức tình báo Mỹ giấu tên cho biết, Kim Jong-un và gia đình ông hiện có ít nhất 1 tỷ USD trong các tài khoản ở Thụy Sĩ, Áo và Luxembourg. 
Mỹ đang cố gắng gây thêm các áp lực tài chính để kiềm chế chương trình tên lửa và hạt nhân của quốc gia này. Trong khi đó, Hội đồng Bảo an LHQ cũng thắt chặt lệnh trừng phạt chống lại Bình Nhưỡng sau vụ thử nghiệm tên lửa và hạt nhân mới đây.
Nguồn tin cho rằng cách tạo áp lực hiệu quả nhất với Bình Nhưỡng là gây sức ép về tài chính và trưng thu các tài khoản bí mật của gia đình nhà lãnh đạo Triều Tiên để trang trải các khoản nợ của quốc gia này.
"Để cắt nguồn cung cấp tài chính để phát triển vũ khí hàng loạt của Triều Tiên, chúng ta nên theo dõi và chặn các quỹ bí mật ở nước ngoài của gia đình Kim Jong-un rồi dùng để trả các khoản nợ nước ngoài của Triều Tiên" - quan chức giấu tên trên cho biết.
Ước tính, số tiền Triều Tiên đang nợ khoảng 30 quốc gia là 14 tỷ USD, trong đó nợ Nhật Bản 400 triệu USD, nợ Thụy Điển 330 triệu USD, nợ Iran 300 triệu USD, nợ Đức 300 triệu USD, nợ Thái Lan 400 triệu USD, nợ Thụy Sĩ 100 triệu USD, nợ Iraq 50 triệu USD - một quan chức Mỹ nói với Washington Times.
Tất cả các quốc gia trên đã nhiều lần lên tiếng yêu cầu Bình Nhưỡng thanh toán các khoản nợ, nhưng Trung Quốc và Nga vẫn im lặng. 
Tờ báo trên cho biết, Trung Quốc là chủ nợ chính của Triều Tiên khi cho Bình Nhưỡng nợ khoảng 6,98 tỷ USD. Tiếp đó là Nga với 1,1 tỷ USD. Số nợ đến chủ yếu từ việc chuyển nhượng tài sản quân sự và các hỗ trợ khác.
Nguyễn Hường (nguồn Yonhap)