Mỹ-Ấn bày tỏ thái độ cứng rắn về Biển Đông gây ngạc nhiên cho TQ?

11/10/2014 08:34
Đông Bình
(GDVN) - Ấn Độ và Mỹ thể hiện lập trường chung cứng rắn, có chính sách và chiến lược mới ở CA-TBD, gây bất ngờ cho TQ - nước tham vọng bành trướng lãnh thổ.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Mỹ Barack Obama
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Mỹ Barack Obama

Tờ "Daily Telegraph" Ấn Độ ngày 9 tháng 10 đưa tin, về việc Ấn Độ và Mỹ "can thiệp" tranh chấp trên biển giữa Trung Quốc với các nước châu Á, ngày 8 tháng 10, Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích, vài ngày trước, New Delhi và Washington lần đầu tiên đã nhắc tới những tranh chấp lãnh thổ này trong Tuyên bố chung của hai nhà lãnh đạo cao nhất hai nước.

Ngày 30 tháng 9, trong Tuyên bố chung, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nhắc đến những tranh chấp lãnh thổ liên quan đến Trung Quốc. Đối với vấn đề này, Trung Quốc đã lên tiếng “cảnh cáo”, đã phản ánh sự bất an sâu sắc của Bắc Kinh đối với tình hình này.

Tại một cuộc họp báo, Trung Quốc thông qua phát ngôn viên ngoại giao tên là Hồng Lỗi cho rằng, tranh chấp Biển Đông cần giải quyết thông qua thương thảo hữu nghị và đàm phán, bên thứ ba không nên can thiệp vào vấn đề liên quan.

Trên thực tế, Tuyên bố chung giữa hai nhà lãnh đạo Ấn-Mỹ chỉ kêu gọi các nước liên quan đến tranh chấp Biển Đông cần tuân thủ luật pháp quốc tế, bảo đảm tự do hàng hải và tự do bay, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.

Đây chính là các nguyên tắc, quy tắc chung, cơ bản của luật pháp quốc tế, những trách nhiệm cần có, nhất là nước lớn như Trung Quốc - nước luôn thông qua truyền thông tuyên truyền tự coi mình là "nước lớn", là "có phong độ" và muốn "làm gương cho thiên hạ"…

Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) là một nền tảng pháp lý cho giải quyết tranh chấp biển đảo, được các nước trên thế giới thừa nhận. Các nước khác phải thực hiện các quy định của nó một cách thống nhất, đúng nghĩa và nghiêm túc, không được suy diễn, giải thích lung tung, tự tiện áp đặt chủ trương riêng, dùng luật nước mình để áp cho nước khác, áp cho vùng biển, vùng trời quốc tế, ví dụ như khi lập ra Vùng nhận dạng phòng không; không thể biến Biển Đông thành ao nhà…

Theo bài báo, Trung Quốc sở dĩ đặc biệt lo ngại đối với vấn đề này là do từ ngữ được sử dụng trong Tuyên bố chung của Ấn-Mỹ mạnh mẽ hơn so với những từ ngữ sử dụng trong Tuyên bố chung giữa New Delhi với các nước khác.

Tuyên bố chung Ấn-Mỹ nhấn mạnh: "Các nhà lãnh đạo (hai nước Ấn-Mỹ) đều đã bày tỏ lo ngại về tình hình căng thẳng tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải leo thang, tái khẳng định tầm quan trọng của bảo vệ an ninh hàng hải, bảo đảm tự do đi lại trên biển và trên không".

Nhưng, theo bài báo, sự lo ngại của Bắc Kinh cơ bản có nguồn gốc từ: Khi chính quyền Bắc Kinh cho rằng chiến lược tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương của Washington là nhằm vào Trung Quốc, hai nước Ấn-Mỹ đã nhắc đến tranh chấp lãnh thổ cụ thể trong Tuyên bố chung.

Trung Quốc khủng bố Việt Nam ở vùng biển chủ quyền của Việt Nam (ảnh tư liệu)
Trung Quốc khủng bố Việt Nam ở vùng biển chủ quyền của Việt Nam (ảnh tư liệu)

Tuyên bố chung phát biểu tại Nhà Trắng của hai ông Narendra Modi-Barack Obama cũng ngầm cho biết, chính sách "Hành động hướng Đông" (Act East) của Ấn Độ có điểm chung với chiến lược trọng tâm châu Á của Mỹ, điều này cũng đã làm gia tăng sự lo ngại của Trung Quốc.

Tuyên bố chung cho rằng, chính sách “Hành động hướng Đông” của Ấn Độ và chiến lược tái cân bằng châu Á của Mỹ cho thấy các nhà lãnh đạo tập trung cho thông qua hiệp thương, đối thoại và diễn tập liên hợp, triển khai hợp tác chặt chẽ hơn với các nước khác ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Bài báo cho rằng, tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc với các nước Nhật Bản, Việt Nam và Philippines ở Biển Đông và biển Hoa Đông đã tạo cơ hội cho Ấn Độ xây dựng quan hệ kinh tế và chiến lược chặt chẽ hơn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Nhưng, ngoài quan hệ giữa Ấn Độ-Nhật Bản, quan hệ giữa Ấn Độ và các nước Đông Á khác hoàn toàn không làm cho Trung Quốc đặc biệt lo ngại.

Tháng trước, trong thời gian Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee thăm Việt Nam – trước thềm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Ấn Độ - New Delhi và Hà Nội đã ra Tuyên bố chung, cho rằng: “Tự do hàng hải của biển Hoa Đông và Biển Đông không được gây trở ngại”. Tuyên bố này không làm Bắc Kinh tức giận hoặc làm cho Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra bất cứ phản ứng nào.

Theo bài báo, Trung Quốc lo ngại Ấn Độ gia nhập liên minh Mỹ-Nhật nhằm ngăn chặn sự phát triển của Trung Quốc. Quan chức Trung Quốc cho rằng, Trung Quốc chú ý đến, khi thăm Tokyo, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hoàn toàn không nhắc rõ tình hình căng thẳng trên biển, Trung Quốc bày tỏ hoan nghênh đối với vấn đề này.

Trung Quốc đang bành trướng lãnh thổ ở Biển Đông: Đang biến đá Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) thành đảo nhân tạo (nguồn Thời báo Hoàn Cầu)
Trung Quốc đang bành trướng lãnh thổ ở Biển Đông: Đang biến đá Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) thành đảo nhân tạo (nguồn Thời báo Hoàn Cầu)

Ông Narendra Modi và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sau hội đàm đã ký kết và ra Tuyên bố chung – “Tuyên bố Tokyo”, tuyên bố này chỉ nhắc đến hai nước có “lợi ích chung” trên phương diện bảo vệ ổn định, hòa bình và an ninh hàng hải khu vực, hoàn toàn không nhắc đến Biển Đông và biển Hoa Đông.

Bài báo cho rằng, dưới sức ép mạnh mẽ dùng từ ngữ cứng rắn trong Tuyên bố chung hai nước của ông Shinzo Abe, ông Narendra Modi hoàn toàn không “khuất phục”, khiến Trung Quốc tin rằng lập trường của ông Modi trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ của Trung Quốc khi thăm Washington sẽ không thay đổi.

Báo chí nhà nước Trung Quốc ngày 30 tháng 9 đã có bài viết thể hiện loại tự tin này của Trung Quốc: Bài viết chỉ ra, chính phủ nhiều khóa của Ấn Độ đều thực hiện chính sách ngoại giao cơ bản “không liên kết”. Mỹ muốn để Ấn Độ phát huy vai trò chủ đạo trong chiến lược “tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương” của họ là không thực tế. Khả năng đạt được đồng thuận của Ấn Độ và Mỹ trong vấn đề của Trung Quốc không lớn.

Nhưng, sau đó không lâu, ông Modi lại có cử động ngược lại, khiến cho Trung Quốc cảm thấy ngạc nhiên.

Sau khi tổ chức ăn cướp xong quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào năm 1974, Trung Quốc đã xây dựng phi pháp nhiều công trình trên quần đảo này, nhất là ở đảo Phú Lâm, trong đó có sân bay
Sau khi tổ chức ăn cướp xong quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào năm 1974, Trung Quốc đã xây dựng phi pháp nhiều công trình trên quần đảo này, nhất là ở đảo Phú Lâm, trong đó có sân bay
Đông Bình